Quả ngọt của tháng ngày sục sôi
Mở màn cho mùa thu hoạch này sẽ là cụm dự án: Cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài và Nhà ga T2 Nội Bài. Theo kế hoạch, ba dự án liên hoàn đồ sộ này được khánh thành cùng lúc vào ngày đầu tháng 1-2015. Nhật Tân - cầu dây văng lớn nhất Việt Nam dài 9 km vượt sông Hồng với toàn bộ dầm và nhiều cấu kiện sơn đỏ rực như mặt trời lúc hửng đông (đúng như tên cầu) sẽ là điểm nhấn kiến trúc đặc trưng của Thủ đô. Đường Nhật Tân - Nội Bài đã rõ hình hài, chỉ còn vướng ở khúc đường phải dỡ ra, làm thêm cầu chui dân sinh cho nông dân Sóc Sơn. Con đường này đạt chuẩn cao tốc, nối thông lên Nhà ga T2 lớn nhất cả nước. Nhà ga T2 được khai thác từ ngày đầu tiên của năm 2015, kịp phục vụ cho Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới do nước ta đăng cai vào tháng 3 tới. Các dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch của Hà Nội và cả nước.
QL 1A, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - hai trục đường huyết mạch cũng đang vào giai đoạn nước rút. Trên QL 1A, đoạn từ Hà Nam đến Thanh Hóa; đoạn Vinh - Hà Tĩnh đã xong. Dọc tuyến vào tận Cần Thơ đang thi công nước rút với quyết tâm hoàn thành trong năm 2015 dù Nghị quyết của Quốc hội cho quỹ thời gian đến năm 2016. Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sau nhiều năm chậm tiến độ, đường lầy lội, bụi bặm nay đã gọn gàng, tươm tất. Các nhà thầu đang thi công chạy đua với mùa hoa dã quỳ, loài hoa báo hiệu mùa khô ở Tây Nguyên. Trong cuộc kiểm tra thực địa hiện trường mới đây, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường ra “chỉ lệnh”, các nhà thầu phải làm xong đường vào tháng 6-2015, trước hơn 1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội đang gặp khó về vốn, vướng mặt bằng và cả sự cố thi công rơi thép làm chết người đi đường nhưng vẫn được Bộ GTVT kiên trì giữ mục tiêu đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Những nhà hoạch định chiến lược giao thông đặc biệt mong chờ những đoàn tàu vut vút trong thành phố của dự án này vì nó khơi mào cho loại hình đi lại hiện đại, hiệu quả nhất tại các đô thị trên thế giới lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Bài toán kẹt xe, tắc đường nhờ đó sẽ có lời giải căn cơ.
Với đồng bào nông thôn, miền núi, dự án 188 cầu treo dân sinh là một sự mong chờ lâu nay. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Đường bộ cho hay, trong năm 2014 sẽ hoàn thành khoảng 86 cầu, 102 cầu còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 7-2015. Chính phủ và các bộ, ngành cùng lúc đang đi nhiều hướng. Không chỉ các dự án quy mô lớn, giao thông thành thị mà còn vươn tay với tới những dự án nhỏ dành cho khu vực miền núi, vùng dân cư nghèo nơi việc đi lại khó khăn. Đó là cách cụ thể hóa quyết tâm: Không phải đợi lúc giàu có mới làm đường mà cần làm đường khi còn nghèo khó để mang đến sự giàu sang.
Có lẽ, từ thời phá núi mở đường trên dãy Trường Sơn, những người trong và ngoài ngành giao thông mới lại được chứng kiến một không khí dẫn lối, mở đường sôi sục đến thế. Nhiều tuyến cao tốc đã băng từ vùng núi non điệp trùng ở biên giới phía bắc về Hà Nội và đang tiến xuống miền trung và đã băng qua những vùng sâu trũng ở miền nam. Nhiều sân bay mới cũng đã được đưa vào sử dụng trước đó để tạo bệ phóng cho “đường trời”. Cảng biển đang mở mang, những luồng lạch lớn trong nội địa đang được khơi thông. Đến cả những ngành chậm trễ như đường sắt cũng bắt đầu nhúc nhích với những dự án nâng ke, làm mái che, cầu vượt trong ga. Nếu tính gộp cả công sức của chính quyền và bà con nông dân mọi miền làm đường bê-tông trong phong trào Nông thôn mới thì công cuộc mở mang cho việc đi lại vài năm qua khó mà kê hết được.
Một tập thể “đốc công” đặc biệt
Điều gì đã làm nên điều lạ lùng đó? Phép màu nào xảy ra khi kinh tế đất nước vẫn chưa thật sự thoát ra khỏi giai đoạn ngưng trệ; ngân sách chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông? Lời giải có ngay từ trong thực tiễn khó khăn đó.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra dự án cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa) nằm trên quốc lộ 1A.
