Đề xuất thu phí không dừng cho toàn bộ các trạm thu phí
Theo báo cáo của BIDV, đơn vị này hiện đang tài trợ cho 11 dự án BOT mở rộng QL1 và QL14 với tổng số tiền cam kết là 16.700 tỷ đồng. Đến nay, số tiền giải ngân đã được hơn 4.000 tỷ đồng (đạt khoảng 26%). BIDV đang nỗ lực cùng các nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để đến cuối năm có thể giải ngân khoảng trên 60%.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV đã bày tỏ lo ngại về hiện tượng bán thầu xảy ra trong thời gian qua tại gói thầu số 9 trên tuyến QL14 và việc tồn tại một số nhà thầu không đủ năng lực thi công. Sau khi có hiện tượng bán thầu xảy ra tại một dự án trên tuyến QL14, BIDV đã rà soát và đánh giá tổng thể các dự án do BIDV cấp vốn, nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nào. Để đảm bảo chất lượng công trình, chi phí và thời gian thi công, BIDV cũng đề nghị Bộ GTVT xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo BIDV cũng lo ngại về tiến độ góp vốn tự có chậm so với kế hoạch của một số nhà đầu tư bởi nếu khả năng huy động vốn không bảo đảm sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Để giúp BIDV quản lý tốt dòng tiền cho vay, đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án và tạo thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông, ông Trần Bắc Hà cũng kiến nghị với Bộ GTVT giao cho BIDV làm đầu mối triển khai giải pháp thu phí không dừng cho toàn bộ các trạm thu phí trên tuyến QL1, QL14.
Bộ GTVT không lệ thuộc vào bất kỳ nhà đầu tư nào
Buổi làm việc “nóng” lên khi ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cho biết, hiện đang có nguy cơ các nhà đầu tư trong những năm đầu không trả được lãi. Khi đó sẽ phát sinh lãi lũy kế dẫn đến không trả được gốc trong những năm tiếp theo. BIDV đồng ý những năm đầu không phải trả gốc, chỉ phải trả lãi, kể cả việc cho phép lãi nhập gốc rồi nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn kêu khó.
“Nguyên nhân của tình trạng này do vay vốn và tổng mức đầu tư quá lớn. Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu cho tổng mức đầu tư thấp xuống, ít nhất phải trả được lãi cho ngân hàng những năm đầu còn việc tăng phí sẽ rất khó” – ông Tú kiến nghị.
Theo BIDV, trong phương án tài chính dự án, phần thiếu hụt này nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án phải thu xếp một khoản vay ngắn hạn để thanh toán. Vì thế, trong trường hợp không thu xếp được, BIDV sẽ xem xét cung cấp một khoản vay ngắn hạn cho các dự án vì thực tế trong phương án tài chính của các dự án, phần thiếu hụt này cũng đã được tính lãi suất bằng lãi vay ngân hàng.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco – nhà đầu tư dự án mở rộng QL1 qua Quảng Bình cho biết, thời gian qua việc cung cấp tín dụng của BIDV rất tốt, không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, theo phương án tài chính hiện nay thì nhà đầu tư thu phí trong 4 năm đầu thu phí không đủ trả lãi. Việc này sẽ làm mất cân đối tài chính và sẽ trở thành nợ quá hạn.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, mấu chốt là nhà đầu tư không có tiền, tay không bắt giặc nên mới mất cân đối. Phương án tài chính là do nhà đầu tư tự xây dựng, tự tính, Bộ có ép đâu.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tới đây rà soát lại toàn bộ các dự án, trong đó rà soát cả hồ sơ pháp lý, hợp đồng BOT và các phương án tài chính của các nhà đầu tư. Thu phí không đủ trả lãi chứng tỏ phương án tài chính có vấn đề. “Bộ GTVT không lệ thuộc vào bất kỳ nhà đầu tư, nhà thầu nào. Đơn vị nào không có tiền, năng lực kém phải thay ngay” – Bộ trưởng chỉ đạo.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, QL1 và QL14 là các dự án đặc biệt quan trọng, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ có nghị quyết riêng. Lần đầu tiên có dự án có tới 3 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Đến 30/6/2014 sẽ cơ bản xong GPMB. Vấn đề hiện nay chỉ là đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình. Về vấn đề bán thầu, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị vào cuộc điều tra để xử lý nghiêm. Đối với đề xuất thu phí không dừng của BIDV, Bộ trưởng đồng tình cao và yêu cầu phải tính toán đưa khoa học, công nghệ hiện đại vào thu phí, giảm bớt thời gian phải dừng cho các phương tiện lưu thông.
Đức Thắng – Tiến Mạnh
Theo Báo GTVT