Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn thì việc chuyển đổi hình thức đầu tư, kêu gọi các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, là việc làm cần thiết. Đối với dự án đường Hồ Chí Minh, mục tiêu mà Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đặt ra đối với dự án là đến năm 2010 phải nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau với quy mô hai làn xe. Tuy nhiên, đến nay - cuối năm 2012 - chúng ta vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu này, nguyên nhân chính là do thiếu vốn đầu tư.
Đường Hồ Chí Minh khát vốn
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đường Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng được khoảng 1.350km từ Hà Nội vào đến Kon Tum. Để nối thông toàn tuyến 2 làn xe chúng ta phải tiếp tục đầu tư phía Bắc từ Cao Bằng đến Hà Nội, phía Nam từ Kon Tum đến Cà Mau dài khoảng 1.207 km, TMĐT khoảng 97.795 tỷ đồng (không bao gồm các dự án đi trùng hoặc sử dụng đường hiện hữu). Nguồn vốn đầu tư dự án giai đoạn này chủ yếu là sử dụng vốn TPCP, đến năm 2015 mới bố trí vốn để đầu tư khoảng 564km, hiện còn khoảng 441km/TMĐT 38.884 tỷ đồng chưa có nguồn vốn đầu tư và 162km/TMĐT 8.291 tỷ đồng giãn tiến độ. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước thì có thể đến sau 2015 thậm chí đến năm 2020 hoặc lâu hơn nữa mới có thể hoàn thành dự án quy mô 2 làn xe từ Cao Bằng đến Đất Mũi.
Lợi thế của hình thức hợp tác đầu tư (PPP)
Mô hình hợp tác đầu tư (PPP - Public Private Patnerships) theo cách hiểu phổ biến hiện nay là Nhà nước và Nhà đầu tư tư nhân (bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) cùng hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ nào đó để phân chia lợi nhuận và rủi ro. Theo đó, cơ cấu cho 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP là vốn Nhà nước khoảng 30%, tư nhân khoảng 70%. Theo phân tích của các nhà chuyên môn hình thức đầu tư công - tư có các lợi ích chủ yếu sau:
1. Huy động được các nguồn vốn đầu tư tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước;
2. Tăng hiệu quả sử dụng của các nguồn lực sẵn có;
3. Sử dụng kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của các nhà đầu tư;
4. Sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;
5. Chia sẻ rủi ro cho các đối tác đầu tư.
Một số hạn chế của các DATP đang đầu tư theo hình thức BOT
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng lâu nay đã quen với các mô hình đầu tư như BT, BOT, BTO,… Hiện nay, có 05 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh được Bộ GTVT và các địa phương kêu gọi và triển khai theo hình thức BOT (04 dự án đang thi công, 01 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư) dài 218 km/TMĐT 4.258 tỷ đồng. Các dự án này đều khởi công từ năm 2010, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay tiến độ triển khai rất chậm (chỉ đạt từ 10 - 25% khối lượng). Thực tế triển khai các dự án này cho thấy hình thức này có một số hạn chế cơ bản như:
1. Nhà đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn do lãi suất vay ngân hàng tăng cao so với thời điểm ký kết hợp đồng nên không có vốn để đầu tư dự án;
2. Mức phí thấp nên thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài, đều trên 30 năm;
3. Lưu lượng vận tải không cao nên khó thu hút các nhà đầu tư.
Từ những phân tích trên đặt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước có hạn việc tìm kiếm nhà đầu tư để đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với mục đích “hai bên (Nhà nước và nhà đầu tư) cùng có lợi” có thể nói là giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.
Các DATP đang và dự kiến sẽ áp dụng hình thức hợp tác đầu tư
Dự án La Sơn - Túy Loan được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, khác với hình thức BT truyền thống (nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, sau khi xây dựng xong nhà đầu tư chuyển công trình đó cho Nhà nước Việt Nam, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT) là có sự tham gia góp vốn của Nhà nước. Nhà nước sẽ “bỏ” vốn để GPMB, thanh toán chi phí lập dự án, chi phí QLDA,… Hiện nay, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà đầu tư đang nỗ lực để chuẩn bị khởi công dự án, dự kiến vào Quý I/2013 và hoàn thành sau 3 năm xây dựng.
Đối với một số dự án giai đoạn 2 làn xe đang triển khai thi công nhưng tạm dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn (dự án cầu Ngọc Tháp và tuyến nối QL2 & QL32, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), Ban đang trình Bộ GTVT cho áp dụng theo hình thức hợp tác công - tư, trong đó phần đã đầu tư bằng vốn Nhà nước coi như phần vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư phần còn lại của công trình và được thu phí trong thời gian nhất định để thu hồi vốn và lợi nhuận.
Thay cho lời kết
Đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh ngoài mục tiêu phát triển kinh tế còn có ý nghĩa về chính trị - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ phía Tây Tổ quốc, vì vậy mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xem ra có vẻ phù hợp trong điều kiện đất nước khó khăn. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư ngoài nước đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Ucraina, Czech, Đức, Anh đến Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,…và cả một số nhà đầu tư trong nước quan tâm đến dự án nhưng để tìm được những nhà đầu tư phù hợp với những điều kiện của dự án thì không dễ. Chặng đường chuyển đổi hình thức đầu tư cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới còn lắm gian nan và không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên với tâm nguyện lớn lao của tập thể Lãnh đạo Ban mà đứng đầu là đồng chí Tổng Giám đốc Phạm Hồng Sơn là sớm hoàn thành con đường mang tên Bác việc tìm kiếm triển khai mô hình đầu tư phù hợp chắc chắn sẽ thành.
Phạm Thanh Giang