Từ những chuyến băng rừng, vượt suối gian nan và đầy hiểm nguy, hành trang họ mang về là những thông số, đánh giá quý báu để từ đó các kỹ sư thiết kế nên những cây cầu, cung đường trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ chính là những người làm nghề khảo sát địa chất địa hình.
Bỏ mạng giữa rừng già
Một trong những đơn vị có kinh nghiệm khảo sát những tuyến giao thông “tầm cỡ quốc gia” ở phía Nam phải kể đến Xí nghiệp Khảo sát thiết kế tổng hợp thuộc Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam - Tedi South.
Mới ngoài 50 nhưng anh Tiêu Thanh Bảo đã có gần 30 năm tuổi nghề và vẫn hừng hực sức trẻ, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Đội khảo sát của anh Bảo từng cheo leo vách núi, băng qua những cánh rừng Tây Trường Sơn hùng vĩ để khảo sát địa chất, địa hình tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên.
Hơn 25 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM, anh Bảo về đầu quân cho Tedi South. Chừng ấy năm trôi qua, anh chứng kiến nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” của đồng nghiệp khi khảo sát ở rừng sâu, núi thẳm.
Hầu hết dân trong nghề khảo sát đều có chung nhận định, quá trình khảo sát cực khổ, gian nan và nguy hiểm nhất phải nói đến tuyến đèo Khánh Lê (Nha Trang lên Đà Lạt). Đặc biệt là điểm nối từ xã Khánh Lê (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) và làng Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Tuyến này dài 33km giáp ranh 2 tỉnh và có độ cao chênh lệch từ 1.700m (cầu Gộp Dài - thác Yang Bay) về xã Khánh Lê chỉ khoảng 60m.
Theo anh Bảo, trước năm 2000, nhóm của anh gần 10 người nhận lệnh khảo sát tuyến đường đèo Khánh Lê. Ngay những ngày đầu có mặt giữa rừng sâu huyện Khánh Vĩnh, nhóm anh Bảo đã “choáng” khi chứng kiến một đồng nghiệp khảo sát (của tỉnh Khánh Hòa) tử vong do sốt rét ác tính.
Giữa trời mưa tầm tã, nhìn cảnh thi thể đồng nghiệp chuyển ra khỏi rừng già, ai cũng xót xa. “Dù đã hơn 20 năm nhưng mỗi lần nhắc lại tôi không khỏi xúc động và ớn lạnh…”, anh Bảo ngậm ngùi.
Sau sự việc đau lòng đó, nhóm anh Bảo cũng suýt chết vì bị đất lở, chôn vùi. “Khi đó cả nhóm đang khảo sát giữa vùng núi giáp ranh hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng thì gặp mưa lớn. Cả nhóm liền núp bên sườn đồi. Không ngờ đất trên đồi sạt xuống chôn vùi cả nhóm. Trong gang tấc, dù hoảng loạn, anh em vẫn cố gắng thoát ra …”, anh Bảo kể.
Một hôm khác, khi đang ở trên một đỉnh núi, một người trong lúc bám vách đá để đánh dấu mốc tọa độ không may bị rơi xuống. “Rất may anh này đã chụp được cành cây nên chỉ bị thương nhẹ chứ nếu rơi xuống vực sâu chắc chết! Sau chuyến đó, anh này về công ty đã trình bày nguyện vọng xin làm công tác khác chứ không đi khảo sát nữa...”, anh Bảo nhớ lại.
Cực khổ nên ít người chọn nghề khảo sát
Là những người đầu tiên đi tìm hướng tuyến nên những người làm nghề khảo sát phải tự phát cây, dọn đường, sau đó lập và đo các mốc tọa độ, cao độ, chi tiết bình đồ, mặt cắt địa hình, điều tra thủy văn... Dựa vào những thông số này, các kỹ sư mới thiết kế, tính toán chi tiết toàn bộ công trình.
Hiệu quả kinh tế của các công trình được xác định phụ thuộc nhiều bởi yếu tố địa hình nên quá trình khảo sát không được phép sai sót, bởi khi đó, hậu quả cho các công trình giao thông khó đong đếm.
Theo anh Tiêu Thanh Bảo, ngoài chuyên môn được học, người làm nghề khảo sát còn phải có thể lực, cơ địa tốt, thậm chí phải có kỹ năng sống như một đặc công chuyên nghiệp. Bởi có những trường hợp phải sống tự lập nhiều ngày liền trong rừng. Cũng chính bởi công việc cực khổ nên ít người sau này chọn nghề khảo sát.
