Đường Hồ Chí Minh: Những “dấu chân” mang dáng hình đất nước

22/5/2024

“Cần sớm khảo sát, lập dự án xây dựng một xa lộ Bắc – Nam, để có một con đường Hồ Chí Minh nối hai thế kỷ, con đường của thời đại công nghiệp hoá và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia…”, Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tên thường gọi là “Sáu Dân” chia sẻ.

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, người đặt nền móng cho Dự án đường Hồ Chí Minh hiện tại

 

Cần một xa lộ Bắc - Nam: từ ý tưởng đến hiện thực

Theo lời kể của ông Hà Đình Cẩn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh, đó là một ngày đầu xuân năm 1996, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến gặp Bộ GTVT và chia sẻ, “cần sớm khảo sát, lập dự án, xây dựng xa lộ Bắc - Nam”. Ý tưởng ấy đến với Bộ GTVT bất ngờ nhưng lớn và táo bạo hơn rất nhiều so với những chủ trương xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hay Láng - Hòa Lạc… trước đây của ông.

Ông Võ Văn Kiệt ấp ủ, xa lộ Bắc - Nam, trước hết phải thỏa mãn được một dòng giao thông liên tục, thông suốt. Về quy mô, phải đủ lớn cho lưu lượng xe, với hàng chục ngàn chiếc/ngày đêm.

“Có lẽ ông hình dung, nó phải tương đương như xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa về quy mô mặt cắt ngang. Và ông mong ước có một con đường chạy suốt từ Bắc vào Nam, không còn cảnh ách tắc mà năm nào cũng xảy ra trong mùa bão lụt ở miền Trung”, ông Cẩn hồi tưởng.

Từ chủ trương đến hiện thực đã được hiện thực hoá nhanh chóng, thể hiện một khát vọng lớn – cần có một trục xương sống Bắc – Nam khác song song với Quốc lộ 1 hiện hữu và đó chính là tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử được tái hiện.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại lễ khởi công đường Hồ Chí Minh

Nói về khát vọng này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT – người từng được coi là “linh hồn” của đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và trực tiếp chỉ đạo thi công đường Hồ Chí Minh hiện tại chia sẻ: Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ là xương sống thứ 2 xuyên Việt, phá vỡ thế độc đạo của QL1, đảm bảo giao thông thông suốt khi QL1 gặp sự cố (bão lũ, ngập lụt...), đồng thời cũng tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông - Tây của đất nước.

Tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông, nó còn góp phần tích cực vào công cuộc Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường này có vai trò quan trọng về mặt an ninh quốc phòng, có tác động rất lớn để kết nối với các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và đề xuất của Bộ GTVT, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, ngày 24/9/1997, Thủ tướng chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể dự án với tên gọi bàn đầu là Xa lộ Bắc Nam sau đổi tên thành Đường Hồ Chí Minh. Dự án có hướng tuyến chạy song song với QL1 về phía Tây. 

Trong thế kỷ XX, đường Hồ Chí Minh thật sự là một kỳ tích của dân tộc ta trong công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia. Chính đối phương cũng thán phục mà gọi là đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Và cũng đã từ rất lâu cho đến tận bây giờ, trên sách báo, phim ảnh thế giới cũng đã thân thuộc với tên gọi đường Hồ Chí Minh. Do đó, đề nghị của chúng tôi đã được anh Võ Văn Kiệt và Chính phủ chấp nhận”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói

Hiện thực hoá khát vọng đường Hồ Chí Minh

Tôi đã từng nhiều lần nói chuyện với anh Phạm Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh (giai đoạn 2004- 2014) về những kỷ niệm của anh đối với Dự án đường Hồ Chí Minh. Bởi anh chính là người đồng hành suốt 17 năm từ chuẩn bị đầu tư đến khởi công, thi công dự án. Qua đó, chứng kiến nhiều thăng trầm của công trình trọng điểm quốc gia này.

Anh Sơn chia sẻ, “cuối năm 1997, tôi công tác tại Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, trực thuộc Bộ GTVT. Khi đó, anh Hà Đình Cẩn làm Chủ nhiệm còn tôi là Phó Chủ nhiệm để làm công tác chuẩn bị cho xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh sau này. Đến tháng 8/1999, Bộ GTVT có quyết định thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trên cơ sở chuyển nguyên trạng Văn phòng thường trực về công trình xa lộ Bắc – Nam”. 

