Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 hiện đã cơ bản hoàn tất mọi thủ tục quyết toán, được xem như là điểm sáng để nhiều dự án khác tham khảo.
Tại giai đoạn 1, quá trình thực hiện quyết toán đã được Chính phủ chấp thuận tách ra thành 59 tổng dự toán thành phần. Sau khi được nghiệm thu, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan như: Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu để tiến hành hoàn thiện hồ sơ hoàn công và thực hiện công tác quyết toán.
Cho đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã lập xong báo cáo quyết toán phần xây lắp của 56 tổng dự toán với tổng giá trị 9.085 tỷ đồng. Đã kiểm toán xong 56 tổng dự toán và trình Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đề nghị phê duyệt quyết toán với tổng giá trị 9.057 tỷ đồng.
Hiện dự án đã được chấp thuận kết quả quyết toán 40 tổng dự toán với tổng giá trị 4.706 tỷ đồng.
Để giải đáp cho câu hỏi khi trong bối cảnh hiện nay có nhiều dự án hoàn thành nhưng chưa thực hiện quyết toán, dự án đường Hồ Chí Minh nổi lên như một ví dụ điển hình cho việc làm tốt công tác quyết toán, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Đây là dự án lớn của quốc gia có thời gian thực hiện tương đối dài, cho đến nay một số tài liệu nghiệm thu, chứng chỉ đã bị hư hỏng hoặc không còn đầy đủ, thậm chí, có nhiều chủ đầu tư có thay đổi về cơ cấu tổ chức (sáp nhập hoặc giải thể,...), vì thế công tác quyết toán gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đã chủ động lập nhiều đoàn kiểm tra xuống các địa phương để tìm hiểu và cùng với địa phương tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc. Những tồn tại nào vượt quá thẩm quyền xử lý đều được tổng hợp lại để báo cáo lên cơ quan cấp trên.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng cử cán bộ chuyên môn xuống từng địa bàn để trực tiếp làm cùng với địa phương. Đối với những nhà thầu, chủ đầu tư hiện nay đã thay đổi bằng một nhà thầu mới (các cán bộ mới chưa quen công việc nên phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu), Ban Quản lý cũng chủ động phân công mỗi phòng có một người đứng đầu chịu trách nhiệm để làm việc cụ thể với các đơn vị này, kể cả cử cán bộ xuống tận nơi làm giúp một phần công việc để đẩy nhanh quá trình quyết toán. Ngoài ra, sau mỗi cuộc họp giao ban, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đều có thông báo tới từng nhà thầu để đôn đốc công tác lập báo cáo quyết toán các hạng mục. Song song với việc gửi công văn yêu cầu rà soát báo cáo các dự án đã hoàn thành phải lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư, Ban Quản lý còn gửi ’thư tay" đến từng đơn vị để đẩy nhanh tiến độ quyết toán. Thậm chí, vào những "chiến dịch cao điểm", Ban Quản lý đã mời từng đơn vị lên để cùng làm việc hoặc xuống tận các đơn vị đó.
Theo ông Huấn, để đẩy nhanh công tác quyết toán rất cần sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt để kịp thời phát hiện ra những sai sót, vướng mắc kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết. Nhưng khi báo cáo phải giải trình thật cụ thể, có như thế, các cấp có thẩm quyền mới đưa ra được từng giải pháp cụ thể cho từng vướng mắc giúp cho công tác quyết toán được thuận lợi hơn. Và quan trọng hơn là các cán bộ phải nắm thật chắc nghiệp vụ để kịp thời giải trình với cơ quan quyết toán nhà nước.
Ông Huấn khẳng định, sự quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn kịp thời của Bộ Tài chính chính là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh công tác quyết toán tại Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.
Hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số vướng mắc nhỏ của 3 tổng dự toán trong số 59 tổng dự toán thành phần chưa được trình phê duyệt, những vướng mắc này đã được Ban Quản lý dự án báo cáo với các cấp có thẩm quyền và đã có hướng xử lý. Dự kiến trong quý II/2014, 3 tổng dự toán này sẽ hoàn thành và trình phê duyệt
Nguồn: Thời báo Tài Chính