Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu xử nghiêm các vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe - Ảnh minh họa
Cơ quan này yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe (đặc biệt các cơ sở đào tạo lái xe mô tô) thực hiện nghiêm quá trình dạy và học đảm bảo đầy đủ nội dung chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT.
Đặc biệt, chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu, biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển lái xe an toàn, chủ động xử lý kịp thời các tình huống có khả năng xảy ra tai nạn giao thông, nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm. Xử lý các vi phạm theo Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
"Sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về cấp, đổi GPLX thực hiện nghiêm việc tra cứu thông tin của người lái xe, dữ liệu GPLX vi phạm đã được ngành công an chia sẻ để kịp thời phát hiện các trường hợp GPLX bị tước quyền sử dụng nhưng giả khai báo mất xin cấp lại hoặc phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX không hợp lệ, GPLX giả", Tổng cục Đường bộ yêu cầu.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng cần cải tiến chương trình đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nâng cao khả năng nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường; Cải tiến chương trình sát hạch lái xe, đặc biệt là cần bổ sung hệ thống cấp GPLX tạm thời cho người được cấp bằng.
"Nhiều quốc gia cấp bằng theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 là cấp bằng tạm thời trong vòng 2 năm, sau đó là cấp bằng chính thức. Trong giai đoạn 1 nếu thiếu ý thức sẽ không tham gia giao thông an toàn nên cần giám sát chặt. Nếu vi phạm bị trừ điểm không đủ điều kiện sẽ không được cấp bằng lái. Quy định này sẽ đảm bảo những người tham gia giao thông là những người an toàn", ông Tuấn cho hay.