BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
****
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 05 THÁNG
ĐẦU NĂM VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2012
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THÁNG 5 VÀ ƯỚC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2012
1. Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải
Theo Chương trình đăng ký với Chính phủ thì 6 tháng đầu năm Bộ GTVT phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là 03 dự thảo văn bản, đã trình 03/03 văn bản, đạt 100% kế hoạch, cụ thể: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.
2. Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản
- Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 14/2/2012. Ngày 15/3/2012, Bộ đã ban hành chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (Quyết định số 560/QĐ-BGTVT).
- Ngay trong dịp đầu Xuân Nhâm Thìn, từ ngày 28/1/2012-01/02/2012, Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo và tham dự Lễ ra quân và phát động thi đua tại 12 dự án trọng điểm quốc gia và dự án quan trọng của ngành GTVT bao gồm: Nhà ga HKQT T2 Cảng HKQT Nội Bài; sân đỗ máy bay nhà ga hành khách T2; đường vành đai 3 - giai đoạn 2, đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm; Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên; đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường hành lang ven biển phía Nam; cầu Bến Thủy; cầu Gián Khẩu; cầu Kênh Sáng; Cảng HKQT Phú Quốc. Tất cả các Chủ đầu tư, Ban QLDA được giao nhiệm vụ đã thực hiện lễ ra quân và phát động thi đua trang trọng, tiết kiệm. Các Chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu đã ký cam kết thực hiện đúng tiến độ trong hợp đồng, một số nhà thầu đã cam kết hoàn thành trước thời hạn từ 3-15 tháng.
- Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên tiến hành kiểm tra hiện trường các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và làm việc với Lãnh đạo các địa phương vùng dự án đi qua để thống nhất chỉ đạo giải quyết các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo giao thông và an toàn giao thông.
- Hàng tháng, Lãnh đạo Bộ đều tổ chức giao ban công tác đầu tư xây dựng cơ bản hoặc Hội nghị quản lý tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình giao thông. Qua đó, đã chỉ ra những tồn tại yếu kém đồng thời đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là quản lý tốt chất lượng và đảm bảo tiến độ thi công công trình.
- Bộ đã chỉ đạo và triển khai xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại năng lực Chủ đầu tư/Ban QLDA ngành GTVT. Bộ tiêu chí này nhằm đánh giá kết quả thực hiện của các Chủ đầu tư/Ban QLDA, trên cơ sở đó xem xét khả năng tiếp tục giao nhiệm vụ Chủ đầu tư/Ban QLDA, thậm chí giải thể hoặc sát nhập nếu các Chủ đầu tư/Ban QLDA liên tục bị đánh giá là yếu kém.
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên QL60, Bến Tre - Trà Vinh: Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để có thể khởi công dự án cầu Cổ Chiên (phần cầu chính) vào cuối tháng 10/2012 theo hình thức BOT.
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 238/TTg-KTN ngày 23/02/2012 về việc triển khai ngay dự án đầu tư xây dựng cầu Năm Căn thuộc đường Hồ Chí Minh: Bộ đã chỉ đạo các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, hoàn chỉnh các thủ tục chỉ định thầu các gói thầu xây lắp để đáp ứng tiến độ khởi công công trình dự kiến cuối tháng 8/2012.
- Về giải phóng mặt bằng: Hầu hết các dự án trọng điểm còn vướng GPMB. Để đẩy nhanh Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 2433/CĐ-TTg ngày 26/12/2011 gửi các địa phương tập trung giải quyết công tác GPMB đối với các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Công điện số 188/CĐ-TTg ngày 13/2/2012 gửi thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng đối với Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Công điện số 241/CĐ-TTg ngày 24/2/2012 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội tập trung giải quyết di dời các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án Cầu Nhật Tân, Dự án đường nối sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân, dự án xây dựng QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Công điện số 543/CĐ-TTg ngày 24/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội bố trí vốn và thực hiện GPMB Dự án đường Láng - Hòa Lạc. Nhìn chung, hầu hết các tỉnh, thành đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng; UBND các tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đến các quận, huyện; Bộ GTVT đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết. Đến nay, công tác GPMB đã có chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được đúng thời gian bàn giao mặt bằng theo tiến độ thi công, hoàn thành của các dự án.
