Bảo đảm tiến độ, chất lượng đoạn La Sơn - Túy Loan

26/9/2017

Nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đúng quy định, bảo đảm tiến độ, an toàn lao động và chất lượng. Đó là những nội dung mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên yêu cầu các địa phương, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc trong đợt giám sát của Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế tại Thừa Thiên - Huế vừa qua.

Hạn chế về nguồn kinh phí

 Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch theo chiều dọc phía Đông của đất nước. Việc lưu thông trên tuyến bị hạn chế tốc độ khi đi qua các đô thị, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian thực hiện hành trình và thường xuyên có nguy cơ xảy ra ách tắc, ngập lụt khi mưa bão và mất an toàn giao thông. Do vậy việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam là một trong những công trình mang tính chiến lược của ngành giao thông - vận tải nhằm kết nối các phương tiện vận tải đường bộ nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật

Chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh đang được thực hiện theo Nghị quyết số 66/2013 của QH (Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11). Đường Hồ Chí Minh đi qua 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183km (tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km), trong đó đoạn Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan đi trùng dự án đường cao tốc Bắc Nam. Báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, do khó khăn về nguồn vốn nên mới đầu tư đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (TP Đà Nẵng) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Còn lại đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) cần được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư sớm để nối thông toàn tuyến phát huy hiệu quả của dự án.

Đồng tình với nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: “Hiện nay cùng với tốc độ phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, lưu lượng phương tiện giao thông trên trục Quốc lộ 1 đang tăng nhanh hơn so với dự báo. Do vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là cần thiết, trong đó có đoạn La Sơn - Túy Loan đi qua huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) và nối liền với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đã hoàn thành) là phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối liên hoàn các tỉnh miền Trung và cả nước trong thời gian sớm nhất có thể”.


Đoàn công tác giám sát hồ sơ thiết kế, thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật thông tin, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Túy Loan dài 77,06km. “Thực hiện Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 11.10.2016 của QH về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã triển khai phân kỳ dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe; giai đoạn 2 hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Đường cao tốc này đã được Chính phủ đã chấp thuận đầu tư là hơn 20.773.271 triệu đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định 2914 ngày 20.12.2011. Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí đang hạn chế nên Bộ sẽ xem xét và đề nghị với Chính phủ để trình QH phê duyệt”, ông Nguyễn Nhật cho biết.

Cần đẩy nhanh tiến độ dự án

Trưởng ban điều hành dự án La Sơn -  Túy Loan Phạm Quang Nghiêm cho biết, đến thời điểm này tiến độ thi công cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đạt 50%. “Riêng đoạn La Sơn - Hòa Liên đã được Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng cơ bản bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 (66km) và cơ bản làm xong nền đường, hoàn thành 236/236 cống, 53/59 cầu. Giai đoạn 2 còn đang vướng đoạn qua rừng Bạch Mã 9,5km, đoạn Hòa Liên - Túy Loan (11,5km) đang chờ địa phương bàn giao mặt bằng để triển khai. Do đây là vị trí phức tạp về công tác giải phóng mặt bằng bởi qua rừng Quốc gia Bạch Mã phải xin ý kiến của Chính phủ, đoạn Hòa Liên - Túy Loan có nhiều mồ mả, tái định cư cho người dân, công trình công cộng như cáp quang, đường thoát nước, đường điện từ 110 - 500KV, nên địa phương và các doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh phí di dời, rất cần có chính sách đặc thù để tháo gỡ”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Trưởng đoàn công tác, cho rằng, sau khi hoàn thành công trình này và QH cho phép đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn thì dự án không chỉ phá thế “ngõ cụt” của huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tạo cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế rừng, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, mà còn trở thành con đường giao thông huyết mạch trọng điểm của quốc gia, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. “Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp ở địa phương phải sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho đơn vị thi công. Còn về phía các đơn vị thi công, nhà thầu phải bảo đảm triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra, an toàn trong lao động và chất lượng công trình. Trong quá trình triển khai vướng mắc ở đâu thì báo cáo với Bộ Giao thông - Vận Tải, với Thủ tướng Chính phủ để trình QH xem xét”, Phó Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Kiên nêu rõ.

Về việc bàn giao mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cam kết: “Với mong muốn sớm có con đường cao tốc đi qua, nên chính quyền địa phương sẽ làm việc với người dân và các đơn vị chủ rừng để sớm đền bù, giải tỏa và bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất để các đơn vị nhà thầu thi công dự án theo đúng tiến độ đề ra”.

 

 

http://daibieunhandan.vn
Thống kê truy cập