Khát vọng nối thông đường mang tên Bác

29/4/2021

Đường Hồ Chí Minh là công trình tầm cỡ quốc gia, mang theo khát vọng phát triển đất nước thời kỳ đổi mới.

Khát vọng nối thông đường mang tên Bác 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tại hiện trường khi kiểm tra thực địa dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan ngày 17/7/2020. Hiện nay, cao tốc La Sơn - Túy Loan thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh chuẩn bị hoàn thành đưa vào khai thác chính thức. Ảnh: Xuân Huy

Việc nối thông toàn tuyến đường mang tên Bác từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) là khát vọng cháy bỏng của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GTVT và người dân nơi dự án đi qua…

Những dấu mốc lịch sử

 

Ở tuổi ngoài lục tuần, về nghỉ chế độ gần hai năm, song những ký ức lịch sử về tuyến đường mang tên Bác vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, người từng có 17 năm gắn bó với dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Ông Sơn kể, sau ngày giải phóng miền Nam, non sông liền một dải nhưng hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước vẫn còn ngổn ngang, chỉ có duy nhất QL1 là tuyến đường kết nối hai đầu đất nước. Trước bối cảnh đó, cuối những năm 90 của thế kỷ XX, lãnh đạo Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng một trục “xương sống” thứ hai, tạo thành trục ngang nối hai miền Đông - Tây của Tổ quốc.

“Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa quan trọng về giao thông, phá bỏ thế độc đạo của QL1 mà còn góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, ông Sơn nói.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và đề xuất của Bộ GTVT, Hội đồng Thẩm định Nhà nước, ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc - Nam. Dự án có hướng tuyến chạy song song với QL1 về phía Tây, điểm đầu tại Pắc Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau).

“Theo nguyện vọng của nhiều cán bộ Bộ đội Trường Sơn cũ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đề nghị Thủ tướng Võ Văn Kiệt lấy tên là đường Hồ Chí Minh - bởi tên đó đã ăn sâu trong tâm khảm của nhân dân trong nước và bạn bè thế giới. Sau đó, tên gọi của tuyến đường này đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Chính phủ chấp thuận”, ông Sơn chia sẻ.

Đến ngày 3/2/2000, đúng ngày Đảng ta tròn 70 tuổi, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định 18 khởi công giai đoạn 1, thi công đoạn từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum).

Ngày 5/4/2000, lễ khởi công công trình đường Hồ Chí Minh được tổ chức tại bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch, Quảng Bình). Tại lễ khởi công, tất cả đơn vị thi công toàn tuyến, bao gồm cả nhánh Đông và nhánh Tây cùng đồng loạt ra quân, gồm 62 tổng công ty và công ty lớn nhỏ thuộc các ngành Giao thông, Xây dựng và Quân đội.

“Lễ khởi công gây xúc động lớn với người dân cả nước, nhất là các thế hệ cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, một số ĐBQH vẫn còn nghi ngại về việc vì sao một dự án quan trọng như thế, gây xúc động lớn như thế mà Chính phủ không trình Quốc hội xem xét thông qua”, ông Sơn nhớ lại.

Trước yêu cầu này, Bộ GTVT giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chuẩn bị báo cáo giải trình trước Quốc hội. Khi đó, anh em trong Ban trăn trở rất nhiều vì thấy rằng đây là dự án đặc biệt quan trọng, dù về mặt quy mô của dự án khi ấy còn rất khiêm tốn, với chiều dài khoảng 1.350km, tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng. Tuy lúc ấy chưa có nghị quyết về việc đưa ra tiêu chuẩn công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội nhưng dự án đường Hồ Chí Minh lại rất quan trọng vì nó có ý nghĩa chính trị, gắn với huyền thoại nên phải trình bày thế nào để thuyết phục được các ĐBQH, đồng thời phù hợp với tính chất của dự án.

“Chúng tôi làm báo cáo giải trình về tính chất cấp bách, cấp thiết làm giai đoạn 1 còn tổng thể dự án sẽ xin ý kiến Quốc hội thông qua sau. Đó chính là bản báo cáo đầu tiên gửi Quốc hội. Năm 2004, tôi đảm nhiệm vai trò là Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, trực tiếp chuẩn bị báo cáo Bộ trưởng Đào Đình Bình để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh bằng Nghị quyết 38 ngày 3/12/2004 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo 3 giai đoạn khác nhau”, ông Sơn nói.

Vào cuối năm 2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tiếp tục có Nghị quyết 66 ngày 29/11/2013 về việc điều chỉnh Nghị quyết 38. Nội dung của Nghị quyết 66 chủ yếu là điều chỉnh tiến độ, bố trí đủ vốn cho dự án. Trong Nghị quyết 66, Quốc hội yêu cầu đến năm 2020 phải hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó đến Đất Mũi quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km.

Cần bao nhiêu tiền để nối thông toàn tuyến?

Khát vọng nối thông đường mang tên Bác 2

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.218km

Ông Nguyễn Vũ Quý, quyền Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 20 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.218km (đạt 80,8%) và khoảng 258km tuyến nhánh, đang triển khai đầu tư 237km. Còn lại, khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai.

Cụ thể, ở khu vực phía Bắc, từ Pắc Bó đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài 273km đã hoàn thành 113km (Pắc Bó - Cao Bằng, cầu Ngọc Tháp, dự án QL2 đến Hương Nộn…); Hiện, chưa triển khai 160km (Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, Đoan Hùng - Chợ Bến).

Sở dĩ có tên là đường Hồ Chí Minh bởi Bác Hồ là người đầu tiên đề ra chủ trương mở đường chi viện Bắc - Nam. Lấy tên đường Hồ Chí Minh để các thế hệ mai sau luôn nhớ đến những công lao to lớn của Bác đã dành cho Tổ quốc và nhân dân.
Ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh


Ông Quý cho biết thêm, với đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, theo Nghị quyết 66 triển khai bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ dự kiến khởi công, hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2018. Tuy nhiên, đến nay, dự án thành phần này vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai xây dựng.

Tương tự, dự án thành phần đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến dự kiến triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng không thể triển khai được do thiếu vốn.

“Để nối thông đường Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc, cần bố trí khoảng 17.867 tỷ đồng để triển khai hai dự án thành phần đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến và Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn”, ông Quý chia sẻ.

Tại khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.532km đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350km, đang triển khai xây dựng 182km gồm các đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan; Khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553km, đã hoàn thành toàn bộ.

Khu vực phía Nam từ Chơn Thành đến Đất Mũi dài 386km đã hoàn thành 257km, chưa triển khai thi công 129km do thiếu vốn, gồm: Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

“Nếu nối thông khu vực phía Nam cần bố trí nguồn vốn khoảng 6.343 tỷ đồng”, ông Quý thông tin và cho biết thêm, để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh 2 làn xe từ Pắc Bó đến Đất Mũi cần thêm khoảng 24.210 tỷ đồng để đầu tư 289km các đoạn còn lại.

Các đoạn tuyến thuộc dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành, đưa vào khai thác mang lại hiệu quả về mặt KT-XH cho các địa phương nơi dự án đi qua. Đặc biệt, dự án làm thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước.

“Chúng tôi đang kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm bố trí nguồn vốn đầu tư 4 đoạn tuyến còn lại của tuyến đường Hồ Chí Minh để phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Việc sớm nối thông tuyến đường này cũng là khát vọng cháy bỏng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT và người dân nơi dự án đi qua”, ông Quý chia sẻ.

Báo GT
Thống kê truy cập