Công trường thi công xuyên lễ, tranh thủ mặt bằng đầy tiến độ
Sáng 1/9, ngay trong dịp lễ Quốc khánh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ thị sát các công trình giao thông, dự án động lực trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tham gia đoàn có Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng...
Tại dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Thủ tướng biểu dương tinh thần làm xuyên lễ, công trường rộn khí thế thi công của các đơn vị triển khai dự án. Người đứng đầu Chính phủ hỏi thăm, động viên từng cán bộ, kỹ sư, người lao động.
Theo Thủ tướng, dự án đang phát huy đúng tinh thần chỉ đạo vượt nắng thắng mưa, không bàn lùi, chỉ bàn làm, thi công 3 ca 4 kíp... để đảm bảo tiến độ công trình. "Các đơn vị gác nghỉ lễ để thi công rất khí thế, rất đáng biểu dương", Thủ tướng đánh giá.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA Đường HCM (Bộ GTVT, chủ đầu tư cao tốc Hòa Liên - Túy Loan) cho hay, dự án có 2 nút giao liên thông, 11 cầu, 8 hầm chui dân sinh, 62 cống các loại và 2 đường gom song hành dài hơn 20km.
Ngay trong những ngày lễ 2/9, công trường thi công đồng loạt hơn chục mũi nền đường và cầu cống. Có mặt bằng đến đâu, đơn vị đang nỗ lực triển khai đến đó.
Thống kê đến nay, sản lượng thực hiện dự án đến nay đạt hơn 240 tỷ/gần 860 tỷ, đạt 28,7% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, còn hơn 60 hồ sơ đất thuộc phạm vi GPMB sẽ được giải tỏa trong tháng 9 này. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo trung ương và thành phố, huyện tập trung tối đa cho công tác GPMB, huy động tất cả lực lượng chính trị vào cuộc.
Tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan như: khối lượng công việc lớn nhưng tiến độ rất gấp. Dự án đi qua nhiều dân cư nên cần số lô đất tái định cư lớn, đi qua nhiều nghĩa trang nên phải di dời nhiều mộ. Ngoài ra việc trồng lấn các dự án quy hoạch nên hồ sơ GPMB phải làm cẩn trọng.
"Dù khó khăn nhưng địa phương đạt kết quả tích cực, đây là dự án có tiến độ GPMB nhanh nhất trên địa bàn", ông Tôn nói.
Với mặt bằng tồn đọng, lãnh đạo huyện cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ dân đồng thuận. Trường hợp không bàn giao sẽ bảo vệ thi công, cưỡng chế.
Thủ tục cấp mỏ cần đơn giản
Trực tiếp thị sát công trường và nghe báo cáo của các chủ đầu tư, địa phương, Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng đạt kết quả tích cực trong công tác GPMB, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ huy động các cấp ủy, hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo Thủ tướng, khối lượng GPMB còn lại không nhiều nên Đà Nẵng tiếp tục phát huy, sớm xử lý dứt điểm.
"Kinh nghiệm cho thấy là lãnh đạo địa phương cứ xuống với dân hôm trước là hôm sau người dân sẽ đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đây là công trình quốc gia nên tăng cường vận động để các hộ dân hiểu, chia sẻ.
Mục đích dự án là phục vụ cho người dân. Vận động là một, tiếp theo là phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân", Thủ tướng phân tích.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Đà Nẵng trong tháng 9/2024 hoàn thành dứt điểm GPMB cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Tạo tiền đề quan trọng để đưa dự án cán đích sớm.
Thủ tướng nhấn mạnh: mặt bằng khơi thông, dự án không còn nhiều vướng mắc nên phải tăng tốc hoàn thiện. "Theo kế hoạch cuối năm 2025 mới hoàn thiện, nhưng giờ mặt bằng, vật liệu tốt rồi, cao tốc này đặt mục tiêu cơ bản xong vào cuối tháng 8/2025, góp phần chào mừng các sự kiện lớn, ý nghĩa của đất nước trong năm 2025", Thủ tướng chỉ đạo.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng trực tiếp yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy sớm hướng dẫn cho địa phương các trình tự thủ tục đơn giản trong việc cấp mỏ mới, nâng công suất các mỏ hiện có để đáp ứng nhu cầu vật liệu các dự án giao thông trọng điểm, áp dụng cơ chế đặc thù cấp mỏ...
"Miền Trung đồi núi nhiều không thể để thiếu mỏ. Bộ trưởng TN&MT sớm hướng dẫn cho Đà Nẵng thủ tục cấp mỏ, làm đơn giản và có các cơ chế đặc thù", Thủ tướng chỉ đạo tại công trường.
Theo lãnh đạo Ban QLDA Đường HCM, dù là cao tốc nhưng dự án Hòa Liên - Túy Loan gặp khó vì chưa được áp dụng cơ chế đặc thù về cấp mỏ. Trong khi đó, Đà Nẵng có các giải pháp về nâng công suất các mỏ hiện hữu tuy nhiên chưa thể đáp ứng nhu cầu các dự án.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, nhu cầu vật liệu đá của dự án là 350.000m3. Trong đó, năm 2024 khoảng 190.000m3 và 2025 khoảng 160.000m3.
Mặc dù dự án đã chủ động tập kết dự trữ vật liệu đá từ năm 2024. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đá của dự án Cảng Liên Chiểu rất lớn nên đến nay các mỏ đá trên địa bàn Đà Nẵng đã cơ bản gần hết công suất khai thác. Nhà thầu đang phải lấy đá từ các mỏ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi về với cự ly vận chuyển xa nên gặp nhiều khó khăn.