Giám đốc PMU giao thông đồng loạt cam kết hoàn thành giải ngân vốn

5/11/2019

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, điều chuyển lãnh đạo các ban QLDA không đạt kết quả giải ngân năm 2019.

Keyword đầu tiên có dấu
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều nay 4/11

Chiều nay (4/11), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 của Bộ GTVT.

Còn gần 17.000 tỷ đồng chưa giải ngân

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, đến hết tháng 10/2019, Bộ GTVT giải ngân được 9.405 tỷ đồngtương đương 35,7% kế hoạch giải ngân (26.322 tỷ đồng). So với dự kiến giải ngân đã xây dựng, kết quả giải ngân đạt thấp hơn dự kiến 5.731 tỷ đồng.

“Kết quả giải ngân thời gian qua chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân đạt vẫn rất thấp, có nguy cơ không đạt được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch 2019”, ông Lâm đánh giá và cho biết, nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân chậm do hầu hết các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa thực hiện được công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng; các dự án đường bộ cấp bách sử dụng vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, dự án ODA sử dụng vốn dư (dự án cầu yếu giai đoạn 2, kênh nối Đáy - Ninh Cơ dự án WB6) chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa ứng hợp đồng,…

Ông Lâm cho biết, theo kế hoạch, số vốn còn lại phải giải ngân từ nay đến cuối năm rất lớn, khoảng 16.917 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các ban QLDA, chủ đầu tư: Ban QLDA Thăng Long (còn 1.848 tỷ đồng), Ban QLDA 7 (1.850 tỷ đồng), Ban QLDA 6 (1.355 tỷ đồng), Ban QLDA Đường sắt (1.130 tỷ đồng), Tổng công ty Cửu Long (902 tỷ đồng), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (1.090 tỷ đồng), Tổng cục Đường bộ VN (985 tỷ đồng),…

Cam kết giải ngân đạt 90 - 95% kế hoạch giao

Sau thông tin của Vụ trưởng Vụ KH-ĐT đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu từng giám đốc ban quản lý dự án, lãnh đạo các chủ đầu tư nêu rõ các tồn tại, vướng mắc và khả năng giải ngân vốn từng dự án còn tồn động vốn lớn trong thời gian còn lại của năm 2019.

Đại diện cho đơn vị còn tồn đọng vốn lớn nhất (1.848 tỷ đồng), ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, số vốn này tập trung ở 5 dự án: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Mai Sơn - QL45, Vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long, QL217 giai đoạn 2 và cầu Thịnh Long. Trong đó, phần lớn số vốn tập trung ở hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (794 tỷ đồng) và Mai Sơn - QL45 (434 tỷ đồng).

“Đối với hai dự án cao tốc Bắc - Nam, hiện nay các địa phương đang hoàn tất thủ tục để chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng trong những tháng cuối năm. Trong đó, tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tỉnh Bình Thuận còn đang đề nghị bổ sung thêm vốn. Tương tự, dự án Mai Sơn - QL45, khả năng tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ giải ngân hết toàn bộ phần vốn giải phóng mặt bằng đã chuyên cho địa phương”, ông Roãn nói và cam kết Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân số vốn còn tồn đọng tại 5 dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT, đạt khoảng 95% kế hoạch.

Tương tự, Ban QLDA 6 cũng đang tồn số vốn lên tới 1.335 tỷ đồng, tập trung tại 5 dự án: Cầu yếu giai đoạn 2 (332 tỷ đồng), cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (448 tỷ đồng), Diễn Châu - Bãi Vọt (426 tỷ đồng), đường nối QL4C - 4D (77 tỷ đồng) và dự án QL25 (50 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban QLDA 6 cũng nói: “Thủ tục giải ngân của các dự án hiện đã đầy đủ, khả năng chúng tôi hoàn thành giải ngân 95% vốn kế hoạch 2019 là chắc chắn”.

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, đơn vị được giao 1.626 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 500 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.100 tỷ đồng tập trung vào hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm.

“Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn được đầu tư bằng hình thức đầu tư công, đến nay đã khởi công 2 gói thầu và đã giải ngân được 300 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2019, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế sẽ giải ngân tiền giải phóng mặt bằng khoảng 350 tỷ đồng. Còn lại, khoảng 400 tỷ đồng xây lắp, trong các tháng cuối năm, dự án sẽ khởi công thêm 9 gói thầu còn lại, dự kiến sẽ vượt kế hoạch giải ngân”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, đối với dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vốn được giao 2019 là 156 tỷ đồng, đến nay, giải ngân được 56 tỷ đồng, còn lại 100 tỷ đồng sẽ giải ngân trong các tháng cuối năm. “Chúng tôi cam kết với Bộ trưởng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao theo yêu cầu”, ông Hoàng nói.

Ngoài đại diện của 3 PMU trên, tại cuộc họp, 12 giám đốc PMU, lãnh đạo Sở GTVT khác cũng cam kết với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ đảm bảo hoàn thành kết quả giải ngân đạt 90-95% vốn kế hoạch 2019 được giao, ngoại trừ đại diện của ban QLDA đường sắt và Ban QLDA đường thủy do còn một số vướng mắc về thủ tục, hồ sơ tại một số dự án, tuy nhiên, khối lượng vốn tồn đọng tại hai đơn vị này không lớn.

