Đường Hồ Chí Minh: Huyền thoại thời chiến, kỳ tích thời bình

2/5/2015

Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đang được Bộ GTVT nâng cấp để tiếp tục lập nên những kỳ tích mới.

 
Cầu Bến Tắt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm trên đường HCM,
đoạn tuyến đã hoàn thành mở rộng giai đoạn 2 - Ảnh: K.Linh

Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên bộ và trên biển thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đang được Bộ GTVT nâng cấp, hiện đại hóa để tiếp tục lập nên những kỳ tích mới phát triển kinh tế xã hội trong thời bình.

Cao tốc hóa đường mòn

Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở con đường chiến lược với tên gọi đường Trường Sơn - Đường mòn Hồ Chí Minh để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn, đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, với đường bộ, đường sông, đường ống, dài gần hai vạn km. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường, hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, ba quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc. 

Con đường xuyên qua 20 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, chạy qua nước bạn Lào và Campuchia, vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam bộ. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối. Nhưng tính chiến lược, bất ngờ, sức sáng tạo, gợi mở của con đường có giá trị lâu bền, vượt thời gian…

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: 
Ước mơ của tôi đang dần thành hiện thực

Đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội cho dân tộc ta trong kháng chiến. Để phát huy thế mạnh của các tuyến đường này, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ GTVT căn cứ vào các khả năng đầu tư để triển khai xây dựng từng đoạn trên đường Hồ Chí Minh và những đoạn tuyến này đang phát huy tác dụng cả về kinh tế lẫn quốc phòng, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi. Khi tuyến đường hoàn thành kéo dài từ Pắc Bó đến Đất Mũi sẽ là tuyến đường dài nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh sẽ được phát triển lên một tâm thế mới và nỗi ước mong, hằn sâu trong suy nghĩ, tình cảm của tôi từ những ngày cầm quân “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đang dần hữu hiệu. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao trong những năm tháng tuổi già của tôi.

Để đáp ứng tình hình phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước trong giai đoạn mới, năm 2000, Quốc hội, Chính phủ quyết định nâng cấp đường Hồ Chí Minh. Đến năm 2007, dự án đường Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài khoảng 1.350km. Để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe như yêu cầu trong Nghị quyết 66 của Quốc hội, từ cuối năm 2007, dự án tiếp tục được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 từ Cao Bằng đến Hà Nội và từ Kon Tum đến Cà Mau với chiều dài khoảng 1.393km.

Ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai thi công 1.035km, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 355km. Đến năm 2017, công trình đường Hồ Chí Minh với quy mô hai làn xe sẽ nối thông 1.035km, còn lại 358km, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương để có thể triển khai sớm nhằm rút ngắn thời gian nối thông toàn bộ tuyến đường.

Theo ông Hoàng, trong Nghị quyết 66/2013 của Quốc hội nêu rõ, đến năm 2020, dự án đường Hồ Chí Minh sẽ phải hoàn thành các dự án thành phần để cơ bản nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe. Sau năm 2020, dự án sẽ tiến hành nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Hiện ba đoạn tuyến gồm: Đoan Hùng - Chợ Bến, Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan đã và đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ giữa năm 2014, dự án La Sơn - Túy Loan với chiều dài 77km đã được Bộ GTVT triển khai xây dựng bằng hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) với tổng mức đầu tư của công trình lên tới 11.485 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến Cam Lộ - La Sơn theo tiêu chuẩn đường cao tốc bằng hình thức BT. Tổng chiều dài dự án khoảng 102km với mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công trong quý IV/2015 để hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ với tuyến La Sơn - Túy Loan vào năm 2017.

Lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết thêm, ở khu vực phía Bắc, đơn vị này cũng đang lập dự án đầu tư đoạn Đoan Hùng (Phú Thọ) - Chợ Bến (Hòa Bình) với tiêu chuẩn đường cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT. Trước mắt, đoạn tuyến với chiều dài khoảng 120km sẽ được xây dựng với quy mô hai làn xe, dự kiến công trình được khởi công vào năm 2016 và hoàn thành trong năm 2018.

Tiếp tục chia lửa cho đường bộ

Chỉ sau 10 tháng hoạt động, tuyến vận tải theo đường Hồ Chí Minh trên biển đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty vận tải Thái Hà (Hải Dương) hồ hởi cho biết, tháng 7/2014, khi Bộ GTVT công bố mở tuyến vận tải tàu SB từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, doanh nghiệp của ông đưa năm tàu vào hoạt động. Hiện đội tàu của Công ty vận tải Thái Hà đã tăng lên 14 chiếc, trong đó có một tàu chở container và đang đóng mới thêm một chiếc trị giá 28 tỷ đồng.

Tháng 7/1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Tiểu đoàn có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Chiếc tàu gỗ gắn máy “không số” đầu tiên” chở 30 tấn vũ khí bí mật rời bến từ Đồ Sơn (Hải Phòng). Sau 9 ngày vượt biển, tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn đánh dấu một sự kiện quan trọng - mở “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Từ 1961 - 1975, những “con tàu không số” gắn liền với “đường Hồ Chí Minh trên biển” đã vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu.

“Bộ GTVT mở tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB từ Quảng Ninh đi Kiên Giang quá thuận lợi cho giới vận tải chúng tôi và tốt cho cả nền kinh tế. Nhờ chủ trương này mà các loại hàng hóa như: Xi măng, than đá, nông sản… được chở từ sâu trong sông đi thẳng ra Đà Nẵng, Nha Trang mà không cần đi đường bộ như trước, giúp tiết kiệm được cả thời gian và chi phí vận chuyển”, ông Lanh nói và cho biết, giờ nguồn hàng đã ổn định nên không chỉ doanh nghiệp ông mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đua nhau đóng thêm tàu và xu hướng vận chuyển container bằng tàu SB cũng đang dần phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Tổng thư ký Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa VN chia sẻ, việc mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang dành cho tàu pha sông biển (tàu cấp VR-SB) không đơn thuần chỉ là vận tải chia sẻ với đường bộ, đường sắt mà còn tạo ra nhiều giá trị đối với nền kinh tế đất nước. Bởi tuyến vận tải này cũng là một phần của tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển” của quân đội ta trong thời kỳ chiến tranh.

Theo ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, với số lượng hơn 400 tàu SB đang hoạt động trên tuyến tương đương với việc chia sẻ với đường bộ 2 nghìn - 3 nghìn lượt xe tải chạy từ Bắc- Trung - Nam. Ông Học cũng cho biết, Cục Đường thủy nội địa VN đang rà soát, cập nhật quy hoạch các tuyến vận tải sông pha biển nhằm tạo ra một mạng lưới vận tải tàu SB hoàn chỉnh. 




 

Nguồn Báo Giao thông.

Thống kê truy cập