Đường Hồ chí Minh đã góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng

17/10/2019

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá việc đưa vào sử dụng các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh, các đoạn tuyến hoàn thành đã mang lại hiệu quả nhiều mặt các địa phương nơi có Dự án đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây đất nước, rút ngắn được khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng chí Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội về các công trình dự án trọng điểm, chiều 16/10/2019, tại Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ báo cáo tình hình thực hiện dự án đường HCM

Đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc về phía Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh, Nguyễn Vinh Hà và các ủy viên Ủy ban Trần Thị Quốc Khánh, Mai Sỹ Diễn - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, Uỷ viên thường trực Uỷ ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Thị Hoa Ry - Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội. Về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng, Vụ KHĐT cùng phòng nghiệp vụ thuộc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng
báo cáo làm rõ các nội dung mà UB KHCN & MT yêu cầu

Báo cáo Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, được khởi công từ năm 2000, đến nay dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành đầu tư xây dựng được khoảng 81% (2.218km/2744km tuyến chính), đang triển khai đầu tư 237km; còn lại khoảng 289km chưa triển khai do chưa bố trí được vốn. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế nhiều khả năng dự án không đáp ứng được tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội là hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó - Cao Bằng đến Đất Mũi - Cà Mau quy mô tối thiểu 2 làn xe vào năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải và của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh, các đoạn tuyến hoàn thành đã mang lại hiệu quả nhiều mặt các địa phương nơi có Dự án đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây đất nước, rút ngắn được khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra theo Nghị quyết.

"Tuy nhiên, “nút thắt” lớn nhất hiện nay là khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư 289km trong danh mục nối thông tuyến còn lại", ông Phan Xuân Dũng nói đồng thời để tháo gỡ khó khăn này, UBKHCN & MT của Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT, Ban QLDA tiếp tục báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn giai đoạn tới để đầu tư các đoạn nối thông còn lại, trước mắt là các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang; đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Long An và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận qua tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu. Về phần mình, UBKHCN&MT cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để bố trí vốn để đầu tư hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Quốc hội.

Thống kê truy cập