Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua Đà Nẵng, một phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: TẤN LỰC
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng tổng vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam còn có thể giảm sâu hơn nữa khi chuyển sang đầu tư công.
Giảm thêm hàng ngàn tỉ đồng
Sau hai lần Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư các dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam, nhiều bộ, ngành vẫn bày tỏ lo ngại về mức độ chính xác của tổng vốn đầu tư dự án.
Theo suất vốn đầu tư được Bộ Xây dựng công bố hồi tháng 1-2020, hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chạy qua khu vực 2 có suất đầu tư khoảng 124,9 tỉ đồng/km. Nếu tính theo suất vốn đầu tư này thì nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam hiện nay có vốn được phê duyệt vênh lên hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, chiều dài 63,4km, 4 làn xe, tính theo suất đầu tư trên có vốn đầu tư khoảng 9.979 tỉ đồng. Thế nhưng vốn đầu tư được phê duyệt lên tới 12.918 tỉ đồng, chênh nhau khoảng 2.939 tỉ đồng.
Tương tự, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, chiều dài 50km, 4 làn xe, tính theo suất vốn đầu tư có vốn đầu tư 7.870 tỉ đồng. Trong khi đó vốn đầu tư được duyệt là 8.381 tỉ đồng, vênh nhau 511 tỉ đồng. Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, chiều dài 49,3km, 4 làn xe, tính theo suất đầu tư có vốn đầu tư khoảng 7.759 tỉ đồng và vốn đầu tư được duyệt lên tới 13.338 tỉ đồng, vênh đến 5.579 tỉ đồng.
Với suất vốn đầu tư như trên, nếu trừ đi chiều dài cầu Mỹ Thuận 2 (khoảng 7km, vốn đầu tư 5.003 tỉ đồng); đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn chiều dài 98,4km, quy mô đường ôtô 2 làn xe vì không đúng chuẩn cao tốc (vốn đầu tư 7.669 tỉ đồng) thì chiều dài 9 dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam còn lại 548,6km.
Như vậy, nếu tính theo suất vốn đầu tư cao tốc 124,9 tỉ đồng/km, tổng đầu tư 9 dự án còn lại chỉ khoảng 68.520 tỉ đồng. Còn nếu tính đủ vốn đầu tư 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, tổng vốn đầu tư dự án chỉ khoảng 81.192 tỉ đồng, giảm 18.301 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư đang được Bộ GTVT trình Quốc hội.
Và nếu tính trong trường hợp loại trừ chi phí giải phóng mặt bằng dự án khoảng 15.435 tỉ đồng khỏi tổng vốn đầu tư thì vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam vẫn có thể giảm khoảng 2.866 tỉ đồng.
Cầu Phước Khánh của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam) bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (ảnh chụp tháng 3-2020) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Góp ý về việc chuyển đổi 8 dự án PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công tư) cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng tổng vốn đầu tư 8 dự án sau khi chuyển đổi sang đầu tư công là 99.493 tỉ đồng. Xét ra vốn đầu tư dự án có giảm nhưng chủ yếu giảm phần lãi vay vốn ngân hàng vì 8 dự án khi chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư 100% bằng ngân sách nhà nước.
Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhận xét thêm: chi phí xây dựng dự án là yếu tố quan trọng nhất trong tính toán tổng vốn đầu tư thì Bộ Giao thông Vận tải lại chưa rà soát, cập nhật.
Tháng 1-2020, Bộ Xây dựng đã công bố suất vốn đầu tư xây dựng các công trình trong đó có suất vốn đầu tư cao tốc, vì vậy Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng. Từ đó xác định tổng vốn đầu tư các dự án, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần khi dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cách làm của Bộ Giao thông Vận tải có tùy tiện?
Tại cuộc họp xem xét việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình lên 3 phương án chuyển đổi.
Phương án 1 chuyển đổi toàn bộ cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Phương án 2 chỉ chuyển đổi 5/8 dự án PPP sang đầu tư công. Phương án 3 chuyển đổi 3/8 dự án, trong đó có 2 dự án được xác định cấp bách đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, riêng dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội không đồng tình phương án 1 và 2 vì trái các nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận tại phiên họp trước.
Đối với phương án 3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại băn khoăn việc lựa chọn dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây mà Chính phủ đề xuất. Lý do cả 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP.
Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị lựa chọn dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án Nghi Sơn - Diễn Châu là 2 dự án có ít nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển nhất để đầu tư công. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định quan điểm chỉ chuyển đổi sang đầu tư công dự án không có nhà đầu tư tham gia, đồng thời cho phép lựa chọn 2 dự án quan trọng, giải quyết vấn đề cấp bách.
Nhìn ở góc độ khác, TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho rằng việc Bộ Giao thông Vận tải liên tục đề xuất thay đổi mục tiêu đầu tư dự án cho thấy sự tùy tiện. Trường hợp Bộ Giao thông Vận tải hủy kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư hiện nay theo quy định của pháp luật chưa phải chịu trách nhiệm gì.
Vì giai đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải chỉ mời các nhà đầu tư tư nhân đăng ký năng lực để được mời vào tham dự đấu thầu làm dự án. Nhà đầu tư tư nhân cũng chưa phải bỏ nhiều chi phí nên Bộ Giao thông Vận tải cũng không phải đền bù gì cả.
