ĐẠI BIỂN QUỐC HỘI TẠ THỊ YÊN: MỤC TIÊU THÔNG TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TỪ CAO BẰNG ĐẾN CÀ MAU VÀO 2020 VẤN KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN

22/8/2022

ĐBQH TẠ THỊ YÊN: MỤC TIÊU THÔNG TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TỪ CAO BẰNG ĐẾN CÀ MAU VÀO 2020 VẤN KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN

24/05/2022 20:17

Chiều 24/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tỉnh Điện Biên thuộc Tổ thảo luận số 4 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ, An Giang.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 4 

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ, Dự án đường Hồ Chí Minh lần đầu được Quốc hội khóa XI thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004 bằng Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11. Năm 2013, sau khi kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Dự án và theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 66/2013/QH13 về kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2020 thông xe toàn tuyến. Như vậy, trải dài suốt 5 khóa Quốc hội, mặc dù đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tuy nhiên, mục tiêu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe vào năm 2020 đã không thực hiện được, vẫn còn tới 06 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai.

Đại biểu cho rằng, nếu tuyến đường sớm thông suốt như thiết kế ban đầu vào thời hạn đã định, chắc chắn sẽ phát huy được tối đa hiệu quả như các nghị quyết của Quốc hội đã nêu về tuyến đường chiến lược huyết mạch xuyên Việt phía Tây. Do đó, đại biểu cho rằng cần phân tích làm rõ, sự chậm trễ trong việc thực hiện Dự án đã làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả, ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước cũng như các địa phương, vùng miền mà dự án đi qua.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Đối với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án giai đoạn tiếp theo, đại biểu băn khoăn: Tại sao trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ chỉ đề xuất bố trí vốn cho 03 đoạn tuyến với tổng chiều dài 108 km? Vậy đoạn đường 171 km còn lại, gồm: Đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng Sông Cửu Long, đây là những vùng mà lẽ ra phải ưu tiên để bố trí vốn, nhưng lại chưa bố trí được vốn? Cơ quan chủ trì Dự án nên có giải trình thêm với Quốc hội về việc không ưu tiên này, có phải sẽ để lại cho giai đoạn 2025-2030 không?

Đại biểu đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kể cả phải sử dụng dự phòng để hoàn thành toàn bộ 171 km còn lại để thông tuyến vào năm 2025, để Dự án quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy tối đa hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án đi qua cũng như cả nước. Đây cũng là cách thức để chúng ta thực hiện công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng có ý nhĩa quan trọng đối với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ ba, đối với các địa phương có dự án đi qua hiện đang thi công hay chuẩn bị thi công cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì Dự án, có giải pháp đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời quản lý tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ./.

 

Thống kê truy cập