Nằm trong hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh - di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về giao thông vận tải đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giao thông vận tải, nhắc nhở nhiệm vụ những người làm công tác giao thông vận tải phải luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Theo hồi ký của đồng chí Chu Văn Tấn, trong những ngày gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, Bác rất quan tâm đến các đường hành lang ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Sơn Tây, đường Đại Từ về Phổ Yên. Bác thường bảo phải lo củng cố con đường đó. Thậm chí, trên giường bệnh, Bác luôn hỏi: “Các chú có thấy giao thông liên lạc là mạch máu không? Việc thông suốt từ trên xuống dưới là do giao thông”. Rồi Bác lại tỏ ý mong mỏi: “Phải lo củng cố tốt đường giao thông để Trung ương lên kịp, quyết định vận mệnh Tổ quốc. Làm cách mạng phải biết tranh thủ thời cơ từng giờ từng phút, phải khẩn trương, không thể trì trệ. Tất cả đường lối, chủ trương lúc này phải thông suốt từ Bắc chí Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình xây dựng cầu Việt Trì, Tháng 2/1956
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giao cho nhân sĩ Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng. Cũng từ đây, hệ thống giao thông thực sự trở thành tài sản của người Việt Nam, phục vụ người dân nước Việt Nam và được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngày 25/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 26 quy định những hành vi phá hoại tài sản công như: cầu cống, đường giao thông, đê đập, dây điện thoại... bị coi là trọng tội, sẽ bị truy tố và phạt tù từ 2 đến 10 năm hoặc xử tử, không kể chính phạm hay tòng phạm. Ngày 26/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời ban bố Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, gồm 10 điều thưởng và 10 điều phạt cho nhân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm, trong đó quy định tội tự ý phá hoại giao thông sẽ bị xử tử.
Vị trí, vai trò quan trọng của giao thông vận tải được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong nhiều bài viết, bài nói, chỉ thị của Người. Đặc biệt, đặt trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập lại phải bước vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, ngành giao thông vận tải phải thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng: Vận tải quân, lương phục vụ cho kháng chiến Nam Bộ và các chiến trường; Phá hoại cầu đường ngăn chặn quân địch tiến quân đánh chiếm các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến; Thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; Sửa chữa, mở đường các vùng tự do, vùng kháng chiến và đi sâu vào các vùng hậu cứ của địch để phục vụ các chiến dịch đánh địch trên khắp các chiến trường đồng thời gia tăng phục vụ sản xuất; Vận tải hàng hoá, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945-1954...
Ngày 01/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các đồng chí Trung bộ chỉ thị “phải giữ vững giao thông, liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ với Nam Bộ và Bắc Bộ. Giao thông là mạch máu của mọi việc, giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”. Hình ảnh sinh động “giao thông - mạch máu” không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm công tác giao thông vận tải trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Người còn sử dụng hình ảnh này trong bài báo “Công tác cầu đường” đăng báo Nhân Dân số 119, từ ngày 21 đến 25/6/1953 “Cầu đường là mạch máu của đất nước” và trong thư gửi cho Hội nghị cán bộ ngành giao thông công chính ngày 16/9/1953: “Công tác giao thông vận tải, nhất là công tác sửa chữa đường cầu, rất là quan trọng. Đường xá thông thì mọi việc đều dễ dàng”.
Từ đặc thù của ngành giao thông vận tải có nhiều lĩnh vực: giao thông thủy, giao thông bộ, có xe, có cầu, có phà..., Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành phải ra sức thi đua với nhau làm cho giao thông: “Một là thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục” đồng thời phải cảnh giác, phải giữ gìn bí mật. Năm 1962, trong Thư gửi Hội nghị tổng kết công tác giao thông vận tải nông thôn và miền núi, Người thẳng thắn phê bình: “làm đường chưa chú ý phục vụ sản xuất, chưa kết hợp chặt chẽ giao thông với thủy lợi” và yêu cầu ngành giao thông “phải lấy phục vụ sản xuất là chủ yếu; Phải biết dựa vào nhân dân làm là chính” đồng thời “các cấp ủy (tỉnh, huyện, xã) phải quan tâm đúng mức, chỉ đạo chặt chẽ, không được khoán trắng cho cán bộ chuyên môn”.
Bác Hồ đi cầu treo Đại Từ Thái Nguyên.
Để nói đến sự quan tâm có ý nghĩa chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giao thông vận tải của đất nước, không thể không nói đến con đường Trường Sơn huyền thoại - tuyến giao thông chiến lược, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Sự huyền thoại của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn không chỉ ở vai trò đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà còn là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung.
Viết tiếp trang sử đường Trường Sơn huyền thoại, đường Hồ Chí Minh - Công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khoá XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004. Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai dự án, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11. Tuyến đường có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km (tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km).
Vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, được Bộ Giao thông vận tải giao làm Chủ đầu tư quản lý và xây dựng đường Hồ Chí Minh -đường Trường Sơn huyền thoại, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trải qua 23 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay đã xây dựng và hoàn thành 2.362 km/2.744 km , đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chuẩn bị đầu tư.
Quân đội tham gia mở đường Hồ Chí Minh góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệ hoá, hiện đại hoá đất nước. Ảnh tư liệu
Ngày nay, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, ngành giao thông vận tải đã cố gắng vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và càng cao của sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của nhân dân. Với những thành tựu to lớn, ngành Giao thông vận tải đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tham gia ủng hộ của toàn xã hội và sự nỗ lực của toàn ngành góp phần quan trọng vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa để cho nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.