Đường Hồ Chí Minh, những năm tháng không quên

6/8/2014

Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1985, khi còn là một kỹ sư trẻ ở Viện Thiết kế giao thông, anh Bùi Danh Lưu lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT trên đường kiểm tra công trường cầu Phố Lu đã động viên: “Nếu mỗi người chỉ cần làm được vài việc có ý nghĩa trong cuộc đời thì cộng lại những công sức đóng góp của mọi người sẽ làm nên sự nghiệp lớn của Ngành”. Câu nói này cứ theo tôi suốt cuộc đời để rồi nhận ra được nhiều cơ may đến khi tham gia những dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh.

 Kỳ 1: Vượt núi, băng rừng  “vẽ” đường Hồ Chí Minh
 
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Động Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng BìnhẢnh: Khánh Linh
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Động Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Với tôi, một trong những vinh dự đặc biệt là được tham gia dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010 với cương vị Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI), rồi Cục trưởng Cục Giám định và Chất lượng công trình giao thông. 
 
Chuyến thị sát đầu tiên

Vào cuối năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc Nam - đường Trường Sơn công nghiệp hóa. Ngay lập tức, các cơ quan tham mưu chủ chốt của Bộ khẩn trương vào cuộc. TEDI được Bộ giao nhiệm vụ là đơn vị tư vấn lập quy hoạch và dự án khả thi. Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng đó, chúng tôi đã quyết định thành lập ngay tổ tổng thể của dự án gồm các chuyên gia hàng đầu từng bộ môn, chuyên ngành của TEDI. Tôi được vinh dự nhận trách nhiệm chủ nhiệm tổng thể.

Lúc đó đã gần Tết Đinh Sửu (1997), Tổ tổng thể có khoảng hai tháng tìm kiếm các nguồn tài liệu, phác thảo các phương án hướng tuyến, tổng hợp các hạng mục công trình chủ yếu, lập báo cáo, phác thảo các bản vẽ sơ bộ và chuẩn bị các công tác nội nghiệp khác để ăn Tết xong là lên đường thị sát tuyến và làm việc với các địa phương ngay.

Do những nỗ lực và làm việc hết sức khẩn trương, chúng tôi đã tổ chức được chuyến đi đầu tiên của tổng thể dự án trong 19 ngày, từ 2/3 đến 20/3/1997. Theo kế hoạch, đoàn công tác rời Hà Nội từ sớm đi theo lộ trình đã định, qua các địa danh quen thuộc như: Dốc Bò Lăn, Lâm La, Ngã ba Sông Hiếu, Tân Kỳ… rồi bám hướng tuyến phác thảo dựa theo các trục QL15, đường 71 trên mạng đường Hồ Chí Minh năm xưa. 
 

"Tham gia chuyến khảo sát tổng thể dự án đường Hồ Chí Minh đầu tiên có 5 thành viên, gồm các anh: Đỗ Bắc, Nguyễn Minh Thắng là chuyên gia đường bộ, anh Phạm Hữu Sơn - Chuyên gia về cầu, anh Đoàn Đức Cường - Chuyên gia thuỷ văn, đồng thời là thư ký đoàn và tôi là Tổng Giám đốc - Chủ nhiệm tổng thể”.

TS. Nguyễn Ngọc Long

Đi đến đâu chúng tôi cũng được lãnh đạo, chuyên viên Sở GTVT địa phương chờ sẵn ở các điểm hẹn, giới thiệu cho đoàn những phương án hướng tuyến mà tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất. Sở GTVT các địa phương có nhiều cán bộ tâm huyết, giỏi chuyên môn, rất trách nhiệm với dự án tầm cỡ Quốc gia, đồng thời cũng gắn liền với sự phát triển KT - XH của địa phương nên các phương án đề xuất đều là những phương án tốt cần tiếp thu, so sánh khi quyết định hướng tuyến tổng thể. Chính nhờ phương pháp phối hợp như vậy mà khi TEDI hoàn thành, trình bày quy hoạch tổng thể hướng tuyến đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp Trung ương và địa phương.

Dọc đường đi, những ký ức về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa dần trở lại trong tôi với những cảm giác xúc động lạ thường. Từ những năm 1972, tôi đã được theo chân các chuyên gia lớn của phòng cầu đường sắt Viện Thiết kế giao thông như: Anh Phan Xuân Đại, Quách Đào Kiểm… tham gia dự án khôi phục các cầu đường sắt Cửa Rào, Chợ Thượng, rồi lội bộ khảo sát suốt đoạn đường goòng từ chợ Thượng qua Lộc Yên, La Khê, Khe Nét vào đến tận Sa Lung. Nhiều đoạn bám vào QL15, đường 71 mà đi, nhiều đoạn đi theo đường sắt hun hút rừng thẳm, núi cao bỗng nhiên hiện ra trước mắt một điểm giao cắt với đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa. 

Giờ đây, 25 năm sau quay lại, nhưng những con đường vẫn nhỏ bé, quanh co, chủ yếu vẫn là đường đất đá như xưa. Chúng tôi cảm thấy có lỗi với quá khứ và thầm nhủ phải quyết tâm hết sức mình góp phần vào sự thành công của dự án.

Trên đường đi thị sát, đoàn chúng tôi được ghé thăm các địa danh lịch sử. Bồi hồi, xúc động bên Km 0 đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ - Nghệ An, đọc những dòng chữ tóm tắt của Bộ đội Trường Sơn năm xưa: “…Xây dựng 16.000km đường, 3.082km đường ống xăng dầu, 10.000km đường dây thông tin, khôi phục 83 cầu với tổng chiều dài 4.316km đảm bảo cho bộ đội hành quân chiến đấu trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975…”.  Những con số khổng lồ cho chúng tôi cảm xúc vừa khâm phục, vừa lãng mạn để ngay lúc đó đã hình dung sau này khi con đường Hồ Chí Minh của thời kỳ công nghiệp hóa đã hoàn thành, nhất định nơi đây phải có một tượng đài hoành tráng nhớ về chiến thắng năm xưa.
 
Xe bất lực, đành… cuốc bộ lên đèo

Từ Tân Kỳ, chúng tôi bắt đầu một hành trình mà khái niệm “Đoàn công tác” ở đây cần được hiểu gồm Tổ tổng thể của TEDI và các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của từng địa phương. Chúng tôi về Làng Sen - Kim Liên dâng hương báo cáo với Bác Hồ về công việc đang làm, xin anh linh của Người phù hộ, soi đường, chỉ lối cho dự án được hanh thông từ những bước đầu tiên. 

Đèo Đá Đẽo là một địa danh hiểm trở trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Theo hướng dẫn của các anh ở Sở GTVT Quảng Bình, hành trình của đoàn phải đi ngược từ Nam ra Bắc, bắt đầu từ sân bay dã chiến Khe Gát cũ là điểm tập kết và xuất kích của máy bay MIG 17 chiến đấu với không quân hạm đội 7 Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh phá hoại. Mấy chiếc xe của đoàn toàn là xe Land Cruise, Pajero loại tốt được chọn để trèo đèo. Con đường bỏ hoang hơn hai chục năm nay đã bị cỏ cây lấp đầy, ẩn mình trong rừng rậm ẩm ướt, thỉnh thoảng mới xuất hiện những vệt bánh xe cũ mòn dưới những mảng đất đá lăn cản đường. 

Mới 15h mà đi trong rừng trời đã như xẩm tối. Cảm nhận nếu xe đi tiếp có thể sẽ bị tắc đường mà không quay đầu lại được. Hỏi các anh ở Sở GTVT Quảng Bình thì được biết gần 4km nữa mới đến đỉnh đèo Đá Đẽo. Tôi bàn với anh em trong đoàn cho xe quay đầu lại để đoàn đi bộ lên đến đỉnh đèo. Thống nhất rồi lại phải động viên các bạn lái xe cố tìm chỗ quay đầu an toàn chờ đoàn quay lại. Rồi cả đoàn chúng tôi cứ thế leo trên con đường hiểm trở, lúc ẩn, lúc hiện để nhận biết đây là điểm khó khăn, phải tập trung trí tuệ và sức lực cho đến ngày hiện hình con đường Hồ Chí Minh qua đèo Đá Đẽo thuận tiện như hôm nay.

Cứ như thế, đoàn chúng tôi đi hết hành trình đến điểm cuối Chơn Thành và quay trở lại Hà Nội vào ngày 20/3/1997. Một vài người vì nhiệm vụ phải về trước ít ngày. Đến TP Hồ Chí Minh, mọi người đều phải quay về bằng máy bay để kịp triển khai công việc tiếp theo.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổ tổng thể phải chuẩn bị để Bộ GTVT báo cáo Hội nghị toàn Ngành có sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố về dự án “Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc Nam” tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và báo cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Chính phủ trong nhiều Hội nghị tiếp theo. Suốt thời gian này, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ GTVT, mà trực tiếp là Bộ trưởng Bùi Danh Lưu, Lê Ngọc Hoàn, Thứ trưởng Phạm Quang Tuyến, sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Dự án xa lộ Bắc Nam (Sau này là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh), trực tiếp là anh Hà Đình Cẩn, Chánh Văn phòng. Chúng tôi cũng thường xuyên báo cáo, nghe ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ như: Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Chú Sáu Dân, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bác Đồng Sỹ Nguyên… 
 
TS. Nguyễn Ngọc Long
Phó Chủ tịch hội KHKT Cầu đường Việt Nam
Thống kê truy cập