Trên con đường mòn vĩ đại

22/12/2014

Đường Hồ Chí Minh hôm nay thênh thang rộng mở với tổng chiều dài 3.183km, đi qua 28 tỉnh, thành, từ địa đầu Pắc Bó, Cao Bằng tới Đất Mũi, Cà Mau, đã mang lại những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Đi trên con đường huyền thoại năm xưa, chúng ta không thể nào quên công trình kỳ vĩ ấy đã được tạo nên bởi biết bao mồ hôi, xương máu, sức sáng tạo và lòng quả cảm của những người mở đường, bằng lòng dân chở che, bảo vệ cùng với sự ủng hộ, sẻ chia của bạn bè quốc tế.

 

Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: "Đường không tự nhiên mà có, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Nhưng thực tế lại chỉ ra rằng, trước khi có những con đường, những lối mòn chạy trên mặt đất, đã có những con đường được hình thành từ trong ý tưởng, khát vọng của triệu triệu người dân Việt Nam. Chấp hành Nghị quyết số 15, tháng 1-1959 của Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ, Tổng Quân ủy Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức lực lượng mở đường Trường Sơn, nhằm chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sỹ, có nhiệm vụ soi đường, đảm bảo giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam và vận chuyển hàng quân sự, do đồng chí Võ Bẩm phụ trách. Ra đời tháng 5-1959, Đoàn mang phiên hiệu Đoàn 559.

Từ một nhóm nhỏ cán bộ soi đường, đến tiểu đoàn giao liên đầu tiên dẫn quân, đã hình thành một binh đoàn mang tên Binh đoàn Trường Sơn - Đoàn 559. Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn, đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, với đường bộ, đường sông, đường ống xăng dầu, dài gần 2 vạn ki-lô-mét. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường; hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc. Từ một cái nhìn khái quát, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định rằng: "Đường Trường Sơn đến mùa Xuân năm 1975 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu".

Năm 1961, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, vị Tư lệnh đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang, được Bộ Chính trị quyết định điều động sang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Và từ đầu năm 1965 đến cuối năm 1965, ông kiêm nhiệm chức vụ Chính ủy, Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh 559. Với cương vị này, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ có điều kiện huy động mọi lực lượng và tiềm năng của hai Bộ, mở rộng đường Trường Sơn để chuyển từ phương thức đi bộ và gùi thồ, sang sử dụng hệ thống xe cơ giới đi lại suốt tuyến vào cả hai mùa, nhằm đẩy mạnh việc chi viện cho cách mạng miền Nam, đối phó với chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Đường Trường Sơn trải rộng trên cả sườn Đông và sườn Tây của dãy Trường Sơn. Thật không quá lời khi nhà thơ Thép Mới nói rằng, ta đã mở đường "theo dấu voi đi". Đường của Đoàn 559 mở bắt đầu từ R bên đường 12, từ Đông Trường Sơn qua Tây Trường Sơn, vượt qua đèo Mụ Giạ tới Làng Khăng, kéo thẳng tới đường 9 vươn tới S9 Tây Nguyên, một nhánh tới bờ sông Sê Kông, dùng đường thủy nối với các trạm của B2 để tiếp tế vào các chiến trường Nam Bộ và cho cách mạng K (Cam-pu-chia); một nhánh từ Tà Sẻng tới sông Nam Kông hạ Lào giáp với Đông Cam-pu-chia, để tiếp tế cho cách mạng K và vào B2. Hệ thống đồn Công an nhân dân vũ trang đóng trên các trục đường này như Đồn Oóc Sách (nay là Đồn Biên phòng Làng Ho), Đồn Cha Lo, Đồn Cù Bai... luôn bám đường, đồng cam cộng khổ cùng các lực lượng bộ binh, công binh, pháo binh, hậu cần và các lực lượng giao liên, thanh niên xung phong, lái xe, văn nghệ sĩ trên đường ra tiền tuyến.

Đế quốc Mỹ đã ném xuống con đường này hơn 7,5 triệu quả bom phá, bom sát thương và hàng triệu quả mìn các loại. Ta đã san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 2 vạn quả bom nổ chậm và bom từ trường, hơn 85.000 mìn các loại; đào đắp đất đá gần 30 triệu mét khối; xây dựng được 16.000km đường ô tô, 3.082km đường ống xăng dầu, 10.000km đường dây thông tin; khôi phục và sửa chữa 83 cây cầu...

Từ ngày 24-7-1965 đến 9-3-1974, các lực lượng trên tuyến đã đánh 11 vạn trận; bắn rơi 2.458 máy bay Mỹ gồm 30 loại, trong đó có cả B52, bắt sống 10 giặc lái. Trong hàng ngàn chiến công nối tiếp chiến công ấy, còn in đậm dấu ấn và sự hy sinh của những người lính Công an nhân dân vũ trang trên cung đường của máu và lửa. Các cán bộ vận động quần chúng bám biên giới, bám bản, bám đường... giúp đỡ nhân dân sơ tán an toàn dưới làn bom của kẻ thù. Các anh cùng bà con lợp lại mái nhà, dựng lại lán trại, tiếp tục cấy cày, trồng trọt, ổn định cuộc sống. Những người lính trinh sát luồn sâu vào địa bàn địch, thu thập thông tin. Những chiến sĩ quân y lặn lội dưới tán lá rừng đang héo mòn vì chất độc hóa học để thu thập mẫu vật, khuyến cáo bà con tránh xa chất độc giết người.

