Thần tốc thông tuyến cao tốc nối hai đầu đất nước
Dự án cao tốc Bắc - Nam đang ở thời điểm quan trọng khi 11 dự án thành phần giai đoạn I đã đi được quá nửa hành trình.
12 dự án tiếp theo lần lượt được phê duyệt, hiện thực hóa khát vọng về công trình cao tốc xuyên dọc đất nước đầu tiên sau gần 50 năm thống nhất.
Đầu xuân Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác xuyên Việt kiểm tra các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam. Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (Trong ảnh: Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây)
361km nối tiếp niềm vui
Hơn 3 tháng kể từ ngày cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, dự án thành phần đầu tiên tuyến cao tốc Bắc - Nam thông xe, anh Nguyễn Văn Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã không còn e ngại tình trạng ùn tắc mỗi khi đưa vợ con về thăm quê hương Nghệ An.
Theo anh Hưng, trước đây, đoạn từ cầu Cao Bồ đến TP Ninh Bình chỉ có hai làn xe, lòng đường hẹp, ô tô đi chung với xe máy rất dễ va chạm. Nút giao từ đường dẫn nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ra QL1 cũng là “điểm đen” về ùn tắc giao thông.
Việc thông xe dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã giúp phương tiện tránh được nút giao này, lưu thông nhanh hơn.
“Nếu trước đó, thời gian di chuyển quãng đường Hà Nội - Nghệ An mất khoảng 5,5 tiếng, dịp lễ Tết có thể đến 7 - 8 tiếng thì hiện, thời gian di chuyển ngày thường tiết kiệm được khoảng 30 phút, dịp lễ rút ngắn tới 1 tiếng”, anh Hưng nói.
Trên cung đường đưa PV vào khu vực thi công dự án thành phần Mai Sơn - QL45, anh Phạm Ngọc Chung, tài xế taxi tại TP Tam Điệp cũng phấn khởi thổ lộ: “Từ ngày dự án Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào sử dụng, vận tốc lưu thông được cải thiện từ 60km/h lên 80km/h, thời gian chở khách lên Hà Nội chỉ còn 1 tiếng so với 1,5 tiếng như trước đây”.
“Tới đây, dự án Mai Sơn - QL45 hoàn thành, thời gian đi lại giữa Thanh Hóa - Hà Nội sẽ được rút ngắn chỉ còn 1,5 tiếng so với 2,5 tiếng như hiện tại”, anh Chung tâm sự.
Nối tiếp niềm vui của người dân, trong năm 2022, 4 dự án thành phần tiếp theo của tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ về đích gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, sản lượng thi công dự án đạt hơn 67% giá trị hợp đồng. Dự kiến tháng 9/2022, 41,27/63,37km của dự án sẽ hoàn thành, toàn bộ tuyến hoàn thành trong năm 2022.
Đối với 3 dự án còn lại, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, Bộ GTVT đang đốc thúc nhà thầu đảm bảo nguồn lực, tổ chức mũi thi công theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Trong đó, dự án Cam Lộ - La Sơn phải đảm bảo 6 gói thầu hoàn thành trước ngày 30/6; ba gói thầu hoàn thành trước ngày 30/8 và 2 gói thầu hoàn thành trước ngày 30/9/2022.
“Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết phải đáp ứng lộ trình: Đến ngày 30/6/2022 đạt sản lượng 50,8% giá trị hợp đồng, hoàn thành lớp bê tông nhựa cuối cùng và hệ thống đường gom dân sinh, công trình ATGT vào cuối tháng 12/2022”, ông Thái thông tin.
Gấp rút triển khai giai đoạn 2
Qua gần hai năm triển khai, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã chuẩn bị cán đích (Trong ảnh: Dự án Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Bước sang tháng thứ 5 kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn năm 2021 - 2025, nhiều căn phòng tại trụ sở Bộ GTVT vẫn không thôi sáng đèn đến tối muộn.
Những cuộc họp kiểm điểm, đốc thúc tiến độ triển khai chuẩn bị đầu tư dự án giai đoạn II cũng được tổ chức đều đặn hàng tuần.
Một lãnh đạo Phòng Dự án đầu tư 2, Cục QLXD&CLCTGT nói: “Từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, thời gian để Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc GPMB cho địa phương chỉ khoảng 5 tháng; thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án chỉ khoảng 10 tháng. Công tác GPMB dự kiến hoàn tất trong 1,5 năm”.
Công tác bàn giao hồ sơ cọc GPMB thực hiện theo giai đoạn, chỉ 2 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA bàn giao dần hồ sơ cắm cọc. Công tác này cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Trong khi đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được triển khai thực hiện theo thủ tục, trình tự pháp luật thông thường nên thời gian từ lúc chuẩn bị đầu tư, GPMB đến khởi công dự án mất từ 2 - 3 năm.
Trước yêu cầu gấp rút về tiến độ, các Bộ, ngành, địa phương cũng dốc sức vào cuộc. Đến nay, công tác khảo sát (mỏ vật liệu, địa hình, bãi đổ thải) đã cơ bản hoàn thành, rút ngắn 1/2 thời gian so với dự án có quy mô tương tự (thường là 3 tháng).
“Các thủ tục từ khảo sát đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB… thời gian từ khi bắt đầu triển khai đến khi trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chỉ khoảng 5 tháng.
Trong khi ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, thời gian mất khoảng 11 - 12 tháng”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT nói và tin tưởng, với tiến độ hiện nay, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II hoàn toàn có thể khởi công được trong năm 2022.
Theo PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, dù mất tiền nhưng vẫn là đường cụt khi chỉ được đầu tư đến Chi Lăng, cách Lạng Sơn 30km, cách Hữu Nghị Quan 47km, lưu lượng phương tiện vô cùng thưa vắng.
Ngược lại, với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thời gian đầu khai thác rất ít phương tiện nhưng khi tiếp tục được kết nối xuống Hạ Long, Vân Đồn, xe cộ đã trở nên tấp nập hơn. Do vậy, việc nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ rất quan trọng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành thì nhận định, đầu tư đường cao tốc không đơn thuần chỉ là bài toán hạ tầng, chi phí mà còn là tác dụng lan tỏa. Thông qua đầu tư cao tốc, sẽ tạo “chất xúc tác” cho giai đoạn phục hồi kinh tế đất nước hậu Covid-19.
“Theo tính toán của Tổng Cục thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Đầu tư vốn ngân sách đối với công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam sẽ ra giá trị lớn đối với nền kinh tế”, TS. Thành chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đến năm 2025, những đoàn xe vận tải có thể chạy dọc Bắc - Nam bằng cao tốc.
“Thông thường một xe hai lái chạy liên tục một chuyến hàng nông, thủy sản từ miền Nam ra Bắc phải mất từ 3 - 4 ngày, chưa kể thời gian ách tắc. Khi có đường cao tốc, thời gian sẽ được rút ngắn chỉ còn 2 - 3 ngày”, ông Thanh nói.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần (8 dự án đầu tư công, 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư). Tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km). Tổng chiều dài khoảng 729km được chia thành 12 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng.