Cần cơ chế kéo nhà đầu tư PPP cao tốc Bắc-Nam thoát khỏi “cửa tử”
Tạp chí GTVT - Nếu cơ quan chức năng không kích hoạt một cơ chế, chính sách đặc thù, nhà đầu tư của các dự án sẽ rơi vào “cửa tử”.
Hợp đồng 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là các hợp đồng trọn gói, nhà đầu tư sẽ làm theo cơ chế lời ăn lỗ chịu. Tuy nhiên, những ảnh hưởng bất thường không thể lường trước của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine khiến giá các loại nguyên, vật liệu tăng phi mã, đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cao tốc lâm cảnh lỗ nặng. Nếu cơ quan chức năng không có cơ chế, chính sách đặc thù, nhà đầu tư của các dự án này sẽ rơi vào “cửa tử”.
Cấp thiết kích hoạt điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng
Khác với hợp đồng của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách (đầu tư tư công) được điều chỉnh giá theo hệ số khi có biến động thì hợp đồng của 3 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) lại chốt cứng từ đầu theo đơn giá cố định. Ngay thời điểm Bộ GTVT (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và nhà đầu tư ký kết, trong hợp đồng chỉ quy định về trượt giá và chỉ số trượt giá cũng được tính toán ngay trong tổng mức đầu tư của mỗi dự án.
Trong khi đó, giá cả vật liệu xây dựng thời gian qua tăng đột biến, chỉ tính riêng biến động của một số loại vật liệu chính đã tăng khoảng 20 - 30%. Nếu cơ quan có thẩm quyền không kích hoạt điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng để tháo gỡ, thì nhà đầu tư của 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo… chắc chắn sẽ không thoát khỏi cửa tử.
Chia sẻ với PV Tạp chí GTVT, ông Lê Đức Thọ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 (đại diện liên danh nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt) cho biết, hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức đầu tư công như: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn,… đều có quy định rõ ràng về điều khoản điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, trong hợp đồng của 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo không có quy định về điều khoản này. Thay vào đó là quy định về điều khoản trượt giá trong chi phí dự phòng. Thế nhưng, chỉ số chỉ số trượt giá được tính rất thấp, chỉ khoảng 3,05% và cũng bị “khóa cứng” trong tổng mức đầu tư.
Ông Thọ dẫn chứng, thời điểm đấu thấu dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đầu năm 2020, giá nhiên liệu chỉ hơn 11.000 đồng/lít nhưng thời điểm vừa qua có lúc lên tới hơn 30.000 đồng/lít, tăng khoảng gấp 3 lần. Những đợt điều chỉnh giá xăng vừa rồi cũng đã giảm, nhưng vẫn gấp khoảng 2 lần so với thời điểm đấu thầu.
Theo ông Thọ, tình trạng bão giá vật liệu xây dựng vừa qua đều xuất phát từ các yếu tố bất khả kháng như đại dịch Covid-19, chiến sự giữa Nga và Ukaraine. “Trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án PPP Diễn Châu - Bãi Vọt có xác định các vấn đề được coi là bất khả kháng như: Dịch bệnh, các chính sách của Nhà nước thay đổi,… Vì vậy, các điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng cần được kích hoạt nhằm điều chỉnh hợp đồng để giảm bớt thiệt hại cho nhà đầu tư”, ông Thọ đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Tỷ lệ trượt giá nguyên vật liệu ở mức 20-30% so với thời điểm đấu thầu. Do đó, việc kích hoạt điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là rất cấp thiết, bởi nguyên nhân của tình trạng bão giá hiện nay đều xuất phát từ những yếu tố bất khả kháng, không thể lường trước như đại dịch Covid-19, chiến sự ở châu Âu”.
Theo ông Thắng, hiện nay, các nhà đầu tư trên cao tốc Bắc - Nam đều phải sử dụng rất nhiều nguồn lực, kể cả huy động từ các lĩnh vực khác nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng theo hợp đồng của các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp tình thế, về lâu dài nhà đầu tư hay nhà thầu không thể trụ vững nếu cơ quan có thẩm quyền không sớm ban hành các cơ chế để tháo gỡ.
Chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng để xe xét điều chỉnh
Đại diện cơ quan bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nói với Tạp chí GTVT: “Đối với những hợp đồng PPP áp dụng đơn giá cố định, cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, bởi bão giá vật liệu là do các các yếu tố khách quan”.
Theo ông Chủng, giá các loại vật tư, vật liệu chính trong thi công đường cao tốc Bắc - Nam hiện tăng khoảng 20 - 30% so với thời điểm đấu thầu các dự án vào đầu năm 2020. “Dịch bệnh Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine,… đã khiến giá cả xăng dầu, vật tư, vật liệu, nhân công, chi phí tăng vọt. Đây là những vấn đề không ai có thể dự báo trước, rõ ràng là các yếu tố bất khả kháng nên các cơ quan có liên quan cần khẩn trương kích hoạt một cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu đang thi công tại cao tốc Bắc - Nam”, ông Chủng nói.
PGS.TS.Trần Chủng cho biết thêm, VARSI đã có văn bản báo cáo và đang chờ ý kiến chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp xử lý cho các nhà đầu tư, nhà thầu đang tham gia đầu tư, thi công cao tốc Bắc - Nam. “Trường hợp cơ quan chức năng không thể điều chỉnh được tất cả các loại vật tư, vật liệu thì ít nhất cũng phải giải quyết điều chỉnh cho các nhà đầu tư, nhà thầu những loại vật tư, vật liệu chính để làm đường”, ông Chủng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, hợp đồng đã ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là những hợp đồng theo đơn giá cố định, chỉ số trượt giá đã được tính toán trong tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 3,05%.
“Đây là các hợp đồng trọn gói, nhà đầu tư làm theo cơ chế lời ăn lỗ chịu. Mỗi dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sẽ thi công trong khoảng 3 năm. Vừa rồi, giá cả vật liệu tăng cao thì nhà đầu tư, nhà thầu chịu thiệt nhưng trong năm 2 năm tới, nếu giá vật liệu xuống thấp thì nhà đầu tư lại hưởng lợi”.
“Chúng tôi rất thấu hiểu khó khăn của các nhà đầu tư, nhà thầu phải đối mặt trong thời gian qua do bão giá vật liệu nhưng hợp đồng của các dự án đã cố định từ đầu, để xem xét điều chỉnh thì phải chờ hướng dẫn chỉ đạo của các cơ quan chức năng”, vị này chia sẻ.
- Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Dự án do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - TCT Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 làm nhà đầu tư.
- Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư.
- Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km, tổng vốn đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn đầu tư của Nhà nước khoảng 5.139 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư (Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194).