"Dù không phải đền bù, chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư tư nhân đã vượt qua vòng sơ tuyển của 7/8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng cần xem lại vì nếu cứ đề xuất đầu tư theo PPP xong lại hủy thì sẽ rất mất uy tín với các nhà đầu tư. Sau này các cơ quan nhà nước khác mời gọi đầu tư dự án PPP rất khó tạo được lòng tin cho nhà đầu tư" - TS Nguyễn Việt Hùng nhận định.
Trong khi đó, khi thẩm định việc chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, đại diện Bộ Tư pháp cũng nêu quan điểm đến nay Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả sơ tuyển 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Điều đó cho thấy đã cơ bản hoàn thành hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng nên cần làm rõ sự cần thiết chuyển 8 dự án sang đầu tư công để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ thông tin xem xét, quyết định.
Vị đại diện Bộ Tư pháp cũng đề nghị cần làm rõ hệ quả pháp lý, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải với các nhà đầu tư hiện nay trong trường hợp chấm dứt lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP để chuyển sang đầu tư công.
Các lần điều chỉnh giảm vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Tổng vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo nghị quyết 52 (năm 2017) của Quốc hội là 118.716 tỉ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP.
Cuối năm 2018 khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư của 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP, tổng vốn đầu tư 11 dự án thành phần được điều chỉnh xuống còn 102.513 tỉ đồng.
Đầu tháng 5-2020, khi đề xuất chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư bằng 100% vốn ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư xuống 99.493 tỉ đồng. Lần điều chỉnh giảm này chủ yếu giảm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.
* TS VŨ ĐÌNH ÁNH (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả):
Bảo đảm lợi ích người dân
Năm 2017, Quốc hội quyết làm 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam vì khi đó Nhà nước không có vốn, cần huy động vốn xã hội. Nhưng giờ Chính phủ bố trí được vốn, việc chuyển dự án giao thông quan trọng như cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công thì quá tốt. Chuyển dự án sang đầu tư công sẽ tránh được nhiều vấn đề căng thẳng với các dự án BOT hiện nay.
Riêng việc nhượng quyền thu phí 11 dự án cao tốc Bắc - Nam cho tư nhân khai thác, thu phí sau đầu tư hoàn toàn phù hợp để bù đắp phần nào chi phí Nhà nước đã đầu tư. Thực chất việc nhượng quyền thu phí sau đầu tư khác với đầu tư BOT vì ở đây Nhà nước có quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp tư nhân thu phí thuê cho Nhà nước. Khi đó Nhà nước vẫn nắm được quyền quyết định mức thu cho phù hợp, không bị ràng buộc như các hợp đồng BOT. Rõ ràng nhà đầu tư BOT vừa làm dự án vừa nắm quyền thu phí sẽ thủ tiêu nguyên tắc thị trường. Nay Nhà nước bỏ tiền đầu tư dự án, sau đó đấu thầu quyền khai thác, thu phí dự án sẽ có lợi cho các bên hơn.
Tuy nhiên theo tôi, điều quan trọng nhất khi quyết định đầu tư công dự án là phải có giải pháp ngăn chặn thất thoát lãng phí, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp.
Lý do chuyển đổi các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công
Sau nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hiện cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ - Ảnh: QUỐC NAM
Trong báo cáo gửi tới Chính phủ mới đây, Hội đồng Thẩm định nhà nước cho rằng có nhiều lý do để chuyển các dự án PPP sang đầu tư công.
Đó là các khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư làm 8 dự án PPP thời gian qua có th�� phá vỡ mục tiêu dự án. Các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển 8 dự án PPP chủ yếu là nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh huy động vốn trong khi vốn đầu tư các dự án quá lớn. Các doanh nghiệp có thế mạnh tài chính không tham gia sơ tuyển, việc huy động vốn từ các ngân hàng làm BOT giao thông hiện rất khó khăn. Các ngân hàng trong nước khó có khả năng xem xét, tài trợ vốn cho các dự án BOT mới.
Hơn nữa, việc chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cả nước, tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19.
Lý do cuối cùng việc chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả dự án. Sử dụng ngân sách xây dựng cao tốc Bắc - Nam sẽ bảo đảm thành công dự án, giảm tổng vốn đầu tư dự án do giảm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.
Ngoài những lý do trên, theo Hội đồng Thẩm định nhà nước, việc chuyển đổi từ dự án PPP sang dự án đầu tư 100% vốn ngân sách chỉ ảnh hưởng tới ngân sách trong những năm đầu. Còn sau khi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu giá nhượng quyền khai thác hoặc tổ chức khai thác để thu hồi vốn. Qua đó tạo nguồn thu ngân sách, phục vụ phát triển hạ tầng giai đoạn tiếp theo.
Hội đồng Thẩm định nhà nước cũng nêu vấn đề hiện có 7/8 dự án đã có kết quả sơ tuyển nhà đầu tư nên Bộ GTVT cần rà soát để bảo đảm không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện với các nhà đầu tư đã vượt qua sơ tuyển và chịu trách nhiệm xử lý hệ quả của việc hủy sơ tuyển. Hội đồng Thẩm định nhà nước cũng đề nghị Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm với tính chính xác của tổng vốn đầu tư dự án điều chỉnh.