Không có chuyện hàng trăm km đường Hồ Chí Minh hư hỏng

17/9/2013

Bình quân mỗi cây số của đư��ng Hồ Chí Minh có 340 tấm bê tông xi măng. Thực tế đang có vài trăm tấm bị nứt, vỡ hoặc bong bật. Con số này chiếm tỷ lệ rất thấp nếu tính trên tổng số hàng trăm nghìn tấm trên đường Hồ Chí Minh.


 
Nhiều tấm bê tông hỏng đã được thay thế
Nhiều tấm bê tông hỏng đã được thay thế

Ngỡ ngàng vì thông tin hàng trăm cây số hư hỏng

Trao đổi với PV Báo Giao thông về hiện trạng hư hỏng mặt đường bê tông xi măng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hết sức ngạc nhiên về những số liệu mà báo chí đưa tin thời gian qua. Theo ông Huấn, toàn bộ đường Hồ Chí Minh bao gồm cả nhánh Đông và nhánh Tây có khoảng 350km đường bê tông xi măng. Trong đó, nhánh phía Tây 263km gồm các đoạn Khe Gát - Khe Sanh dài 215km, A Đớt - A Tép 48km. Các đoạn này chủ yếu phục vụ an ninh quốc phòng, lưu lượng xe còn ít nên gần như chưa có hiện tượng hư hỏng. 
 
Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó vốn xây lắp hơn 10.000 tỷ đồng để xây dựng khoảng 1.350km đường và 300 cây cầu lớn nhỏ.

Nhánh phía Đông gồm 3 đoạn bê tông xi măng dài 86km gồm: Đèo Đá Đẽo 18km, cầu Xơi -  Khâm Đức 15km và Khâm Đức - Đăk Poko 53km. Những hư hỏng chủ yếu xảy ra trên các đoạn đường này. 

Ông Huấn cho biết, khảo sát toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh cho thấy một số vị trí bê tông xi măng đã bắt đầu hư hỏng vào năm 2012 (tức sau gần 10  năm khai thác, trong đó có 2 năm bảo hành). Đến năm 2008, đường mới được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận nghiệm thu. Có nghĩa là phải mất 5 năm thử thách. Và trong suốt quãng thời gian đó, chất lượng đường rất ổn. 

Đường vĩnh cửu cũng không chịu được xe quá tải

Nhận định về nguyên nhân gây hư hỏng tuyến đường xuyên Việt thứ hai này, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết do nhiều yếu tố, chủ quan có, khách quan có. Về khách quan do khu vực tuyến đường đi qua có khí hậu hết sức khắc nghiệt, địa hình đèo dốc quanh co, thường xuyên sạt lở. Thực tế những năm qua không ít trường hợp lở núi, những phiến đá mồ côi vài chục khối rơi từ trên cao xuống làm nát mặt đường. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Một số đoạn do cống thoát nước hư hỏng, nước đọng lại lâu ngày gây bong bật. Vài vị trí đầu cầu, cống thi công không đảm bảo dẫn đến nứt, vỡ bê tông. 

Bên cạnh đó, xe siêu trường, siêu trọng, xe chở gỗ, chở hàng quá tải cũng góp phần làm xuống cấp tuyến đường. “Xe có  3 - 4 trục nhưng mỗi xe chất đến 70 - 80 tấn, bình quân mỗi trục gánh khoảng 20 tấn thì chẳng đường nào chịu nổi” - ông Huấn cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, nói bê tông xi măng là đường vĩnh cửu có thể chịu được xe quá tải là hoàn toàn không chính xác. Đường bê tông xi măng thì tuổi thọ cao hơn bê tông nhựa, có thể từ 20 - 40 năm tùy vào cấp đường. Nếu kiểm soát xe quá tải tốt thì tuổi thọ cao hơn, còn không kiểm soát được thì đường vẫn hỏng. 

Theo thiết kế, đường Hồ Chí Minh là đường cấp 3 miền núi có châm chước bán kính cong với E là 127Mpa. Trong khi đó, các tuyến quốc lộ hiện nay tối thiểu E cũng phải lên đến 140 - 160Mpa. Còn đường cao tốc phải trên 180Mpa. Thiết kế tải trọng trục xe chỉ là 10 tấn. Ngày đó, do vốn liếng còn hạn chế nên tiêu chuẩn về kết cấu cũng thấp hơn so với hiện nay. Lớp móng của đường bê tông xi măng chỉ gồm 15cm cấp phối đá dăm. Sau đó là lớp rất mỏng khoảng 0,4mm giấy dầu để chống ma sát. Cuối cùng là lớp bê tông xi măng mặt 7cm. Chi phí của đường bê tông xi măng trên đường Hồ Chí Minh so với đường bê tông nhựa vào thời điểm đó đắt hơn không đáng kể, chỉ khoảng 1,2 - 1,3 lần.
 
