Tại phiên họp ngày 30/10, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo Tờ trình của Chính phủ, một số nội dung của Nghị quyết số 38/2004/QH11 cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn do khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn, giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi, thậm chí nhiều dự án thành phần do thiếu vốn phải tạm dừng, giãn tiến độ thi công.
Mặt khác, quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg năm 2012 đã điều chỉnh chiều dài, hướng tuyến, quy mô của một số đoạn để phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc và Quy hoạch phát triển giao thông-vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án đường Hồ Chí Minh.
Về vốn đầu tư, báo cáo của Chính phủ cho biết tổng mức đầu tư sau điều chỉnh cho Giai đoạn 1 là 13.312 tỷ đồng (từ vốn ngân sách nêu trong Nghị quyết 38 và vốn TPCP); Giai đoạn 2 (thông tuyến hai làn xe) là 103.682 tỷ đồng, trong đó vốn TPCP là 36.223 tỷ đồng (thời giá năm 2010). Đến nay, việc bố trí vốn đầu tư cho giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Đối với Giai đoạn 2 đã bố trí tổng cộng 40.763 tỷ đồng trong đó vốn TPCP là 12.220 tỷ đồng, vốn ODA là 22.653 tỷ đồng, vốn BOT là 5.890 tỷ đồng. Như vậy tổng số vốn còn thiếu là 62.919 tỷ đồng, trong đó Chính phủ đề nghị bổ sung nhu cầu vốn TPCP là 24.003 tỷ đồng, dự kiến huy động theo hình thức BT là 22.700 tỷ đồng và BOT là 16.216 tỷ đồng.
Đánh giá về các nội dung Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về cơ bản nhất trí và đề nghị Quốc hội ban hành “Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh”.
Theo đó, sẽ điều chỉnh thời gian hoàn thành nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) vào năm 2016; thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) – Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3183 km (Tuyến chính dài 2499 km và nhánh Tây là 684 km) với quy mô 2 làn xe vào năm 2020. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe. Việc nâng cấp các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
Bố trí từ nguồn vốn TPCP khoảng 24.000 tỷ đồng (giai đoạn từ 2014 - 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 -2020 khoảng 14.000 tỷ đồng); Đề nghị Quốc hội xem xét đối với kiến nghị bổ sung vốn để hoàn thành đoạn Năm Căn – Đất Mũi trong năm 2016. Huy động theo hình thức BT, BOT và nguồn vốn vay ODA cho các đoạn, tuyến còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ủy ban KHCNMT cũng lưu ý tổng mức đầu tư và nhu cầu vốn cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 là rất lớn, nên tính cả vốn cho việc thực hiện các dự án đường ngang kết nối với đường Hồ Chí Minh thì yêu cầu về vốn là một thách thức không nhỏ cần được cân nhắc kỹ./.
Nguồn tin Thời báo Tài chính