Căng mình kiểm soát tiến độ QL1 qua Bình Định

27/8/2015

Ban QLDA đường HCM tiếp tục áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh nhằm kiểm soát, chống “vỡ trận” tiến độ.

 
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM

Tạo chuyển biến tiến độ đáng kể các dự án QL1 Bình Định sau nửa năm tiếp nhận, Ban QLDA đường HCM tiếp tục áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh nhằm kiểm soát, chống “vỡ trận” tiến độ. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huấn, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM về vấn đề này.

Chỉ đạo của Bộ GTVT đến tháng 9/2015 các dự án QL1 Bình Định phải cơ bản hoàn thành, điều này liệu có có khả thi, thưa ông?

QL1 qua Bình Định gồm một dự án TPCP (Ban là đại diện chủ đầu tư), hai dự án BOT Bắc và Nam Bình Định - Phú Yên (Ban làm đại diện cơ quan QLNN có thẩm quyền). Đến cuối tháng 8/2015, nhìn chung các dự án đều có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, dự án TPCP đạt 90% tiến độ, việc cán đích khả thi. Riêng hai dự án BOT, mới đạt gần 80%. Hơn 20% khối lượng còn lại trong tháng 9/2015 là một thử thách nặng nề. Ban, nhà đầu tư (NĐT), các nhà thầu quyết tâm cao nhất cơ bản thảm xong BTN các loại trong tháng 9 và sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa dự án vào khai thác trong tháng 10/2015 trước mùa mưa năm nay đúng yêu cầu của Bộ GTVT.

“Xuất phát chậm” so với các dự án QL1 khác, đến nay, dự án có sự khởi sắc đáng kể. Đâu là những giải pháp chính, thưa ông?

Thị sát toàn tuyến QL1 Bình Định mới đây (17/8), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận chuyển biến tích cực của dự án, nỗ lực của Ban QLDA đường HCM.Theo Thứ trưởng Thể, nhà thầu cán đích sớm sẽ được tuyên dương, khen thưởng. Ngược lại, không đạt thời hạn hoàn thành cuối tháng 9/2015, NĐT bị phạt 1 năm không cho thu phí, Bộ phạt không nghiệm thu dự án. Các nhà thầu “vỡ trận” tiến độ bị cấm không cho đấu thầu, tham gia các dự án của Bộ trong vòng 2 năm.

Tháng 3/2015, Ban tiếp nhận các dự án, khi hai dự án BOT mới đạt bình quân 20% tiến độ, nhiều nguy cơ không thể hoàn thành trong năm 2015. Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, Ban tổ chức nhiều cuộc họp mổ xẻ, đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ, do năng lực về quản lý, điều hành của các chủ thể chưa sâu sát. Đặc biệt, năng lực quản lý và tài chính của các NĐT còn yếu, nhiều hạn chế… Trên cơ sở này, chúng tôi đưa ra các giải pháp cụ thể. Tổng giám đốc Ban trực tiếp làm tổng chỉ huy và phân công ba phó tổng giám đốc mỗi người phụ trách một dự án thường xuyên có mặt ở hiện trường để chỉ đạo. Ban yêu cầu NĐT kiện toàn lại tổ chức Công ty BOT, tìm chuyên gia có kinh nghiệm quản lý để thay thế lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch và tổng giám đốc công ty BOT). Thậm chí, ngoài việc làm tư vấn quản lý cho NĐT, chúng tôi còn cử cả cán bộ chủ chốt của Ban sang làm tổng giám đốc giúp cho công ty BOT theo hướng “cầm tay chỉ việc’’… Ban rà soát toàn bộ TVGS, nhà thầu, cương quyết yêu cầu NĐT thay thế kịp thời các đơn vị yếu.

Vấn đề GPMB còn tồn đọng, chúng tôi chủ động vận động dân, phối hợp lãnh đạo địa phương kịp thời tháo gỡ. Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt này, đến nay, dự án đã chuyển biến tích cực. Tính riêng dự án BOT, trung bình mỗi tháng tăng hơn 10% là một sự nỗ lực rất lớn.

“Cơ chế chính sách phải chạy theo các dự án BOT”, đặc biệt việc “khơi thông” vướng mắc dòng tiền cho dự án của Ban đã tạo hiệu quả rất lớn trên công trường, kích thích nhà thầu thi công, tăng sản lượng… Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

“Mổ xẻ” vướng mắc tài chính của NĐT, đặc biệt việc đóng vốn chủ sở hữu chậm và nguy cơ không đạt, Ban đôn đốc quyết liệt và đưa ra những chế tài phạt mạnh, mời NĐT khác vào để mua lại. Đến cuối tháng 7/2015 vừa qua, sau nhiều nỗ lực, Ban gỡ nút thắt thành công về nguồn tiền dự án. Lãnh đạo Ban đã nhiều lần làm việc với các bên, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ. Bộ chấp thuận đề xuất, cho cơ chế ủy quyền cho Ban thẩm định công tác duyệt tự toán chính thức để NĐT phê duyệt sớm. Chỉ khi duyệt dự toán chính thức cuối cùng mới thông qua Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT). Trên cơ sở này, ngân hàng giải ngân 100% giá dự toán chính thức, chỉ giữ lại tối đa 12% (5% bảo hành, 5% chờ quyết toán, 2% thuế vãng lai), đồng thời yêu cầu ngân hàng và NĐT chuyển tiền thẳng cho các nhà thầu để chi tiêu đúng mục đích. Phía ngân hàng có một số cơ chế để giảm thời gian thủ tục hành chính; hay cơ chế Ban được phép xử lý các NĐT, tư vấn vi phạm “tiền trảm hậu tấu”… Nếu không có các giải pháp bức thiết này, chắc chắn rào cản căn cơ cho dự án khó được xử lý, tiến độ khó được cải thiện.

Tháng cao điểm nước rút trước thời hạn cán đích, tiến độ và chất lượng dự án tiếp tục được kiểm soát thế nào, thưa ông?

Ban lập, kiểm đếm tiến độ hàng ngày, hàng tuần với từng nhà thầu, gói thầu dự án. Trực tiếp Tổng giám đốc họp kiểm điểm hàng tuần với các bên: NĐT, cá nhà thầu, tư vấn, ngân hàng… Riêng các dự án BOT Bình Định, khối lượng còn lại rất lớn, tập trung chủ yếu hạng mục BTN. Lãnh đạo Ban chỉ đạo tuyệt đối không được đánh đổi chất lượng lấy tiến độ thi công.Tiến độ là bức thiết nhưng điều tiên quyết là đảm bảo chất lượng cho công trình. Ngoài việc tăng cường công tác giám sát của NĐT, nhà thầu, TVGS, chúng tôi đã thuê một số chuyên gia bên ngoài có nhiều kinh nghiệm về thiết kế, sản xuất và thi công BTN. “Đội 141” hàng tháng đi kiểm tra chéo lại các bên… Nhờ đó đến nay chất lượng dự án đã cơ bản được kiểm soát.

Cảm ơn ông!

Nguồn Báo Giao thông

Thống kê truy cập