Giải phóng mặt bằng quyết định tiến độ cao tốc Bắc - Nam

27/9/2018

Thông điệp của lãnh đạo Bộ GTVT tại các cuộc họp rất rõ ràng: “Không chấp nhận các dự án cao tốc Bắc - Nam bị chậm vì bất cứ lý do chủ quan nào”.

12

Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư lập lại tiến độ các gói thầu để theo kịp tiến độ hoàn thànhdự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngay khi có mặt bằng - Ảnh: Phan Tư

Công tác chuẩn bị triển khai xây dựng 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang bước vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, hoàn thành cơ bản các dự án vào năm 2021, các địa phương nơi có dự án đi qua cần chủ động phương án thu hồi đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai thi công.

Hoàn thành phê duyệt F/S các dự án trong tháng 10

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan quyết liệt vào cuộc triển khai công tác đầu tư xây dựng các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Hàng tháng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đều trực tiếp chủ trì họp để rà soát, tháo gỡ ngay các vướng mắc cho các dự án cao tốc Bắc - Nam. Còn Bộ GTVT coi công tác triển khai cao tốc Bắc - Nam là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn ngành trong cả nhiệm kỳ và được rà soát, kiểm điểm tiến độ theo từng tuần.

Thông điệp của lãnh đạo Bộ GTVT tại các cuộc họp rất rõ ràng: “Không chấp nhận các dự án cao tốc Bắc - Nam bị chậm vì bất cứ lý do chủ quan nào”. Đặc biệt, Bộ GTVT còn lấy kết quả chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc Bắc - Nam làm thước đo để đánh giá năng lực các ban QLDA (PMU), dự án của ban nào chậm, giám đốc của ban đó sẽ bị kỷ luật.

Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, đến nay, sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, công tác triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đang bước vào giai đoạn nước rút, tất cả dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách, nhiều dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) và đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chuẩn bị khởi công xây dựng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Quang Thái, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, trong 11 dự án thành phần, hiện Bộ GTVT đã phê duyệt F/S của hai dự án đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn - Túy Loan. Dự kiến, cuối tháng 9/2018, Bộ GTVT sẽ phê duyệt thêm F/S của 3 dự án PPP: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây. Còn lại 6 dự án theo lộ trình sẽ phê duyệt trong tháng 10/2018, gồm: Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cầu Mỹ Thuận 2.

Theo ông Thái, sau khi phê duyệt F/S, Bộ GTVT sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật cho các dự án. Dự kiến, cuối năm 2018, các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật. “Thực hiện song hành với công tác lập thiết kế kỹ thuật, trong thời gian từ tháng 10/2018 - 3/2019, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển nhà đầu tư, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP từ tháng 9/2019”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, đối với các dự án thực hiện bằng hình thức PPP, dự kiến tháng 3/2020 sẽ bắt đầu triển khai xây dựng, riêng 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan và cầu Mỹ Thuận 2) sẽ triển khai xây dựng trong năm 2019 và các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

13

Địa phương phải sớm GPMB

Từng mốc tiến độ và lộ trình thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam đã được vạch rõ, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tiến độ Quốc hội đặt ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá: “Công tác GPMB, tái định cư của các địa phương nơi dự án đi qua sẽ là nhân tố đóng vai trò chủ chốt đến việc hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Nghị quyết 20 ngày 28/3/2018 của Chính phủ về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã nêu rõ: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác GPMB đáp ứng tiến độ các dự án.

“Để đảm bảo tiến độ, ngay sau khi phê duyệt F/S các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT sẽ yêu cầu các ban QLDA bàn giao tim tuyến cho địa phương để quản lý, chuẩn bị ngay các thủ tục thực hiện GPMB”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), công tác GPMB là một bước trong giai đoạn thực hiện đầu tư và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án. Để cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam vào năm 2021, các địa phương nơi dự án đi qua sẽ phải tiến hành thu hồi đất, GPMB từ năm 2019 ngay khi được bàn giao cọc GPMB, mốc lộ giới. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, để thu hồi đất, theo quy định, UBND các tỉnh, thành sẽ phải trình phương án kế hoạch sử dụng đất năm 2019 để HĐND địa phương thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

“Sắp tới, các đơn vị tư vấn sẽ bàn giao tim tuyến và hồ sơ khối lượng GPMB trong giai đoạn dự án đầu tư cho các địa phương. Số liệu trong giai đoạn này đã có khối lượng diện tích đất cần GPMB cho từng dự án, chi tiết từng chủng loại đất nông nghiệp, đất ở, lâm nghiệp,… của từng huyện, đủ cơ sở để UBND các tỉnh, thành trình HĐND địa phương thông qua phương án sử dụng đất vào kỳ họp cuối năm 2018 nhằm phục vụ cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trong năm 2019”, ông Sơn nói.

Liên quan đến công tác GPMB của các dự án, ông Bùi Quang Thái cho biết thêm, sau khi lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật cho các dự án, dự kiến, tháng 4/2019, Bộ GTVT sẽ bàn giao cọc GPMB, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương. Sau đó, các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác GPMB.

“Dự kiến, đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác GPMB đạt khoảng 70% tổng khối lượng GPMB. Hoàn thiện toàn bộ công tác GPMB khoảng tháng 10/2020.

 
Báo Giao thông
Thống kê truy cập