Bắt đầu một chuyến khảo sát, ngoài những đồ nghề, thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn, các thành viên trong nhóm khảo sát còn phải tự mang vác dụng cụ dựng lều trại và lượng lương thực, nhu yếu phẩm đủ cho từ 2 - 3 tuần, trước khi được tiếp tế. Thức ăn mang theo chủ yếu là gạo, mỳ tôm, cá khô... Nơi dựng lán trại cũng phải chọn ở lưng chừng đồi, cách suối khoảng 50m để tránh hiểm nguy bất chợt.
Ông Bùi Văn Mộc, nguyên Chủ tịch HĐQT Tedi South nhận định, với đặc thù “người mở đường”, nghề khảo sát thường xa nhà, người thân. Ngoài những khó khăn phải gặp hàng ngày, nhóm khảo sát thường xuyên phải đối diện với vô vàn nguy hiểm như: Muỗi sốt rét, các loại rắn rết, bò cạp…
“Đa phần anh em khảo sát thường mắc phải các bệnh sốt rét, xương khớp, các bệnh ngoài da… Vì thế những ai chọn nghề này phải có lòng đam mê. Rất nhiều người giỏi nghề nhưng cũng đành bỏ giữa chừng”, ông Mộc nói.
Giây phút đối mặt với rắn hổ mang chúa
Trong chuyến đi khảo sát ở Tây Trường Sơn thuộc dự án đường mòn Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Bình (giáp ranh Lào), trước khi đi, nhóm anh Tiêu Thanh Bảo tìm hiểu rất kỹ vì khu vực này nổi tiếng có loài rắn hổ mang chúa rất hung dữ và nọc cực độc.
“Một hôm, cả nhóm đang ăn trưa trên một phiến đá lưng chừng núi thì bất thình lình một con rắn hổ mang chúa từ hốc cỏ dưới phiến đá chui ra ngóc đầu phùng mang dữ tợn khiến anh em sợ hãi, chạy tán loạn. Rất may sau đó, những người dân bản địa đi tìm trầm hương cũng đang ngồi ăn gần đó có dụng cụ nên vây bắt được con rắn. Nếu không chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra…”, anh Bảo nhớ lại.
Từ những chuyến băng rừng, vượt suối gian nan và đầy hiểm nguy, hành trang họ mang về là những thông số, đánh giá quý báu để từ đó các kỹ sư thiết kế nên những cây cầu, cung đường trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ chính là những người làm nghề khảo sát địa chất địa hình.
Bỏ mạng giữa rừng già
Một trong những đơn vị có kinh nghiệm khảo sát những tuyến giao thông “tầm cỡ quốc gia” ở phía Nam phải kể đến Xí nghiệp Khảo sát thiết kế tổng hợp thuộc Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam - Tedi South.
Mới ngoài 50 nhưng anh Tiêu Thanh Bảo đã có gần 30 năm tuổi nghề và vẫn hừng hực sức trẻ, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Đội khảo sát của anh Bảo từng cheo leo vách núi, băng qua những cánh rừng Tây Trường Sơn hùng vĩ để khảo sát địa chất, địa hình tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên.
Hơn 25 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM, anh Bảo về đầu quân cho Tedi South. Chừng ấy năm trôi qua, anh chứng kiến nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” của đồng nghiệp khi khảo sát ở rừng sâu, núi thẳm.
Hầu hết dân trong nghề khảo sát đều có chung nhận định, quá trình khảo sát cực khổ, gian nan và nguy hiểm nhất phải nói đến tuyến đèo Khánh Lê (Nha Trang lên Đà Lạt). Đặc biệt là điểm nối từ xã Khánh Lê (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) và làng Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Tuyến này dài 33km giáp ranh 2 tỉnh và có độ cao chênh lệch từ 1.700m (cầu Gộp Dài - thác Yang Bay) về xã Khánh Lê chỉ khoảng 60m.
Theo anh Bảo, trước năm 2000, nhóm của anh gần 10 người nhận lệnh khảo sát tuyến đường đèo Khánh Lê. Ngay những ngày đầu có mặt giữa rừng sâu huyện Khánh Vĩnh, nhóm anh Bảo đã “choáng” khi chứng kiến một đồng nghiệp khảo sát (của tỉnh Khánh Hòa) tử vong do sốt rét ác tính.
