Năm tháng kể từ ngày khởi công, Gói thầu XL1 Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa vẫn không ngớt tiếng máy móc tham gia thi công đồng loạt các hạng mục. "Mục tiêu chúng tôi đặt ra là về đích sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch (tháng 11/2025)", đại diện Tập đoàn Đèo Cả nói.
Cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh nằm trong dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Đảm nhận thi công hơn 31km đường tại dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động gần 150 nhân sự, hơn 70 thiết bị, triển khai 10 mũi thi công. Ngoài 3/6 cầu trên tuyến đang triển khai, nhà thầu cũng đang dồn lực tăng tốc thi công nền đường, nút giao, xử lý đất yếu. Đến nay, hạng mục đắp nền đường đạt hơn 34%, hạng mục bê tông nhựa sẽ được thực hiện từ tháng 6/2024.
Khởi công từ tháng 9/2023, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan cũng đang trong giai đoạn bứt tốc để về đích vào năm 2025.
Theo đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến giữa tháng 4/2024, địa phương mới bàn giao khoảng 2,5/11,5km đường cao tốc và 1/20km đường gom. Tuy nhiên, trên phạm vi mặt bằng có được, các nhà thầu đã rốt ráo triển khai 12 mũi thi công, sản lượng đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng.
Riêng dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận mới được khởi công đầu tháng 3/2024, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng và đôn đốc các nhà thầu hoàn tất chuẩn bị thi công.
Sau khoảng thời gian dài gặp khó về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT cùng hai địa phương (Thái Nguyên và Tuyên Quang), công tác chuẩn bị đầu tư dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn cũng đã hoàn tất.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, chủ trương đầu tư muốn được phê duyệt, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phải được chấp thuận. Việc này lại gồm nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cấp có thẩm quyền nên quá trình triển khai mất nhiều thời gian (thông thường mất từ 1-2 năm).
Ngay sau khi dự án được phê duyệt đầu tư (12/2023), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã khẩn trương trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu, triển khai lựa chọn các nhà thầu tư vấn và các công việc cần thiết. Với tiến độ hiện nay, mục tiêu đưa dự án về đích năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
Riêng đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, một trong 5 dự án thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc nối thông đường Hồ Chí Minh đang được hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh khi được nối thông không chỉ giúp giảm tải cho Quốc lộ 1 mà còn tạo tiền đề quan trọng với việc đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận ngày 6/3.
Ông Quý cho biết, quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt đã xác định một số đoạn tuyến của đường Hồ Chí Minh sẽ nằm trên đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Một số đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tại các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cũng nêu rõ, đường Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
"Việc tận dụng các đoạn tuyến đã được đầu tư ở giai đoạn thông tuyến 2 làn xe để đầu tư quy mô cao tốc sẽ tiết kiệm vốn, rút ngắn thời gian đầu tư do các đoạn tuyến đã được cắm mốc lộ giới", ông Quý lý giải, đồng thời cho biết, từ nay đến năm 2025, sẽ có 287km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn đường cao tốc đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông được hoàn thành.
Các đoạn tuyến gồm: Vinh - Bãi Vọt dài 20km; Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh) dài 36km, Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài 54km, Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình) dài 58km, Bùng - Cam Lộ (Quảng Bình) dài 119km.
Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai đầu tư một số đoạn tuyến cao như: Tuyên Quang - Phú Thọ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; Đang làm công tác chuẩn bị đầu tư một số đoạn khu vực Tây Nguyên như: Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Chơn Thành (Bình Phước) - Tân Vạn (TP.HCM)…
Theo ông Quý, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn lực từng thời kỳ, các đoạn còn lại của đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc sẽ được tổng hợp đưa vào kế hoạch đầu tư với lộ trình phù hợp.
"Việc xem xét đầu tư được Ban kiến nghị trên một số nguyên tắc chính như: Ưu tiên triển khai các đoạn nhu cầu vận tải lớn và đã dự kiến nguồn lực được phân bổ. Trong đó, ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến đi trùng vành đai của TP Hà Nội và TP.HCM; Các đoạn tuyến nằm trên các trục động lực, có tác động kết nối liên vùng, sức lan tỏa lớn", ông Quý thông tin.