Keyword đầu tiên có dấu
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã lựa chọn xong nhà thầu xây lắp, chuẩn bị khởi công

Thời cơ đã đến, các chủ đầu tư phải tập trung giải ngân hết vốn

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng đầu năm 2019 của Bộ GTVT đạt thấp hơn mức bình quân của cả nước do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là số vốn bố trí cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam (7.062 tỷ đồng) còn tồn đọng lớn, nhất là vốn giải ngân công tác đền bù GPMB cho các dự án này.

“Bộ GTVT đã chuyển cho 14 tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 tỷ đồng. Đến nay, chỉ có tỉnh Bình Thuận đã giải ngân được khoảng 800 tỷ đồng và đang có nhu cầu xin thêm, còn lại các tỉnh khác giải ngân vẫn chậm”, Bộ trưởng đánh giá.

Thứ hai, nguồn vốn tồn đọng, chưa giải ngân tại 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách (TMĐT: 15.000 tỷ đồng) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018. “Năm 2019, Bộ GTVT đăng ký gần 3.000 tỷ đồng cho 10 dự án đường bộ cấp bách, hiện mới khởi công được dự án QL30, còn lại các dự án đang chuẩn bị khởi công như QL57, QL53, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp,…”, Bộ trưởng nói và cho biết, số vốn còn lại khoảng 7.000 tỷ đồng nằm tại các dự án đang triển khai thi công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, qua báo cáo của các ban QLDA, chủ đầu tư cho thấy, tình hình giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2019 có khả quan. Tuy nhiên, các đơn vị phải đánh giá chi tiết, cụ thể để hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2019.

“Trong hai tháng cuối năm, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư nếu tranh thủ tốt sẽ giải ngân hết số vốn theo kế hoạch đề ra. Trước tiên là 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, hiện nay, 14 tỉnh đã thực hiện công tác kiểm đếm, công bố công khai số liệu giải phóng mặt bằng để người dân nắm bắt. Chúng ta đã chuẩn bị cả năm nay rồi, bây giờ đã đến giai đoạn chi trả tiền đền bù cho người dân, các ban QLDA phải tập trung cao độ, bám sát địa phương để giải ngân toàn bộ số vốn 4.000 tỷ đồng cho công tác GPMB các dự án trong 2 tháng cuối năm 2019” Bộ trưởng nói.

Đối với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn còn 8 gói thầu xây lắp, dự án Cao Bồ - Mai Sơn vừa chọn xong nhà thầu và 4 gói thầu của dự án cầu Mỹ Thuận 2, tất cả đều đang chuẩn bị khởi công xây dựng từ nay đến cuối năm 2019.

“Ba dự án này chúng ta sẽ khởi công được trong năm nay. Theo Luật Đấu thầu khi chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu và nhà thầu thực hiện bảo lãnh hợp đồng, chủ đầu tư được phép cho tạm ứng 20% giá trị gói thầu cho nhà thầu. Do đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA 7 và Sở GTVT Ninh Bình phải tập trung rà soát lại công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng để tạm ứng cho các nhà thầu, khi đó 3 dự án này sẽ giải ngân được một khoản vốn lớn”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Liên quan đến 14 dự án giao thông cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 10 dự án đường bộ (TMĐT: 8.000 tỷ dồng) hiện đã khởi công dự án nâng cấp QL30, các dự án còn lại như: QL57, QL53, Quản Lộ - Phụng Hiệp,… cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

“Khi chúng ta khởi công 10 dự án này, chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu 20% là giải ngân ngay được 1.600 tỷ đồng. Còn lại 4 dự án đường sắt cấp bách (TMĐT: 7.000 tỷ đồng), trong tuần tới Bộ GTVT xong toàn bộ dự án đầu tư để triển khai xây dựng”, Bộ trưởng thông tin.

“Đặc thù của năm nay của Bộ GTVT là khởi công mới hàng loạt dự án, gói thầu. Chúng ta đã chuẩn bị từ đầu năm, bây giờ thời cơ đã đến, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải làm tốt để giải ngân hết số vốn 10.000 tỷ đồng đã giao cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam và 10 dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp bách”, Bộ trưởng nói và cho biết, còn lại khoảng 7.000 tỷ đồng tại các dự án đang triển khai, các chủ đầu tư, ban QLDA phải dồn toàn lực xuống công trường, phối hợp tốt với địa phương, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để có khối lượng giải ngân.

“Các ban quản lý dự án phải giải ngân đạt từ 95% kế hoạch trở lên, lãnh đạo ban mới được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với những ban đạt dưới 95% và thấp hơn mức bình quân của cả nước, toàn bộ ban giám đốc của ban quản lý dự án đó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và Bộ GTVT sẽ xem xét điều chuyển cán bộ”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo chất lượng cho các dự án.

Báo Giao thông
Thống kê truy cập