Giải “nút thắt” VEC và Cửu Long CIPM
Thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng phương án chuyển đổi 5 ban QLDA gồm: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, 1, 2, 85, và hàng hải 3 sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Các ban QLDA trên đều đã có đề án gửi Bộ GTVT. Trong đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thí điểm chuyển đổi trước. Bộ GTVT cũng có văn bản trình Chính phủ cho phép chuyển đổi các ban QLDA này. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã có văn bản giao Bộ GTVT tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty đường cao tốc VN (VEC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), đồng thời tiếp thu ý kiến của một số bộ, ngành để chuyển đổi các ban QLDA.
|
Chuyển đổi Ban QLDA thành doanh nghiệp để huy động thêm
nhiều kênh đầu tư vào hạ tầng giao thông |
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đánh giá hoạt động của VEC và Cửu Long CIPM chính là vấn đề khá nan giải trong giai đoạn hiện nay, bởi các đơn vị này chủ yếu chỉ huy động vốn đầu tư, quản lý các công trình mà gần như chưa có nguồn thu. Chính vì vậy, nếu chỉ nhìn nhận theo tiêu chí doanh nghiệp đơn thuần là thu - chi, lỗ - lãi thì chắc chắn các đơn vị này chưa thể coi là hiệu quả.
Cuối tháng 7/2012, Bộ GTVT đã tiến hành đánh giá lại mô hình hoạt động của VEC và Cửu Long CIPM với sự tham gia của đại diện VPCP và nhiều bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, chủ trương thành lập VEC và Cửu Long CIPM là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đất nước để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Thời gian qua, các đơn vị này đã có những sản phẩm cụ thể là những tuyến cao tốc đưa vào khai thác, huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời giảm bớt gánh nặng nợ công.
Tính đúng đắn của việc thành lập 2 Tổng công ty này nhận được sự đồng tình của hầu hết các bộ, ngành tham gia cuộc họp. Đại diện Văn phòng Chính phủ khẳng định, không cần phải tốn nhiều giấy mực để bàn việc thành lập VEC và Cửu Long CIPM có cần thiết hay không, bởi rất nhiều nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này và việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc là nhu cầu cấp thiết. Còn đại diện Bộ KHĐT cho rằng, VEC và Cửu Long CIPM là mô hình huy động được rất nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đây là điều rất quý bởi hiện nay vốn từ ngân sách cho lĩnh vực này rất khó khăn.
Việc Bộ GTVT và hầu hết các bộ, ngành đều đồng quan điểm về tính đúng đắn và hiệu quả bước đầu của VEC và Cửu Long CIPM coi như “nút thắt” khó khăn nhất để chuyển đổi mô hình các ban QLDA đã được tháo gỡ. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào nội lực, công tác chuẩn bị và các phương án chuyển đổi sao cho hiệu quả từ chính các ban QLDA này.
Khó khăn nhất ở vốn điều lệ
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, lãnh đạo các ban QLDA đều cho rằng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp là một cách tiếp cận mới trong quản lý dự án. Đây là mô hình phù hợp và ưu việt hơn trong giai đoạn kinh tế thị trường. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban QLDA 2, mô hình doanh nghiệp giúp các đơn vị năng động hơn trong vấn đề huy động thêm nhiều nguồn vốn để phát triển hạ tầng. Ban QLDA 2 đã xây dựng đề án trình Bộ GTVT và chuẩn bị các phương án để chuyển đổi sau này.
|
Giải quyết vốn điều lệ hài hòa để các ban QLDA hoạt động hiệu quả
sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp |
Mặc dù vậy, ông Long cho rằng, mấu chốt nhất hiện nay để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả là vốn điều lệ. Nếu không có số vốn đủ lớn để làm cơ sở huy động vốn, tham gia đầu tư các dự án thì dù có chuyển đổi sang mô hình mới, doanh nghiệp vẫn chỉ quản lý dự án đơn thuần. Kinh nghiệm từ VEC và Cửu Long CIPM cho thấy, do vốn điều lệ của 2 Tổng công ty này quá thấp nên trong thời gian vừa qua gặp phải rất nhiều khó khăn từ những quy định về nợ công, đầu tư vượt quá 3 lần vốn sở hữu.