- Trong 6 tháng đầu năm 2012, Bộ GTVT cũng đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
+ Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 3/2012 Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã ký Chương trình hành động giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng về việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Bộ đã có Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ngày 21/02/2012 thành lập Ban Chỉ đạo sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan tham mưu khẩn trương xây dựng "Quy hoạch sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" và đề án "Sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030".
+ Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết “10 năm phong trào phát triển giao thông nông thôn 2001-2010 và triển khai chiến lược phát triển đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an toàn giao thông nông thôn”.
Kết quả đạt được 5 tháng và dự kiến 6 tháng đầu năm 2012
- Vốn ngân sách nhà nước: 5 tháng thực hiện 6.387/7.386 tỷ đồng, đạt 86,5% KH; giải ngân 5.620/7.386 tỷ đồng, đạt 76,1% KH (trong đó hoàn ứng NSNN 300 tỷ đồng). Dự kiến 6 tháng thực hiện 6.782/7.386 tỷ đồng, đạt 91,8% KH; giải ngân 6.014/7.386 tỷ đồng, đạt 81,4% KH. Trong đó:
+ Các dự án ODA:
* Vốn nước ngoài thực hiện 5 tháng 4.789/3.818 tỷ đồng, đạt 125,4% KH; giải ngân 4.179/3.818 tỷ đồng, đạt 109,5% KH. Dự kiến 6 tháng vốn nước ngoài thực hiện 5.071/3.818 tỷ đồng, đạt 133% KH; giải ngân 4.461,5/3.818 tỷ đồng, đạt 117% KH.
* Vốn đối ứng thực hiện 5 tháng: 860,3/2.342 tỷ đồng, đạt 36,7% KH; giải ngân 795 tỷ đồng, đạt 34% KH giao. Dự kiến 6 tháng vốn đối ứng thực hiện 928,5/2.342 tỷ đồng, đạt 40% KH; giải ngân 863 tỷ đồng, đạt 37% KH giao.
+ Các dự án trong nước: 5 tháng thực hiện 711,2/855,5 tỷ đồng, đạt 83,1% KH; giải ngân 325/855,5 tỷ đồng, đạt 38% KH. Dự kiến 6 tháng thực hiện 750/855,5 tỷ đồng, đạt 87,6% KH; giải ngân 363/855,5 tỷ đồng, đạt 42,4% KH.
- Vốn trái phiếu Chính phủ: Đến đầu tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ giao KH vốn cho một số dự án, các chủ đầu tư đang triển khai các công việc liên quan để được Bộ Tài chính thông báo vốn. Khối lượng thực hiện 05 tháng ước đạt khoảng 1.272,5/6.995 tỷ đồng, đạt 18,2% KH giao; giải ngân 1.012,6/6.995 tỷ đồng, đạt 14,5% KH giao. Dự kiến 6 tháng khối lượng thực hiện đạt khoảng 2.234/6.995 tỷ đồng, đạt 32% KH giao; giải ngân 1.974/6.995 tỷ đồng, đạt 28,2% KH giao.
- Dự án ứng trước NSNN kế hoạch 2013 (60 tỷ đồng): Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản giao ứng trước KH 2013 (60 tỷ đồng) để triển khai dự án QL20 (Trại Mát - Lâm Đồng), đến nay Bộ Tài chính đã thông báo vốn, chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục liên quan để giải ngân theo quy định. Dự kiến tháng 6 ứng thầu khoảng 20 tỷ đồng.
- Các dự án ngoài ngân sách: Khối lượng thực hiện 5 tháng đạt 3.297 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.056 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng khối lượng thực hiện đạt 4.096 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.856 tỷ đồng.
