Đánh giá Đà Nẵng là "điểm sáng" về phát triển hạ tầng giao thông, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đề nghị thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của địa phương là trung tâm miền Trung và cả khu vực.
Tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và lãnh đạo TP Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn báo cáo: Từ năm 2011-2015, Sở GTVT TP.Đà Nẵng được giao triển khai gần 110 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.400 tỷ đồng (88 dự án ngân sách, 5 dự án ODA và 15 dự án BT). Đến nay đã hoàn thành, khai thác gần 90 dự án. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.100km đường và 42 cầu. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức vận tải, đào tạo sát hạch lái xe, trật tự ATGT... có sự chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2011-2015, doanh thu vận tải đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 22%. TNGT giảm dần trên cả ba tiêu chí.
Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm là một trong ba đột phá về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và khẳng định bên cạnh vốn đầu tư ngân sách, Thành phố sẽ chủ động tìm kiếm nguồn lực phát triển giao thông.
Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định Đà Nẵng luôn chủ động tìm kiếm nguồn lực phát triển giao thông
Ghi nhận kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng, một địa phương là "điểm sáng" về phát triển hạ tầng giao thông, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đề nghị thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò, vị thế là trung tâm miền Trung và cả khu vực. "Đà Nẵng rất phát triển nhưng ảnh hưởng của thành phố đến các khu vực xung quanh cần phải được phát huy hơn nữa. Vì là trung tâm của khu vực, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông tốt sẽ giúp Đà Nẵng có sức lan tỏa hơn", Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đề nghị Đà Nẵng chú trọng rà soát và làm tốt công tác quy hoạch giao thông. Giao thông Đà Nẵng hội đủ các loại hình nên quy hoạch cần đảm bảo tính kết nối, hiệu quả.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay: Giai đoạn tới, Đà Nẵng tiếp tục định hướng phát triển mạnh các loại hình vận tải công cộng, dịch vụ cảng biển. Từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm, cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương bằng các giải pháp: xúc tiến đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics Đà Nẵng theo chuẩn quốc tế, xây dựng Cảng Liên chiểu (giai đoạn 1), dự án hành lang kinh tế Đông Tây 2...
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Đà Nẵng rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng cục, cục vụ chức năng Bộ GTVT trực tiếp giải đáp các kiến nghị, đề xuất về quy trình triển khai, chủ trương, trình tự thủ tục, nguồn vốn liên quan 14 dự án trên địa bàn, như: phương án thanh toán vốn dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế; Dự án mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng; mở rộng cảng Tiên Sa (giai đoạn 2); di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố; mở rộng tuyến QL14B theo hình thức BOT; mở rộng hầm đường bộ Hải Vân...
Ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CPĐT phát triển đường cao tốc Việt Nam... đã kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án đường HCM đoạn La Sơn-Túy Loan, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cảng Đà Nẵng được xây dựng như là cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cả khu vực.
Lắng nghe các đề xuất của Đà Nẵng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định Bộ GTVT đồng tình với các ý kiến của địa phương nhưng thành phố cần chia sẻ áp lực, khó khăn về nguồn vốn trung hạn, vốn đối ứng cho ngành. Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Đà Nẵng chủ động thu hút nguồn lực xã hội hóa cho phát triển hạ tầng giao thông.
"Điển hình như dự án sân bay quốc tế Đà Nẵng được xã hội hóa đầu tư, xây dựng. Bộ đang cho đánh giá lại mô hình này để có thể áp dụng tại các địa phương khác", Bộ trưởng nói.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT và TP.Đà Nẵng đã trao đổi về các dự án di dời ga Đà Nẵng theo hướng tính đến quy hoạch đường sắt đô thị, cảng Liên Chiểu tránh xung đột giữa vận tải hàng hóa và du lịch ở cảng Tiên Sa...