Mặc dù vậy, để tăng vốn đủ lớn cho các doanh nghiệp lại không phải điều dễ dàng, bởi nhà nước và Bộ GTVT không thể rót trực tiếp, khả năng huy động từ nội lực doanh nghiệp cũng khó đáp ứng. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Tổng giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, giải quyết hài hòa vấn đề vốn điều lệ của các doanh nghiệp là mấu chốt để các đơn vị hoạt động thành công sau này. Để hoạt động hiệu quả thì Ban QLDA 85 khi chuyển đổi cần khoảng 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. “Con số này là quá lớn và không rõ sẽ huy động từ đâu. Ban QLDA 85 dự kiến xin chuyển một số công trình sau khi đầu tư để xây dựng thành vốn điều lệ như cầu Bến Thủy, Nhật Tân, hầm Hải Vân,... nhưng việc làm này cũng không hề đơn giản bởi tính toán rất phức tạp và liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương”- ông Cảnh giải thích.
VEC: Xin chuyển kinh phí GPMB các dự án làm vốn cấp phát
Hiện nay, vốn điều lệ của VEC chỉ có 1.018 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư các dự án do VEC đang triển khai lên tới khoảng 106 nghìn tỷ đồng.
Theo Thông tư 117/2010/TT-BTC thì mức vốn điều lệ cần thiết của VEC để thực hiện 5 dự án phải ở mức 31 nghìn tỷ đồng. Có nghĩa là VEC phải bổ sung thêm khoảng 30 nghìn tỷ đồng nữa mới đáp ứng đủ yêu cầu của quy định trên. Do đó, để VEC có thể tiếp tục hoạt động thì việc bổ sung vốn là điều hết sức cấp thiết.
Tại buổi họp đánh giá mô hình hoạt động của VEC, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC kiến nghị được tái cơ cấu vốn đầu tư các dự án, chuyển một phần vốn thành vốn góp của Nhà nước. Trong đó có việc chuyển toàn bộ kinh phí GPMB và vốn đối ứng tại 5 dự án đang triển khai là phần vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo cho các dự án. Ngoài ra, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm một phần chi phí xây lắp đảm bảo mức đóng góp của Nhà nước cho các dự án đường cao tốc từ 50- 60%.
Bên cạnh đó, VEC cũng đề nghị được cấp phát các khoản tiền đã ứng để thực hiện các dự án từ khi thành lập. Cấp bổ sung từ nguồn tiền bán quyền thu phí, đồng thời giao bổ sung vốn và tài sản các tuyến đường liên quan hiện hữu liên quan đến các hoạt động đầu tư.
Cửu Long CIPM đề nghị tăng vốn điều lệ lên 5.501 tỷ đồng
Sau hơn 10 tháng hoạt động theo mô hình mới, Cửu Long CIPM đã hoàn thành cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự. Theo quyết định thành lập, mức vốn điều lệ của Cửu Long CIPM phải là 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên, thực tế đến nay Tổng công ty mới chỉ có vỏn vẹn hơn 31,5 tỷ đồng, bằng 2,1% quy định ban đầu. Mặc dù vậy, căn cứ theo Văn bản 4198/BGTVT-TC của Bộ GTVT và trên cơ sở chiến lược phát triển, nhiệm vụ được giao, số vốn trên là quá thấp và Cửu Long CIPM đã xây dựng đề án và đề nghị được tăng vốn điều lệ giai đoạn 2012- 2015 lên 5.501 tỷ đồng. Nghĩa là tăng thêm 4.001 tỷ đồng so với mức trong quyết định thành lập.
Cơ sở cho đề xuất này theo Cửu Long CIPM là do phải góp vốn chủ sở hữu để tham gia đầu tư Dự án Trung Lương- Cần Thơ và góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án thực hiện đầu tư khôi phục, nâng cấp cải tạo Dự án QL20 giai đoạn 1 và tham gia thành lập các công ty cổ phần theo phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh đã được Bộ GTVT thẩm định. Bên cạnh đó, Cửu Long CIPM cần vốn để lập dự án đầu tư cho các công trình kêu gọi, tìm kiếm nguồn vốn và góp vốn đầu tư, kinh doanh, khai thác các dịch vụ dọc các tuyến đường bộ để tạo nguồn vốn cho phát triển hình thành.
Nguồn để hình thành vốn điều lệ, Cửu Long CIPM đề nghị Bộ GTVT một số giải pháp như: Tăng thời gian thu phí cầu Cần Thơ thêm 4 năm từ 2017 đến 2020; Thu phí đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương và cầu Mỹ Thuận trong các năm 2012- 2015; Cấp trực tiếp một phần từ ngân sách Nhà nước; Xử lý việc cấp vốn điều lệ thông qua định giá các khu đất hình thành từ các dự án.
|
Đức Thắng
Theo Báo GTVT