Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: “GTVT chạy đà thuận lợi trong kỷ nguyên công nghiệp mới”

1/9/2017

Với bề dày truyền thống “Đi trước mở đường”, trong suốt 72 năm, bất cứ giai đoạn nào ngành GTVT cũng luôn chứng tỏ được khả năng vượt qua khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

Trao đổi với Báo Giao thông nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, với nguồn nhân lực khoa học - công nghệ (KHCN) hiện có, ngành GTVT đang có bước chạy đà thuận lợi để tiếp cận, phát triển đồng hành với thế giới trong kỷ nguyên công nghiệp mới.

Ngành GTVT đang có sự đột phá mạnh mẽ

Với phương châm “Đi trước mở đường”, 72 năm qua, ngành GTVT đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống, xin Bộ trưởng chia sẻ về những thành tựu nổi bật của ngành GTVT?

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành l���p Bộ Giao thông công chính. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 41, chuyển giao Nha Giao thông từ chính quyền cũ của thực dân Pháp, sang Bộ Giao thông công chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hành động khẩn trương, quyết đoán của Hồ Chủ tịch và Chính phủ lâm thời trong việc hoàn thiện bộ máy của ngành Giao thông là bằng chứng cho thấy Đảng và Nhà nước ta ngay từ đầu đã đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp phát triển GTVT.

"Việc hoàn thành nhiều công trình, sản phẩm đạt chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm đã khẳng định tính chuyên nghiệp, năng lực làm chủ công nghệ, bước tiến bộ về trình độ KHCN của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành GTVT.


Cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ mang lại thách thức, đồng thời là cơ hội học tập suốt đời, nâng cao trình độ cho người lao động. Do vậy, điều quan trọng, theo tôi, chúng ta cần tập trung nghiên cứu và đào tạo, giáo dục chuyển đổi nghề nghiệp với các kỹ năng phù hợp với những thay đổi ngày một sâu rộng mà cuộc cách mạng này đem lại”.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

Kể từ thời điểm lịch sử ấy, với phương châm “Đi trước mở đường”, ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lá cờ truyền thống của ngành GTVT được tô thắm bằng máu của hàng vạn liệt sỹ đã ngã xuống trên các cung đường và mồ hôi, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành suốt 72 năm qua.

Trong những năm gần đây, ngành GTVT đã có sự đột phá mạnh mẽ trong việc đầu tư, phát triển nhanh, hiện đại hạ tầng giao thông; phát triển các phương thức vận tải; đảm bảo trật tự ATGT, không ngừng cải cách, đổi mới hoạt động trên tất cả các lĩnh vực… góp phần quan trọng vào sự đi lên của đất nước, của dân tộc.

Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, ngành GTVT đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch; đây là 2 trục giao thông quan trọng nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia, tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 5 năm trở lại đây, bằng việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, đã có 704km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt 104km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra). Đây là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục Bắc - Nam, cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển cửa ngõ và các cửa khẩu quốc tế.

Phát huy lợi thế tự nhiên, các tuyến đường thủy chính đã được đầu tư nâng cấp, đến năm 2016, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 1.082km đường thủy, vùng Đồng bằng Bắc bộ có 462km đường thủy được nâng cao năng lực vận tải. Hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và nhiều cảng khác, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn năm 2011 lên khoảng 470 triệu tấn năm 2015; tăng khoảng 50 triệu tấn so với năm 2011. Đầu tư cảng Lạch Huyện, luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cảng. Đặc biệt, đã triển khai tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và kết nối khu vực của phương thức vận tải thủy, giảm giá thành vận tải và giảm tải đáng kể cho vận tải đường bộ Bắc - Nam.

Đặc biệt, chúng ta cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án, công trình tại các cảng hàng không quan trọng, các công trình quản lý hoạt động bay, đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng không đang tăng rất nhanh thời gian qua. Đang chuẩn bị điều kiện đầu tư Dự án CHK quốc tế Long Thành.

Trong lĩnh vực giao thông đô thị, chúng ta đã tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên các đường vành đai ở Hà Nội và TP HCM. Đồng thời, đang phối hợp với UBND Hà Nội, UBND TP HCM tập trung triển khai các dự án đường sắt đô thị. Tại khu vực nông thôn, tính đến cuối năm 2016, Bộ GTVT cùng các địa phương đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436km đường giao thông nông thôn (GTNT); xây mới 15.474 cầu; cứng hóa được 220.246/492.982 km đường GTNT. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đến hết năm 2015 có 35% số xã trong cả nước đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Công tác vận tải hành khách và hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải trong và ngoài nước, bảo đảm mức tăng trưởng khá; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển vào mùa vận tải cao điểm hoặc trong thời gian bị ảnh hưởng của thời tiết; công tác bảo đảm an ninh, an toàn đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải.

