Đường Hồ Chí Minh đang “gánh” trách nhiệm là huyết mạch giao thông chính, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện tuyến đã quá tải.
Sáng 20/11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".
Tại đây, đại diện các tỉnh Tây Nguyên đều đánh giá cao tầm quan trọng của các tuyến quốc lộ nối Tây Nguyên và các vùng lân cận, nhưng cũng đang bộc lộ một số hạn chế, và mong muốn Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tự xây dựng các tuyến cao tốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chủ trì Hội nghị
Những hạn chế từ mạng lưới giao thông
Ngoài Đắk Nông, các tỉnh còn lại, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng đều nằm trong top 10 tỉnh, thành có diện tích lớn nhất cả nước. Đây là lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhưng lại là trở ngại không nhỏ về giao thương khi hạ tầng chưa phát triển tốt.
Hiện nay, phương thức vận tải chính ở Tây Nguyên là đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, đại diện các tỉnh tham gia Hội nghị đều thừa nhận, Tây Nguyên có đặc thù là không có giao thông đường biển cũng như đường sắt; trong khi đường hàng không chưa phải là chủ lực. Vì vậy, giao thông đường bộ vẫn chiếm chủ đạo ở vùng này.
Tây Nguyên có đường bộ với tổng chiều dài trên 35.600 km; trên 3.000 km đường quốc lộ gồm hai trục dọc quan trọng là đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có các tuyến quốc lộ ngang qua với tổng chiều dài khoảng 32.220 km.
Hiện tại đường Hồ Chí Minh đang “gánh” trách nhiệm là huyết mạch giao thông chính, kết nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên tuyến đường này đã bị quá tải và chưa có tuyến đường nào mới để bổ sung.
Ngoài ra, kết nối giữa Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung hiện nay vẫn dựa vào các tuyến quốc lộ đã có từ lâu. Dù được nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nhưng các tuyến đường này vẫn là thách thức với nhiều tài xế xe khách, xe tải bởi có nhiều đèo dài, hiểm trở nên thời gian di chuyển lâu.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở núi, tai nạn giao thông vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều điểm đen trên các cung đường đèo này. Việc tắc nghẽn giao thông khi xảy ra sạt lở núi hoặc tai nạn giao thông đã tiêu tốn khá nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa.
Hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển chính là một trong những nguyên nhân khiến Vùng Tây Nguyên chưa có được sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua.
Chỉ ra thực tế tỉnh Đắk Lắk còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; phát triển còn thiếu tính ổn định và bền vững; thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoàiN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của tỉnh thấp, kết cấu hạ tầng nội vùng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông liên kết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nguyên nhân khiến vùng Tây Nguyên phát triển chưa xứng với tiềm năng có một phần do mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phát cho phát triển. Thực tế, hệ thống giao thông đường bộ hiện nay ở Tây Nguyên đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn.
Những giải pháp phát triển mạng lưới giao thông Tây Nguyên
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận, như Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ..., không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt, chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.
Giai đoạn vừa qua, mặc dù được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, với khoảng 95.655 tỷ đồng, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cao hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn báo cáo giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Nguyên
Cụ thể, các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay… Do vậy, chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác đặc điểm, tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, trong Chương trình hành động của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 9 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đó là các tuyến đường như Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Cùng với đó, là mở rộng, nâng cấp sân bay Liên Khương lên cấp 4E, mở rộng và nâng cấp sân bay Pleiku lên cấp 4C, mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột…
Theo đó, giao đoạn 2021-2025, dự kiến đầu tư triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng, như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương…, với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030, sẽ bố trí tối thiểu hơn 89.000 tỷ đồng để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng, như cao tốc Bắc - Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...
“Bộ GTVT xác định vùng Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp, địa hình chia cắt, xa các trung tâm kinh tế lớn, nguồn lực đầu tư chưa được quan tâm đúng mức…, nên cần thiết phải triển khai các tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch và kế hoạch đề ra nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển sân bay”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Để hiện thực hóa kế hoạch này đầu tiên, phải đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.
“Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, phải huy động, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là các tuyến cao tốc trong quy hoạch.
Ngoài ra, cũng cần khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác. Các dự án đường bộ cao tốc do có tổng mức đầu tư lớn khó hấp dẫn để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, do vậy cần ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án này”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.