"Vào ngày 3/2/2000, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1, từ Xuân Mai (Hòa Bình) - Ngọc Hồi (Kon Tum). Và ngày 5/4/2000, Thủ tướng đã phát lệnh khởi công dự án tại Xuân Sơn (Quảng Bình), gây xúc động lớn cho nhân dân, nhất là các thế hệ cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

"Tuy nhiên, vào thời điểm ấy rất nhiều các đại biểu Quốc hội đã bức xúc đặt câu hỏi - Tại sao một dự án quan trọng thế, gây xúc động thế mà Chính phủ lại không trình Quốc hội để xem xét, thông qua?”

Ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh (áo xanh thứ 3 từ bên trái sang), ảnh tư liệu

“Trước yêu cầu này, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh mà trực tiếp là tôi chuẩn bị báo cáo giải trình Quốc hội. Vào Kỳ họp Quốc hội giữa năm 2000, Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn đã thúc giục tôi phải sớm hoàn thành dự thảo báo cáo. Khi đó, anh em trong Ban đã trăn trở rất nhiều vì thấy rằng đây là dự án đặc biệt quan trọng, dù về mặt qui mô của dự án khi ấy còn rất khiêm tốn, với chiều dài khoảng 1.350km, tổng mức khoảng 5.300 tỷ đồng".

"Tuy lúc đó chưa có Nghị quyết về việc đưa ra tiêu chuẩn công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội, nhưng Dự án đường Hồ Chí Minh lại rất quan trọng vì nó gắn với chính trị, gắn với huyền thoại nên mình phải trình bày thế nào để thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, đồng thời phù hợp với tính chất quan trọng của dự án”.

"Nội dung của báo cáo được chỉ đạo xuyên suốt là phải hết sức cấp bách, cấp thiết thì mới làm giai đoạn 1. Còn toàn thể dự án xin Quốc hội sau. Đó chính là báo cáo đầu tiên gửi Quốc hội. Năm 2004, tôi làm Tổng Giám đốc, trực tiếp chuẩn bị cho Bộ trưởng Đào Đình Bình thông qua, cho đầu tư đường Hồ Chí Minh bằng Nghị quyết số 38. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo ba giai đoạn khác nhau".

"Ngày Quốc hội họp cuối năm 2004, chúng tôi rất lo, không biết các đại biểu có bỏ phiếu thông qua hay không. Ngồi dự thính phiên họp của Quốc hội, tôi cứ nhấp nhổm không yên. Chỉ đến khi các con số trên bảng điện tử nhảy qua con số 50% số đại biểu tán thành, tôi tin là đã thành công".

Lúc đó anh Ngô Thịnh Đức (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) đang ngồi cạnh. Tôi đã chạy qua choàng cổ và bảo: “Anh ơi, thành công rồi”. Sau đó anh Đức có nói với giọng rất chân tình: “May cho chúng mày là Quốc hội đã đồng ý. Nếu không, không những dự án dừng mà cả Ban QLDA đường Hồ Chí Minh mới thành lập cũng giải thể luôn”. Nói như thế để thấy quyết định của Quốc hội quan trọng như thế nào với Dự án đường Hồ Chí Minh và với cả Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sau này.


Đến cuối năm 2013, Quốc hội tiếp tục có nghị quyết thứ hai về đường Hồ Chí Minh là Nghị quyết số 66/2013/QH13 điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 điều chỉnh tiến độ, bố trí đủ vốn cho dự án. Sau khi có Nghị quyết số 38, chúng tôi luôn được đón tiếp các đoàn đại biểu của Ủy ban Quốc hội, mỗi năm 3 - 4 lần, kể cả Chủ tịch Quốc hội đi giám sát kết quả thực hiện tuyến đường này. Điều này cho thấy, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến dự án quan trọng này.
 

Dự án đường Hồ Chí Minh không chỉ nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước mà còn bạn bè quốc tế. Năm 2001, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có đến gặp tôi để tìm hiểu về dự án này. Sở dĩ họ quan tâm vì đây là con đường tiền tuyến, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi gặp, họ đặt vấn đề là vì sao con đường lớn như vậy mà chỉ làm với số tiền có 300 triệu USD?

Đến nay, việc đầu tư, xây dựng đường Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành chức năng. Ngoài mục tiêu phát triển KT-XH tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc phía Tây Tổ quốc, công trình còn mang ý nghĩa lớn lao về mặt an ninh quốc phòng, là con đường chiến lược, áp sát phía Tây sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ giao thông khi tuyến QL1 có sự cố. 

                                                                                                                                                         Đinh Tịnh.

markettimes.vn
Thống kê truy cập