Cách mạng công nghiệp đòi hỏi nhân lực trình độ cao
(Trong ảnh: Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - sân bay Nội Bài) - Ảnh: VATM

GTVT hội tụ đầy đủ các yếu tố của các cuộc cách mạng công nghiệp

Bộ trưởng nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ trong ngành GTVT hiện đang ở mức độ nào? Điều đó có thuận lợi và khó khăn gì khi ngành tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

Trong nhiều năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN hiện đại phục vụ sản xuất và công tác quản lý nhà nước luôn được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm chỉ đạo để phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả vai trò của KHCN vào trong tất cả các lĩnh vực của ngành nhằm mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong thị trường và hội nhập quốc tế; góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng bền vững của ngành.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có đóng góp xứng đáng của công tác KHCN, ngành GTVT đã tiếp nhận chuyển giao, triển khai ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật, công nghệ hiện đại từ trong và ngoài nước, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm có quy mô lớn, kỹ thuật công nghệ hiện đại như: Cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng, hầm, sân bay, cảng biển, luồng vận tải thủy, sản phẩm công nghiệp tàu thủy, ôtô, cơ khí hàng không, đường sắt, công nghệ thông tin...

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ vào quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở giai đoạn khai thác cũng được tập trung chú trọng. Nhiều công nghệ mới trong tổ chức, quản lý giao thông, điều hành vận tải, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thu phí điện tử, hệ thống giao thông thông minh (ITS) cũng đã và đang được khẩn trương triển khai áp dụng và phát huy hiệu quả tốt, nâng cao mức độ ATGT, giảm chi phí duy tu, sửa chữa, tăng hiệu quả đầu tư. Liên quan đến lĩnh vực này, Bộ đang khẩn trương tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ số của ngành GTVT và đã trình Chính phủ Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được nâng cấp; các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ được thiết lập; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng phục vụ công tác quản lý, điều hành của các đơn vị thuộc Bộ. Các dịch vụ công trực tuyến đã triển khai giúp giảm thiểu thời gian, công sức và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.Với nguồn nhân lực KHCN hiện có, ngành GTVT đang có một bước chạy đà thuận lợi để tiếp cận, phát triển đồng hành với thế giới trong kỷ nguyên công nghiệp mới.

Ngành GTVT có truyền thống rất đáng tự hào “Đi trước mở đường”. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, ngành GTVT có bước đi như thế nào để có thể ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này, tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành GTVT, thưa Bộ trưởng?

Với mọi quốc gia trên thế giới, GTVT mang thuộc tính là một ngành kinh tế kỹ thuật luôn có sứ mệnh đi trước một bước, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Ngành GTVT nước ta lẽ dĩ nhiên cũng không nằm ngoài phạm vi tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất với dấu mốc là việc sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Khi đó, ngành GTVT có một bước tiến lớn từ các phương thức vận tải thô sơ sang vận tải hàng hóa và hành khách với khối lượng lớn, cự ly xa bằng các tuyến đường sắt với các đoàn tàu chạy đầu máy hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 từ cuối thế kỷ 19 đánh dấu thời kỳ sử dụng năng lượng điện và công nghiệp chế tạo máy móc phát triển cao. Ngành GTVT có bước tiến đáng kể về phương tiện giao thông hiện đại, tốc độ cao, sức chở lớn… kèm theo đó là sự đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại như: Tàu điện ngầm, đường ô tô cao tốc, đường sắt tốc độ cao…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 xuất hiện vào giữa thế kỷ 20, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Do tác động của cuộc cách mạng này, cơ cấu, sự phát triển của ngành GTVT cũng có thay đổi: Áp dụng tự động hóa, giao thông thông minh, giao thông gắn với tiêu chí phát triển bền vững, hiệu quả…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hình thành nhờ bước đột phá về công nghệ: Trí thông minh nhân tạo, robot, công nghệ nano, mạng internet, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử… làm thay đổi nhiều mô hình phát triển ở cuộc cách mạng công nghệ lần 2 mà ngành GTVT không phải là ngoại lệ.

