DỰ ÁN CẦU ĐẦM CÙNG

Thông tin báo chí về Khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Đầm Cùng, tỉnh Cà Mau thuộc dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THÔNG CÁO BÁO CHÍ

KHÁNH THÀNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẦU ĐẦM CÙNG, TỈNH CÀ MAU
THUỘC DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2

Ngày 30 tháng 01 năm 2012, tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức cắt băng khánh thành Dự án cầu Đầm Cùng, tỉnh Cà Mau, đây là Dự án nằm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh. Dự án Cầu Đầm Cùng khi đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung. Cầu Đầm Cùng cùng với cầu Cần Thơ sẽ xoá đi việc sử dụng phà để vượt sông trên Quốc lộ 1A; nâng cao việc thông thương và giảm thời gian đi lại giữa các vùng miền; đồng thời tạo được mạng lưới giao thông hoàn chỉnh nối các vùng trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam Tổ quốc.

 

Ngày 28/12/2007 Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 4154/QĐ-GTVT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Đầm Cùng, tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh và Quyết định số 3942/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2008 về việc phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu số 1: Xây dựng toàn bộ đoạn tuyến từ Km 2288 + 868 - Km 2290 + 990 (bao gồm cầu Đầm Cùng; đường đầu cầu). Dự án đầu tư xây dựng cầu Đầm Cùng được Bộ GTVT giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh là đại diện chủ đầu tư.

 

Theo đó, Gói thầu số 1 có chiều dài tuyến là 2.050 m; trong đó chiều dài cầu là 668 m và đường dẫn 2 đầu cầu là 1.380 m. Điểm đầu của dự án: Km 2288 + 868, thuộc địa phận xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Điểm cuối của dự án: Km 2290 + 990, thuộc địa phận xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

 

Địa điểm xây dựng Cầu Đầm Cùng bắc qua sông Bảy Hạp nối hai huyện Cái Nước và Năm Căn (tỉnh Cà Mau). Cách phà Đầm Cùng hiện tại khoảng 85m về phía hạ lưu. Với tổng mức đầu tư là 351,091 tỷ đồng; Tổng mức đầu tư Tiểu dự án GPMB, TĐC và rà phá bom mìn (đã điều chỉnh) là 34,290 tỷ đồng.

Nhà thầu TVTK là Công ty Cổ phần TVTK GTVT Phía Nam. Nhà thầu xây dựng là Tổng công ty XDCT GT 6 và Tổng công ty XDCTGT 1.

Dự án Cầu Đầm Cùng được khởi công vào ngày 03/01/2009, với quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật như: phần cầu thiết kế theo tiêu chuẩn 22 TCN 272-05 quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Bề rộng mặt cầu: 12m. Khổ thông thuyền: Tĩnh không đứng H = 9m; Tĩnh không ngang B = 90m. Đường đầu cầu cấp III đồng bằng 2 làn xe.
\r\n
\r\nTheo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh - công trình quan trọng quốc gia có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km), phạm vi quy hoạch sẽ đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi hoàn thành, đường Hồ chí Minh sẽ là tuyến đường xuyên Việt thứ hai, phá thế độc đạo của quốc lộ 1; đồng thời cùng với quốc lộ 1 vừa giữ vai trò là trục đường xương sống Bắc - Nam, vừa tạo thế liên hoàn vững chắc để phát triển hệ thống đường ngang, các trục hành lang Đông - Tây; nối thông các vùng miền của tổ quốc; gắn với hệ thống các cảng biển, sân bay, đường sắt, đường sông; các trung tâm kinh tế, công nghiệp, các khu văn hóa du lịch, di tích lịch sử; các vườn quốc gia, khu bảo tồn và cùng với đường xuyên Á tạo ra sự thông thương với các nước láng giềng, bạn bè quốc tế.

Đến thời điểm hiện nay, giai đoạn 1 của Dự án đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 1.350km từ Hoà Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác và đã được nghiệm thu cấp Nhà nước. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XI về việc nối thông đường Hồ Chí Minh với quy mô hai làn xe từ điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau).

Nằm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng cầu Đầm Cùng có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây Nam bộ nói chung. Vì đây là cây cầu vượt sông Bảy Hạp để nối liền 2 bờ Bắc - Nam của tỉnh Cà Mau và cũng là điểm nối đưa đường Hồ Chí Minh về với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.

Hơn thế nữa, sau khi cầu Đầm Cùng hoàn thành sẽ vĩnh viễn đẩy lùi vào quá khứ việc dùng phà vượt sông Bảy Hạp trên Quốc lộ 1A, góp phần quan trọng tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh để khai thác và phát triển khu vực miền Tây Nam bộ giàu tiềm năng của đất nước.

Bộ Giao thông vận tải

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2012

Thống kê truy cập