Đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 1 và quốc lộ 14

14/12/2014

Báo Tin tức online Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL1) và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) có thể về đích sớm nhờ sự giám sát quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, đối với siêu dự án này, tiến độ nhanh nhưng chất lượng phải là số một.

 

Các nhà đầu tư cam kết về đích sớm

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, QL14 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư đang triển khai 19 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên QL1, trị giá 52.500 tỷ đồng và 4 dự án BOT trên QL14, trị giá 4.600 tỷ đồng. Bộ GTVT đặt mục tiêu cán đích của siêu dự án này vào ngày 31/12/2015 trước một năm so với kế hoạch. 

Tư vấn giám sát chất lượng bê tông nhựa nóng, thảm lớp 1 dự án QL1 đoạn qua Hà Tĩnh.



Trao đổi với phóng viên, Vụ trưởng - Trưởng ban đầu tư dự án đối tác công tư PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết: Đến đầu tháng 12/2014, tiến độ hai dự án QL1, QL14 đã cơ bản đạt và vượt cam kết đã ký giữa các nhà đầu tư và Bộ GTVT. Đối với QL1, đoạn từ Thanh Hóa đến Vũng Áng sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 12/2014. Các dự án còn lại trên QL1 sẽ bảo đảm hoàn thành trong năm 2015, trong đó có nhiều dự án sẽ vượt tiến độ từ 4 - 6 tháng so với kế hoạch. Tương tự, các dự án trên QL14 cũng sẽ cơ bản hoàn thành từ nay đến tháng 6/2015. Tháng 12 này là cao điểm dự án qua các địa phương dồn lực thảm bê tông nhựa nóng lớp 1 suốt tuyến, sớm so với kế hoạch từ 2 - 4 tháng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TASCO, nhà đầu tư BOT dự án QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình là nhà đầu tư đầu tiên của siêu dự án này cam kết về đích trước 8 tháng so với kế hoạch. Dự án cam kết về đích ngày 31/12/2015, nhưng TASCO dự kiến sớm hoàn thành và đưa vào khai thác đúng ngày 30/4/2015. Đại diện hai nhà đầu tư BOT dự án QL1 đoạn Bắc Bình Định và Nam Bình Định cũng khẳng định, sẽ rút ngắn tiến độ thi công và đưa công trình vào khai thác trước 30/9/2015, vượt tiến độ 4 tháng. Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) thầu hai dự án BOT QL1, trong đó, dự án BOT đoạn Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh đã đưa vào khai thác từ tháng 1/2014 (vượt tiến độ 7 tháng), dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát còn lại được Cienco 4 đặt mục tiêu về đích tháng 8/2015. Dự án BOT QL14 qua tỉnh Gia Lai cũng đặt mục tiêu về đích trong tháng 4/2015… Điều đáng quan tâm là nhiều dự án đã tiết kiệm được ngân sách giải phóng mặt bằng, thiết kế, chi phí xây lắp từ 100 - 200 tỷ đồng/dự án.

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh khẳng định: Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án đang tranh thủ từng ngày nắng khô, tập trung máy móc, nhân lực thi công, kể cả dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trên công trường sẽ không có ngày nghỉ. Bộ GTVT đã bố trí lịch trực của các Thứ trưởng trực tiếp có mặt tại hiện trường trong các ngày nghỉ Tết để chỉ huy công trường, nhất là đối với các dự án chậm tiến độ. Thực tế, thời gian còn lại của dự án không nhiều, các tỉnh Tây Nguyên sẽ phải đối mặt với 5 - 6 tháng mùa mưa, miền Trung từ 3 - 4 tháng mùa mưa trong năm 2015. Vì vậy, nếu không tranh thủ thi công, nhiều dự án sẽ có nguy cơ lụt tiến độ. 

Kiên quyết thay thế nhà thầu yếu

Theo Cục trưởng Trần Xuân Sanh, hiện tại, 7 dự án BOT QL1 và 2 dự án BOT QL14 đang có nguy cơ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gồm các đoạn: Quảng Trị, hầm Phú Gia - Phước Tượng, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, hầm Đèo Cả, Bình Thuận, Cần Thơ - Phụng Hiệp và Đắk Nông, Pleiku - Cầu 110. Các dự án này đã được Bộ GTVT công khai danh sách, nếu không sớm có phương án điều chỉnh, dồn lực thi công, nhà thầu sẽ sớm bị thay thế, cắt khối lượng công việc.

Còn theo Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Huấn (nhà thầu chính các dự án QL14), hiện đã cắt khối lượng công việc của các nhà thầu thi công chậm đoạn qua Đắk Lắk của Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng (gói số 9), Công ty Đức Phú… chuyển giao cho các nhà thầu khác đủ năng lực. Đầu tháng 12/2014, Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh cũng đã bắt quả tang nhà thầu Công ty Cổ phần Đức Thành - Gia Lai đang tưới nhựa dính bám để thảm bê tông nhựa trên mặt đường hỏng, sai quy trình. Công ty này đã bị xử phạt hành chính 80 triệu đồng và cấm cửa thi công các công trình khác. Ban cũng đã huy động bằng các nhà thầu địa phương có đủ nguồn lực tại chỗ vào khẩn trương thi công, đảm bảo tiến độ. 

“Quan điểm của Bộ là không vì tiến độ mà hy sinh chất lượng công trình. Những dự án nào bị phát hiện có vấn đề về chất lượng đều phải làm lại và nhà đầu tư, nhà thầu của các dự án đó sẽ bị xử lý thích đáng. Với những dự án vi phạm, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công đều đã bị xử lý nghiêm theo quy định”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định. 

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Hiện đang là giai đoạn thi công nước rút nên không chấp nhận các nhà thầu chây ì vì bất kỳ lý do nào. Bộ GTVT kiên quyết cắt giảm khối lượng và thay thế các nhà thầu yếu kém. Dự án nào chậm phải đưa thêm người vào, nếu vẫn không làm được phải thay ngay. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu kiểm tra chất lượng dự án hiện nay có trách nhiệm giám sát chặt chẽ công trình, gói thầu nào xong tiến hành nghiệm thu luôn về thủ tục, tiến độ, chất lượng và báo cáo Bộ. 

Bộ GTVT cũng vừa thành lập "Tổ đặc nhiệm xử lý chất lượng mặt đường bê tông nhựa nóng” do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phụ trách để trực tiếp rà soát thiết kế, thi công, nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa nóng; kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào; kiểm tra quy trình thi công... đến khi dự án kết thúc. “Tổ đặc nhiệm" có quyền đình chỉ thi công ngay đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công. 

Bài và ảnh: Tiến Hiếu
Thống kê truy cập