Cây cầu, con đường “đánh thức” miền quê

5/9/2018

Với truyền thống “Đi trước mở đường” của ngành GTVT được hun đúc, tạo nên bởi sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ, CNV với tinh thần “dũng cảm, thông minh, sáng tạo”, những cây cầu, con đường đã được xây dựng, kết nối các vùng miền, đưa nông thôn gần với thành thị, nối liền giao thương cũng như rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian với các nước trong khu vực và trên thế giới.

phap van - cau gie
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Tháo nút thắt cho giao thông cửa ngõ thủ đô

Là tuyến giao thông huyết mạch trong hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, việc đưa tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, các địa phương lân cận và cả nước, giúp các tỉnh giao thương thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, giảm ách tắc và TNGT trên QL1 và cửa ngõ Thủ đô.

Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng. Dự án là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, nối dài đường cao tốc từ Bắc Giang qua Bắc Ninh - Hà Nội - Pháp Vân - Cầu Giẽ tới Ninh Bình và chuẩn bị đi tiếp tới Thanh Hóa rồi tới Vinh…

Dự án góp phần tăng cường năng lực vận tải hành lang phía Nam của tam giác phát triển kinh tế phía Nam đồng bằng Bắc bộ (gồm Hà Nội - Hà Nam - Hưng Yên - Nam Định - Ninh Bình), tạo điều kiện liên kết, động lực tăng trưởng kinh tế chung của vùng và cả nước.

Đường Hồ Chí Minh: Con đường ý Đảng và lòng dân

duong ho chi minh_1
Đường Hồ Chí Minh

Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) với chiều dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Phân kỳ đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe, sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Dự án khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2000 - 2007, đã hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350km; từ cuối năm 2007 bắt đầu triển khai xây dựng các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 để nối thông toàn tuyến.

Đến nay, một số đoạn tuyến chính là các dự án thành phần đã hoàn thành như: Đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) bao gồm cả 684km nhánh Tây; khu vực phía Bắc đoạn từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Hòa Lạc (Hà Nội) hoàn thành 55km; khu vực Tây Nguyên đoạn từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) hoàn thành 552,7km; khu vực phía Nam đoạn từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) đã cơ bản hoàn thành.

Có thể nói, chưa có một dự án đường giao thông nào có quy mô lớn cả về thời gian và chiều dài lại đi qua nhiều tỉnh, thành, địa danh lịch sử, cách mạng và nhiều vùng miền có địa hình vô cùng phức tạp như Dự án đường Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, việc đưa vào sử dụng, khai thác đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng; hỗ trợ QL1 khi giao thông bị ách tắc trong mùa bão lũ; đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần thắng lợi vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm xưa, đường mòn Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam và ngày nay, đường Hồ Chí Minh là con đường chủ đạo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của 28 tỉnh nơi con đường đi qua. Với cách làm sáng tạo, chủ động, huy động tối đa các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa dự án về đích sớm trước 02 năm so với kế hoạch mà Quốc hội đề ra.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Đánh thức tiềm năng Tây Bắc

noi bai - lao cai_1
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

 

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - đường lớn đã mở, cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng mở ra, tạo đà chuyển dịch kinh tế, đánh thức tiềm lực cho vùng Tây Bắc, thông thương với nước bạn Trung Quốc.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác là bước đột phá của ngành GTVT, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây, mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc, giảm áp lực giao thông và tai nạn trên QL2, 2b, 32C, 4E và 70, kết nối đến các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch và rút ngắn thời gian đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang hơn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện tại. Nắm bắt được tác động mạnh mẽ của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mang lại sau khi đưa vào khai thác, các tỉnh đã xây dựng quy hoạch chi tiết kết nối đường cao tốc với các khu công nghiệp, thương mại, trung tâm du lịch các tỉnh Tây Bắc.

Cầu Cao Lãnh: Động lực thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

cau cao lanh
Cầu Cao Lãnh

 

Cầu Cao Lãnh hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang trong mình “trọng trách” hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối thông suốt trung tâm đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền trong cả nước, từ đó “đánh thức” các tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng rộng lớn, đưa vùng đất “chín rồng” phát triển theo một tầm vóc mới.

Cầu Cao Lãnh đã chính thức đi vào hoạt động, “điểm thắt” giao thông của vùng được tháo gỡ, hai bờ sông Tiền đã kết nối thông thương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được rộng mở, thông suốt. Đây là điều kiện khai thác thế và lực vốn rất tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Tháp Mười nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cầu Cao Lãnh được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013, là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông, được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với kinh phí 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng). Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 2.014m, nhịp chính dài 350m, bề rộng mặt cầu 24,5m, chiều cao thông thuyền 37,5m, trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, cao 123,4m, cầu có 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Cây cầu được áp dụng các công nghệ có tính đột phá. Từ sau khi xây dựng cầu Mỹ Thuận vào năm 2000, ngành GTVT đã triển khai nhiều dự án quan trọng như: Cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển nối Kiên Giang với Cà Mau…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng

Tạp chí GTVT
Thống kê truy cập