Giữa trời mưa tầm tã, nhìn cảnh thi thể đồng nghiệp chuyển ra khỏi rừng già, ai cũng xót xa. “Dù đã hơn 20 năm nhưng mỗi lần nhắc lại tôi không khỏi xúc động và ớn lạnh…”, anh Bảo ngậm ngùi.
Sau sự việc đau lòng đó, nhóm anh Bảo cũng suýt chết vì bị đất lở, chôn vùi. “Khi đó cả nhóm đang khảo sát giữa vùng núi giáp ranh hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng thì gặp mưa lớn. Cả nhóm liền núp bên sườn đồi. Không ngờ đất trên đồi sạt xuống chôn vùi cả nhóm. Trong gang tấc, dù hoảng loạn, anh em vẫn cố gắng thoát ra …”, anh Bảo kể.
Một hôm khác, khi đang ở trên một đỉnh núi, một người trong lúc bám vách đá để đánh dấu mốc tọa độ không may bị rơi xuống. “Rất may anh này đã chụp được cành cây nên chỉ bị thương nhẹ chứ nếu rơi xuống vực sâu chắc chết! Sau chuyến đó, anh này về công ty đã trình bày nguyện vọng xin làm công tác khác chứ không đi khảo sát nữa...”, anh Bảo nhớ lại.
Cực khổ nên ít người chọn nghề khảo sát
Là những người đầu tiên đi tìm hướng tuyến nên những người làm nghề khảo sát phải tự phát cây, dọn đường, sau đó lập và đo các mốc tọa độ, cao độ, chi tiết bình đồ, mặt cắt địa hình, điều tra thủy văn... Dựa vào những thông số này, các kỹ sư mới thiết kế, tính toán chi tiết toàn bộ công trình.
Hiệu quả kinh tế của các công trình được xác định phụ thuộc nhiều bởi yếu tố địa hình nên quá trình khảo sát không được phép sai sót, bởi khi đó, hậu quả cho các công trình giao thông khó đong đếm.
Theo anh Tiêu Thanh Bảo, ngoài chuyên môn được học, người làm nghề khảo sát còn phải có thể lực, cơ địa tốt, thậm chí phải có kỹ năng sống như một đặc công chuyên nghiệp. Bởi có những trường hợp phải sống tự lập nhiều ngày liền trong rừng. Cũng chính bởi công việc cực khổ nên ít người sau này chọn nghề khảo sát.
Bắt đầu một chuyến khảo sát, ngoài những đồ nghề, thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn, các thành viên trong nhóm khảo sát còn phải tự mang vác dụng cụ dựng lều trại và lượng lương thực, nhu yếu phẩm đủ cho từ 2 - 3 tuần, trước khi được tiếp tế. Thức ăn mang theo chủ yếu là gạo, mỳ tôm, cá khô... Nơi dựng lán trại cũng phải chọn ở lưng chừng đồi, cách suối khoảng 50m để tránh hiểm nguy bất chợt.
Ông Bùi Văn Mộc, nguyên Chủ tịch HĐQT Tedi South nhận định, với đặc thù “người mở đường”, nghề khảo sát thường xa nhà, người thân. Ngoài những khó khăn phải gặp hàng ngày, nhóm khảo sát thường xuyên phải đối diện với vô vàn nguy hiểm như: Muỗi sốt rét, các loại rắn rết, bò cạp…
“Đa phần anh em khảo sát thường mắc phải các bệnh sốt rét, xương khớp, các bệnh ngoài da… Vì thế những ai chọn nghề này phải có lòng đam mê. Rất nhiều người giỏi nghề nhưng cũng đành bỏ giữa chừng”, ông Mộc nói.
Giây phút đối mặt với rắn hổ mang chúa
Trong chuyến đi khảo sát ở Tây Trường Sơn thuộc dự án đường mòn Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Bình (giáp ranh Lào), trước khi đi, nhóm anh Tiêu Thanh Bảo tìm hiểu rất kỹ vì khu vực này nổi tiếng có loài rắn hổ mang chúa rất hung dữ và nọc cực độc.
“Một hôm, cả nhóm đang ăn trưa trên một phiến đá lưng chừng núi thì bất thình lình một con rắn hổ mang chúa từ hốc cỏ dưới phiến đá chui ra ngóc đầu phùng mang dữ tợn khiến anh em sợ hãi, chạy tán loạn. Rất may sau đó, những người dân bản địa đi tìm trầm hương cũng đang ngồi ăn gần đó có dụng cụ nên vây bắt được con rắn. Nếu không chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra…”, anh Bảo nhớ lại.