Làm trước 713km cao tốc Bắc - Nam qua 12 tỉnh

18/10/2017

Việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn...

1

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông - Ảnh: Tạ Tôn 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Đủ cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ký nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 26 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy định của Luật Đầu tư công. Để có cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 130.216 tỷ đồng (tính toán theo mặt bằng giá quý II/2017), gồm: 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho dự án quan trọng quốc gia thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26 ngày 10/11/2016; nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng và nguồn vốn đã được cân đối của dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hợp đồng BT khoảng 11.500 tỷ đồng.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, thứ tự ưu tiên đầu tư các đoạn sắp xếp theo nhu cầu vận tải từ cao đến thấp trong Tờ trình của Chính phủ như sau: Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt); Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang); Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên - Huế (La Sơn); Hà Tĩnh (Hàm Nghi) - Hà Tĩnh (Vũng Áng); Thừa Thiên - Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan); Phú Yên (Tuy Hòa) - Khánh Hòa (Nha Trang); Hà Tĩnh (Bãi Vọt) - Hà Tĩnh (Hàm Nghi), Bình Định (Quy Nhơn) - Phú Yên (Tuy Hòa), Hà Tĩnh (Vũng Áng) - Quảng Trị (Cam Lộ), Quảng Ngãi - Bình Định (Quy Nhơn) và Cần Thơ - TP Cà Mau.

Tiếp đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có báo cáo kết quả thẩm định tại Văn bản 3856 ngày 10/5/2017 và Văn bản 4368 ngày 29/5/2017. Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Tờ trình 244 ngày 30/5/2017. Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 490 ngày 2/6/2017.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 7/6/2017, thừa ủy quyền của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã trình Bộ Chính trị chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Tờ trình 359 ngày 15/9/2017. Tại phiên họp ngày 22/9/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (Kết luận số 19 ngày 5/10/2017 của Bộ Chính trị).

Thực hiện Kết luận số 19 ngày 5/10/2017 của Bộ Chính trị, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Văn phòng T.Ư Đảng, Ban Kinh tế T.Ư, Đảng đoàn Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chính phủ đã hoành thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Cấp thiết đầu tư, không thể trì hoãn

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển KT-XH, giải quyết hạn chế của các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1 không thể khắc phục. Đây là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Cụ thể, hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Riêng đoạn Hà Nội - TP.HCM đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I, II và 67% các khu kinh tế của cả nước, đặc biệt là kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm. “Đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế”, Tờ trình nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, kết quả nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

“Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư ngay tuyến đường bộ cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận tải là không thể trì hoãn. Đặc biệt đối với một số đoạn có nhu cầu vận tải rất lớn như: Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt), Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang),... hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến QL1 song hành, nhu cầu đầu tư thực sự cần thiết, cấp bách để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và TNGT”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.

Ưu tiên làm trước 713km giai đoạn 2017 - 2020

Về phạm vi đầu tư, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến Cà Mau dài 2.109km, hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km và đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67km. Còn lại 1.372km trên đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và 150km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau cần phải đầu tư mới và mở rộng lên 4 làn xe.

Giai đoạn 2017 - 2020

Dài 713 km, tách thành 11 dự án thành phần:

8 dự án:

Ninh Bình (Mai Sơn) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt) và đoạn Khánh Hòa (Nha Trang) - Đồng Nai (Dầu Giây) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

3 dự án còn lại:

Nam Định (Cao Bồ) - Ninh Bình (Mai Sơn), Thừa Thiên - Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan), Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên - Huế (La Sơn) kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, đầu tư xong thu phí, vốn thu được tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo.

Trong Tờ trình, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay, QL1 đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải đến khoảng 35.000 xe con quy đổi/ngày đêm. Theo tính toán, nếu không đầu tư đường bộ cao tốc thì đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt khoảng 42.100 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến QL1; đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến QL1.

Căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn từ năm 2017-2020: Đầu tư và đưa vào khai thác một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam gồm Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt), Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên Huế (La Sơn), Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang) với tổng chiều dài khoảng 713km đi qua 12 tỉnh, thành phố (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai); Giai đoạn năm 2021-2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) - Quảng Trị (Cam Lộ), Quảng Ngãi - Khánh Hòa (Nha Trang); Giai đoạn sau năm 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Đề cập đến phương án đầu tư giai đoạn năm 2017 - 2020, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, phạm vi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (dài 713km) có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư, ngoài ra mỗi dự án thành phần có nhu cầu vận tải, phương án tài chính, tiến độ chuẩn bị đầu tư, quy mô đầu tư khác nhau. Do vậy, Chính phủ kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần, trong đó, 8 dự án thành phần gồm các đoạn: Ninh Bình (Mai Sơn) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt) và đoạn Khánh Hòa (Nha Trang) - Đồng Nai (Dầu Giây) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Đối với 3 dự án thành phần còn lại, gồm: Nam Định (Cao Bồ) - Ninh Bình (Mai Sơn), Thừa Thiên - Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan) và Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên - Huế (La Sơn) kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, sau khi đầu tư xong sẽ tổ chức thu phí, nguồn vốn thu được sẽ tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo. Trong Tờ trình, Chính phủ cũng nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn năm 2017 - 2020 chia thành 20 dự án thành phần và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện; quy mô giải phóng mặt bằng theo quy hoạch được duyệt, chiều dài khoảng 713 km.

Đình Quang - Báo Giao Thông
Thống kê truy cập