Như vậy, có thể thấy ngành GTVT hội tụ đầy đủ các yếu tố của các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, 2, 3 và lần thứ 4 như bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, ứng dụng công nghệ thông tin; Kết nối internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động...); Xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng internet như taxi Uber, Grab; Cung cấp các dịch vụ công qua internet (cấp, đổi bằng lái xe)... và đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng này.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ điều hành, tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông như: Phát triển loại hình vận tải công cộng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị và các phương thức vận tải hỗn hợp; xây dựng các trung tâm điều hành, kiểm soát giao thông tại các thành phố lớn và hệ thống đường ôtô cao tốc; nghiên cứu công nghệ phân tích dòng xe nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông... Ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT sẽ được triển khai theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ phát triển nhanh, bền vững, thân thiện môi trường. Cụ thể, sẽ tăng cường hợp tác, nghiên cứu chuyển giao các công nghệ xây dựng và quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại như công nghệ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, tiếp cận từng bước công nghệ xây dựng đường sắt tốc độ cao, nghiên cứu xây dựng công trình giao thông chịu tác động của động đất, sóng thần, gió, thích ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng...; Nâng cao chất lượng công tác tư vấn, ứng dụng công nghệ hiện đại (công nghệ 3D), công nghệ Quantum, phần mềm tính toán hiện đại phục vụ công tác khảo sát thiết kế các công trình giao thông nhằm mục tiêu giảm giá thành, phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thủy văn của từng khu vực trong cả nước; Hoàn thiện các công nghệ nhằm nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã có trong thời gian qua theo hướng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng chỉ đạo, nghiên cứu áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn vận tải, chống ách tắc giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải độc hại trong hoạt động hàng hải, sự cố tràn dầu và phát thải khí ô nhiễm do hoạt động của các phương tiện vận tải; Nghiên cứu liên kết các loại hình vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, logistics, kết nối các loại hình vận tải liên vận quốc tế.

Hầm Đèo Cả - Hầm hiện đại vừa thông xe do chính người Việt đầu tư và thi công

Mỗi người cần học hỏi để làm chủ được máy móc, công nghệ

Nhiều người nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ làm thay đổi bộ mặt cũng như trật tự của nhiều lĩnh vực trong xã hội, trong đó có GTVT. Khi đó, tự động hóa sẽ dần thay thế lao động chân tay, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, điều này có ý nghĩa như thế nào với ngành GTVT, vốn đang sử dụng rất nhiều nhân công và lao động giản đơn, thưa Bộ trưởng?

Đúng là tự động hóa có những tác động tích cực không thể phủ nhận trong việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống cho con người. Công nghiệp mới được dự báo sẽ tác động lớn đến lực lượng lao động mà cụ thể là nguy cơ mất việc làm của hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh việc những nghề được máy móc thay thế, sẽ xuất hiện thêm nhiều việc làm mới, ngành nghề mới, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao, sáng tạo.

Hay nói cách khác, dù các cuộc cách mạng công nghệ thường thổi bùng những lo ngại về thất nghiệp khi máy móc có thể làm tất cả mọi việc nhưng tổng số việc làm sẽ không giảm. Tự động hóa có thể thay thế con người, nâng cao năng suất đối với những công việc hiện tại, đồng thời lại tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới.

Thực tế, ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nhiều người đã đập phá tàu chạy bằng hơi nước bởi họ nghĩ rằng máy móc sẽ thay con người và họ mất việc. Song, máy móc sau đó vẫn được chấp nhận, ngày càng phát triển và nhiệm vụ của mỗi người là học hỏi để làm chủ được máy móc, công nghệ đó. Tương tự, cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ mang lại thách thức, đồng thời là cơ hội học tập suốt đời, nâng cao trình độ cho người lao động. Do vậy, điều quan trọng, theo tôi, chúng ta cần tập trung nghiên cứu và đào tạo, giáo dục chuyển đổi nghề nghiệp với các kỹ năng phù hợp với những thay đổi ngày một sâu rộng mà cuộc cách mạng này đem lại.

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống, xin bộ trưởng chia sẻ với đội ngũ CBCNV toàn ngành và bạn đọc Báo Giao thông về những dự định, kế hoạch thời gian tới của bộ trưởng để xây dựng ngành GTVT thực sự vững mạnh, tạo đà đưa đất nước phát triển, tiến lên hiện đại?

Với bề dày truyền thống “Đi trước mở đường”, trong suốt 72 năm, bất cứ giai đoạn nào ngành GTVT cũng luôn chứng tỏ được khả năng vượt qua khó khăn, thách thức. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, ngành GTVT đã lập được nhiều kỳ tích và thành tựu trong quá khứ, tuy nhiên tương lai còn rất nhiều việc phải làm, Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong giai đoạn này, hơn bao giờ hết, ngành GTVT phải có bước đi đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng; đồng thời không ngừng cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, công khai minh bạch trong mọi hoạt động; đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tôi cho rằng, cả quá khứ và tương lai đang đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực hơn nữa, “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” hơn nữa. Hơn lúc nào hết, niềm tự hào về thành tích 72 năm qua cần được chuyển hóa thành sức mạnh hành động để ngành có thể thực hi���n thành công nhiệm vụ nặng nề được Đảng, nhân dân giao phó.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Báo Giao Thông
Thống kê truy cập