Từ vài năm trước, khi mới ngồi vào ghế nóng nhất trong bộ máy Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sớm nhận ra cơ hội của ngành trong suy thoái. Vốn dư nên các doanh nghiệp có thể vay vốn rẻ từ ngân hàng để đầu tư. Nhà thầu xây dựng đang thiếu việc, vật liệu xây dựng tồn đọng là “cơ hội vàng” cho ngành GTVT. Được Chính phủ cho phép, thuyết phục được dư luận chấp nhận những trạm thu phí BOT sau khi đã thu phí trên đầu phương tiện, Bộ GTVT giương cao ngọn cờ xã hội hóa đầu tư hạ tầng. Tính đến cuối năm 2014, ngành GTVT huy động được 23 dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trên QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Vì thế, dù đang trong giai đoạn dừng, giãn tiến độ các dự án đầu tư theo nghị quyết của Chính phủ vì ngân sách eo hẹp nhưng các công trường lại sôi động, tấp nập hơn trước. Đó là thành công mấu chốt nhất của quá trình “đốc công” về mặt chính sách.
Thời gian qua, cả bộ máy của Bộ GTVT bị cuốn theo không khí sôi sục trên các công trường. Phòng họp ở Bộ, những chuyến xe đưa lãnh đạo đi kiểm tra, đốc thúc tiến độ ở công trường hoạt động hết công suất. Hiếm có khi nào trong lịch hoạt động của Bộ GTVT trống ngày thứ 7, chủ nhật. Những ngày nghỉ thường là thời gian dành cho những chuyến công tác con thoi đến với các công trình, dự án. Có câu chuyện hậu trường của lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT kể như sau: Trước đây, mỗi năm Bộ có tổng cộng khoảng 400 thông báo kết luận của lãnh đạo. Nay, con số đó là hơn một nghìn. Bộ trưởng, Thứ trưởng họp ở bộ, họp ở công trường nhiều, cuộc nào cũng ra kết luận. “Nguyên việc viết kết luận đã vắt hết sức của anh em văn phòng” - vị này nói.
Trong lần đi kiểm tra tuyến cùng ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thổ lộ, cấp trên làm nhiều thì cấp dưới cứ phải chạy theo. Chạy và lăn lộn sẽ nảy sinh ra nhiều sáng kiến. Sáng kiến mà ông Hoàng nói là: mùa mưa Tây Nguyên kéo dài đến sáu tháng không làm được đường nên cho nhà thầu tập kết vật liệu, đúc sẵn cấu kiện bê-tông để làm “lương thảo” dự trữ cho mùa khô. Khi thi công, trên đã quyết liệt, dưới cũng được “dựa hơi”, không ngại va chạm mà mạnh dạn loại bỏ, cắt hợp đồng của nhà thầu yếu giao cho nhà thầu mạnh. Đây là biện pháp mà ông Hoàng vẫn thường gọi là “chiến thuật hoa thơm lấn cỏ dại”.
Sự đời là vậy, nếu cứ ngồi im thì sẽ được hưởng an lành, làm nhiều những mâu thuẫn sẽ phát sinh bao phiền toái. Ngành GTVT thời gian qua cũng là lúc chứng kiến những sự vụ liên tục xảy ra. Đường vừa làm xong đã nứt; “căn bệnh” hằn lún vệt bánh xe xảy ra trên diện rộng làm toàn ngành lúng túng. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi xe Bộ trưởng Xây dựng bị dân chặn lại cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Bộ trưởng GTVT bị dân “vây”, yêu cầu xây thêm hầm chui qua tuyến Nhật Tân - Nội Bài. Đứng trước những việc như vậy, chỉ có cách giải quyết rốt ráo và cầu thị. Đình chỉ, điều chuyển vị trí lãnh đạo, đuổi nhà thầu, buộc bóc lên làm lại... là những chỉ lệnh liên tục trong vài năm qua.
Cũng từ những chuyến công tác, lăn lộn như thế, các “đốc công” ở Bộ GTVT dần có lời giải cho các vấn đề hóc búa. Hằn lún mặt đường cũng đã được kiểm soát bằng các biện pháp kỹ thuật, kỷ luật trên công trường và cả hệ thống giải pháp chống xe quá tải. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: Trên thế giới, tuyến đường nhỏ phải vượt trên đường lớn để giảm chi phí nhưng nhiều dự án ở ta như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường lớn hầu hết vượt trên đường nhỏ nên chi phí đào đắp bị đội lên. Ông chỉ đạo, tới đây, các dự án làm mới phải chỉnh sửa thiết kế để giảm chi phí. Dù là đường do tư nhân đầu tư, nếu tiết kiệm được sẽ rút giá trị hợp đồng, qua đó giảm phí đóng góp của dân.
Một nhiệm vụ Bộ trưởng Đinh La Thăng đang rốt ráo chỉ đạo thực hiện trong thời gian khi các tuyến đường hoàn thành là chuyển toàn bộ các trạm thu phí bằng ba-ri-e hiện nay thành trạm thu phí tự động. Nếu làm được sẽ giảm thời gian và chi phí lưu thông trên tuyến đường. Bớt được vài phút qua một trạm sẽ giảm được chi phí xăng dầu do phải dừng xe, giảm mòn lốp, giảm ô nhiễm môi trường; dành thời gian và tiền đi làm việc khác. Những sự tính toán chi ly đó tưởng nhỏ nhưng nhân với lượng phương tiện lớn, trong một thời gian dài sẽ là con số không ngờ.
Trướt hết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT, Tết này các công trường QL 1A và đường Hồ Chí Minh sẽ không nghỉ, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ rời nhà để kiểm tra và động viên thợ thuyền trên các công trường.
Thời gian qua, cả bộ máy của Bộ GTVT bị cuốn theo không khí sôi sục trên các công trường.