Trong kí ức của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh đứng trên trạm gác tiền tiêu, bình tĩnh quan sát máy bay địch đang gầm rú trên bầu trời, hay những lần các anh đứng chắn trước bom nổ chậm, ra hiệu chỉ đường cho xe đi qua an toàn, là những hình ảnh lẫm liệt và đáng yêu biết mấy.

Đường Hồ Chí Minh đi vào huyền thoại không chỉ bởi những chiến công, những danh hiệu cao quý mà còn bởi con đường đã thể hiện sự đồng sức, đồng lòng gắn kết giữa mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng các dân tộc anh em. Tại địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cù Bai, Đồn Biên phòng Sen Bụt ngày nay vẫn còn những cung đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa. Những bản nhỏ của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều từng tham gia mở đường, hỗ trợ bộ đội gùi hàng, cung cấp thông tin về các cung đường an toàn, ngày đêm tăng gia sản xuất, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bộ đội Trường Sơn, vẫn lặng lẽ, yên bình nơi biên giới. Hiện nay, tại hai huyện Hướng Hóa và Đắkrông có trên 1.000 hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Và Làng Ho - cái tên đã quá quen thuộc với những người lính vượt tuyến vào Nam chiến đấu năm nào, giờ cũng đang rộn ràng chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới. Bà con người Rục nơi đây vẫn chưa quên câu chuyện vào tháng 8-1969, những người lính Công an nhân dân vũ trang Đồn Biên phòng Oóc Sách đã vượt truông, vượt rú để đưa đồng bào từ cuộc sống trong hang đá về hòa nhập với cộng đồng. Làng Ho được hình thành sát đường Hồ Chí Minh. Tháng 8-1969, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu dọc các trục đường 10, 16, 18, 24, 9,  Làng Ho trở thành địa điểm cấp phát súng, đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm cho bộ đội trước khi vào Nam.

Đã có biết bao tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ cho tuyến đường huyết mạch. Mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ mới mười tám, đôi mươi, mãi mãi nằm xuống nơi đây. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân làm nên con đường lịch sử, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước... Trong suốt quá trình chiến đấu trên tuyến, có 19.387 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, hơn 32.000 người bị thương. Bộ đội đường Hồ Chí Minh có 77 đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng và 44 chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Trong đó, các đồn, trạm Công an nhân dân vũ trang đóng dọc đường mòn Hồ Chí Minh như Cha Lo, Làng Ho, Cà Xèng, Oóc Sách, Cù Bai... đã tổ chức cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu để bảo vệ tuyến đường.

Trên con đường này, Nguyễn Viết Xuân đã tạo nên một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi bất chấp nguy hiểm, lao ra khỏi công sự, đứng bên Khẩu đội 3 hô lớn: "Nhằm thẳng quân thù, bắn". Bị bom Mỹ cắt gãy nát đùi bên phải, anh đã yêu cầu y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân cho đỡ vướng và tiếp tục tỉnh táo chỉ huy trận đánh, biểu dương kịp thời các chiến sĩ lập công. Sau trận chiến ác liệt, anh đã hy sinh. Năm 1967, Nguyễn Viết Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Bia di tích trận đánh lịch sử của anh cùng đồng đội giờ đây vẫn hiện hữu tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Cũng từ con đường này, một người con ưu tú của dân tộc Khùa trên biên giới Việt - Lào là Hồ Phòm đã gia nhập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ông có nhiệm vụ đột nhập vào các đồn của địch để nắm tình hình và quân số. Đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, thậm chí chấp nhận tự sát nếu bị phát hiện, để không bị lộ thân phận và bí mật quốc gia, Hồ Phòm đã thu thập được nhiều tin tức quan trọng, góp phần giúp bộ đội ta đánh tan Đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te năm 1961, mở ra tuyến đường cho xe qua lại nước Lào. Năm 1970, ông vinh dự được phong tặng  danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Ngày 7-4-1972, bộ đội ta đã giành thắng lợi trong chiến dịch Nguyễn Huệ và giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh. Chiến thắng này tạo điều kiện cho Lộc Ninh trở thành một trong những trung tâm chính trị, quân sự quan trọng của cách mạng miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử từ năm 1972-1975, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là một thủ đô kiên cường trên biên giới. Nơi đây cũng là đoạn cuối của đường mòn Hồ Chí Minh, là nơi nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, nên Lộc Ninh được đặt làm căn cứ Sở chỉ huy của Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các mặt. Năm 1973, hệ thống đường Trường Sơn bao gồm một con đường rải đá sỏi rộng hai làn xe, chạy từ các cửa khẩu ở Bắc Trung Bộ tới dãy Chư Pông ở miền Nam. Năm sau, đã có 4 làn hoàn chỉnh từ Tây Nguyên đến tận tỉnh Tây Ninh ở phía Tây Bắc Sài Gòn, hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường.

Từ con đường mòn trong chiến tranh, con đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa dài hơn, rộng hơn và hiện đại gấp nhiều lần đang được các thế hệ lớn lên sau chiến tranh dựng xây, sẽ là một kỳ tích mới trong hòa bình. Trên con đường ấy, những đồn, trạm Biên phòng hôm nay đang ngày một khang trang, chính quy, hiện đại và vững vàng như những vì sao bừng sáng, lung linh trên suốt dọc tuyến biên giới phía Tây Tổ quốc.
 
Phạm Vân Anh
Thống kê truy cập