Đức Thắng


Thay thế triệt để mặt đường bê tông hư hỏng

Ông Võ Đình Dũng - Tổng giám đốc Khu Quản lý Đường bộ 5 khẳng định quá trình sửa chữa, thay thế bê tông mới, nhà thầu phải cắt nhỏ các tấm bê tông cũ, dùng búa đục và máy đào xới nên nhiều người tưởng là tấm bê tông hư hỏng đến mức nát vụn. 
 
Dư luận đang phản ánh đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam và Kon Tum bị hư hỏng nặng, nhiều tấm bê tông đã nát vụn?

Tôi khẳng định không có tấm bê tông nào bị hư hỏng đến mức nát vụn. Vì trong quá trình sửa chữa, thay thế tấm bê tông mới, các nhà thầu phải cắt nhỏ các tấm bê tông cũ, dùng búa đục và máy đào xới nên nhiều người lầm cứ tưởng là tấm bê tông bị hư nát. Trên nhiều đoạn, nhà thầu giăng rào chắn sửa 1/2 đường, 1/2 còn lại để xe cộ lưu thông. 

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam và Kon Tum được khởi công  năm 2001 và bàn giao cho Khu Quản lý Đường bộ 5 quản lý vào năm 2006. Tổng chiều dài đoạn tuyến là 277km, trong đó đoạn qua Quảng Nam 172km và qua Kon Tum 105km. Phần mặt đường bê tông nhựa dài  210km; còn lại 68km là mặt đường bê tông xi măng. Bắt đầu từ năm 2010 đến nay, phần mặt đường bê tông nhựa xuất hiện rạn nứt lớn, ổ gà, sình lún cục bộ… Còn đối với mặt đường bê tông xi măng thì từ năm 2008 cũng đã xuất hiện các vết nứt ngang và gãy góc tấm bê tông. Sau cơn bão số 9 vào tháng 9/2009 đường Hồ Chí Minh càng bị hư hỏng thêm. Nhất là phần đường bê tông xi măng. 
 
Thông thường mặt đường bê tông xi măng có tuổi thọ cao hơn bê tông nhựa, vậy tại sao đoạn bê tông xi măng trên tuyến lại nhanh hư hỏng như vậy?

Khu đã báo cáo Bộ GTVT từ giữa năm 2012 nguyên nhân hư hỏng mặt đường. Trước hết là do chiều dày kết cấu thiết kế chưa phù hợp với tải trọng đang khai thác. Nhất là lớp móng bằng cấp phối đá dăm dày 15cm và nền đường một số đoạn qua vùng địa chất yếu, có nước ngầm, về mùa mưa lũ thường xảy ra sụt trượt ta luy. Đặc biệt xe tải trọng lớn chở gỗ tròn từ Tây Nguyên về cảng Tiên Sa, xe chở vật liệu cho các dự án thủy điện trong khu vực ngày càng tăng đã làm cho mặt đường nhanh hư hỏng.
 
Khu Quản lý Đường bộ 5 đã  bảo dưỡng sửa chữa những đoạn hư hỏng như thế nào, thưa ông?

Khu đã giao các đơn vị quản lý sửa chữa thường xuyên và đảm bảo giao thông. Tuy nhiên do công tác sửa chữa định kỳ đoạn tuyến chưa được giao thực hiện, trong lúc nguồn kinh phí sửa chữa đường bộ thì rất hạn hẹp nên hàng năm Khu chỉ cho sửa chữa thay thế một số tấm bê tông xi măng bị hư hỏng, hoặc cho vá sửa tạm thời bằng bê tông nhựa đối với các tấm gãy góc. Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Đường bộ VN đã cho triển khai dự án kiên cố hóa bước 2 thiệt hại do cơn bão số 9 năm 2009 gây ra. Dự án này có tổng kinh phí 263 tỷ đồng. Hiện tại kinh phí của dự án còn “dư” khoảng 10 tỷ đồng, Khu đã đề nghị được đầu tư sửa chữa mặt đường. Ngoài sửa chữa các đoạn bê tông nhựa, sẽ thay thế triệt để các tấm bê tông xi măng có nhiều vết nứt, vỡ. Tính đến thời điểm này, đã thay thế mới được 650/677 tấm bê tông xi măng hỏng. Cuối năm nay, sẽ thay xong toàn bộ.
 
Cảm ơn ông!
 
Theo Báo GTVT
Trần Trình Lãm
(Thực hiện)
Thống kê truy cập