Bất ngờ vì thời tiết
Không như mọi năm, ngay từ đầu tháng 3 năm nay (vốn là tháng cao điểm của nắng cháy ở Tây Nguyên), những trận mưa “long trời lở đất” bất ngờ xuất hiện. Tiến độ các dự án dọc tuyến QL14 cũng vì thế bị đe dọa nghiêm trọng.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Kon Tum mưa tới 21 ngày, Gia Lai mưa 19 ngày, Đắk Lắk mưa đến 18 ngày. Tại Đắk Nông, thời tiết cũng chẳng khá hơn, số ngày mưa trong tháng cũng lên tới gần 20 ngày. Sang tháng 5, Gia Lai chỉ có được 3 ngày nắng trọn vẹn.
Ông Nguyễn Ngọc Báu, Giám đốc Điều hành dự án đường HCM đoạn Kon Tum - Gia Lai, ngao ngán kể về trận mưa “trái mùa” hồi đầu tháng 4: Chiều và đêm ngày 5/4 tại địa bàn Gia Lai - Kon Tum bất chợt một cơn mưa lớn ầm ầm đổ xuống, kéo dài suốt từ chiều đến 21h đêm. Sau cơn mưa, tại hai điểm Km12 và Km9 trên QL14, đoạn qua thị trấn Phú Hòa và xã Hòa Phú (huyện Chư Păh) bị ách tắc nghiêm trọng.
Đường lầy lội khiến hàng nghìn xe khách và xe tải phải chờ đơn vị thi công thông đường mới có thể tiếp tục hành trình. Đến 22h, Ban quản lý dự án đã chỉ đạo các gói thầu tập trung tối đa nhân lực khắc phục, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, đến 1h ngày 6/4, xe tải chở gỗ BKS 77C-020.33 lưu thông từ Kon Tum qua Gia Lai bị lầy quay ngang xe tại Km 511+400, khiến đoạn đường này bị tắc nghẽn 7 giờ đồng hồ, kéo dài hàng chục km. Đến 8h, ngày 6/4 mới kéo nổi xe ra khỏi hiện trường, giúp các phương tiện lưu thông.
Tranh thủ từng giờ
Giữa tháng 5 đoàn kiểm tra của Ban QLDA đường HCM chứng kiến một đêm mưa tầm tã tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), ai cũng ngao ngán. Tuy nhiên, bất ngờ là đầu giờ sáng hôm sau, trời đã lại nắng cháy da, cháy thịt. Mới 8h sáng, đường sá đã khô cong. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM gọi điện chỉ đạo cho tất cả các gói thầu tại Đắk Lắk có kế hoạch thảm bê tông nhựa tập trung lực lượng dồn sức thi công. “Theo kinh nghiệm nhiều năm bám sát công trình tại Tây Nguyên, sau mưa lớn như đêm qua, hôm nay dứt khoát sẽ nắng gắt cho đến chiều tối. Vì thế, các gói thầu cần phải rải nhựa sớm, đến trưa phải xong và chỉ cần 3 đến 5 giờ mặt đường nhựa nguội hẳn trời có mưa cũng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình” - ông Huấn nói.
Họp giao ban với các nhà thầu tại Đắk Lắk ông Nguyễn Văn Huấn chỉ đạo: Không thể cứ thấy mưa là cho công nhân nghỉ cả ngày. Khi cơn mưa ngớt, Ban chỉ đạo các dự án phải yêu cầu các đơn vị thi công đẩy mạnh công tác lu, lèn đỡ được công tưới nước cho nền đường. Công nhân tập trung vào các phần việc xử lý nền đường, móng cống thoát nước… Ngược lại thấy có khả năng trời nắng to phải tổ chức thảm nhựa sớm, xong trước buổi trưa. Vì Tây Nguyên đầu mùa mưa thường chỉ xảy ra mưa rào vào chiều tối.
Chia sẻ kinh nghiệm “vượt nắng, tránh mưa”, ông Nguyễn Ngọc Báu nhấn mạnh: Để đảm bảo tiến độ dự án hết tháng 6/2014 cơ bản hoàn thành toàn tuyến, các nhà thầu thi công phải tranh thủ tận dụng tối đa những ngày, những giờ thời tiết tốt. “Chỉ cần từ sáng đến 4h chiều trời nắng là ngay lập tức buổi trưa ngày hôm đó đã phải thảm bê tông nhựa xong.
“Rút kinh nghiệm từ sau trận mưa gây lầy lội, dẫn đến tắc đường đầu tháng 4, Ban điều hành dự án Kon Tum - Gia Lai đã chỉ đạo nhà thầu thi công các gói thầu ngay sau khi thi công xong nền đường phải lập tức rải đá cấp phối lu, lèn cho chắc. Có như vậy, khi mưa ập tới sẽ không xảy ra tình trạng lầy lội, trơn trượt” - ông Báu chia sẻ.
Văn Tư- Theo Trang điện tử Báo GTVT