3. Về công tác vận tải
- Chỉ đạo các Cục, Tổng Cục chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện kiểm soát việc thực hiện các điều kiện kinh doanh của các đơn vị vận tải, phối hợp với các lực lượng chức năng, bảo đảm giữ gìn trật tự trong hoạt động vận tải tại khu vực bến tàu, bến xe, nhà ga, cảng hàng không. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu sự cố ùn tắc giao thông. Tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái xe, lái tàu, nhân viên phục vụ về ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
- Triển khai Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Bộ đã tổ chức triển khai thực hiện đối với 63 tỉnh, thành trên cả nước, theo đó đã đề nghị các địa phương tổ chức quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt, đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường, trợ giá cho các tuyến xe buýt thiết yếu, xây dựng định mức khung kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xây dựng quy chế đấu thầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tổ chức giao thông hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt. Đề nghị với Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu đãi đối với việc đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng (tại văn bản số 2366/VPCP-KTTH ngày 10/4/2012).
- Tổ chức rà soát lại cơ cấu giá dịch vụ hàng không để thống nhất với Bộ Tài chính ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các cảng hàng không, các doanh nghiệp vận tải hàng không và không ảnh hưởng lớn đến giá thành vận chuyển.
- Tổ chức rà soát hệ thống phí, giá dịch vụ hàng hải; xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu thế chung và phù hợp với các nước trong khu vực để tăng tính cạnh tranh, thu hút được nguồn hàng của nước ngoài trung chuyển qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải biển và dịch vụ hàng hải theo các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh. Ngày 29/02/2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa (theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 5623/VPCP-KTN ngày 16/8/2011).
- Chỉ đạo các Cục, Tổng cục chuyên ngành và các Sở GTVT thực hiện tốt kế hoạch vận tải trong các dịp ngày Lễ, Tết và mùa thi đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, không để xảy ra tình trạng ùn tắc ở các nhà ga, bến tàu, bến xe, cảng hàng không vì thiếu phương tiện vận tải và đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
- Chỉ đạo các Cục, Tổng Cục chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh cúm gia cầm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về kết quả vận tải 5 tháng và dự kiến 6 tháng đầu năm 2012
Vận tải hành khách 5 tháng đầu năm 2012 đạt 1,37 tỷ lượt khách, tăng 14,3% và 56,8 tỷ lượt khách.km - tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011. Vận tải hàng hóa 5 tháng đầu năm 2012 đạt 361,1 triệu tấn - tăng 10,8% và 79,5 tỷ tấn.km - giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hàng thông qua cảng biển ước đạt 117,7 triệu tấn, so với cùng kì năm trước tăng 0,6%. Trong đó: Hàng khô giảm 8,2 %, container tăng 19,2 %, hàng lỏng giảm 2,4%, hàng quá cảnh giảm 5,7 %.
+ Dự kiến 6 tháng: Sản lượng vận tải đạt 434,6 triệu tấn hàng - 97,2 tỷ TKm; 1,66 tỷ lượt khách - 68,7 tỷ HKKm. So với cùng kỳ năm trước tăng 11,1% về tấn vận chuyển, giảm 4,9% về tấn luân chuyển; tăng 15% về vận chuyển khách và tăng 12,9% về HKKm.
Đánh giá chung, trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng vận tải vẫn có xu hướng tăng, tuy nhiên do khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới nên sản lượng vận tải biển giảm mạnh gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Bộ GTVT đang tích cực làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
4. Về công tác đảm bảo an toàn giao thông
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Bộ đã tích cực triển khai thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể:
- Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về bảo đảm trật tự an toàn giao thông:
+ Đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 04 văn bản quy phạm pháp luật và đề án về bảo đảm TTATGT (01 Nghị định và 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
+ Cùng với việc triển khai xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, nhiệm vụ đề ra, Bộ GTVT cũng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật chuyên ngành giao thông vận tải thuộc thẩm quyền của địa phương.
+ Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật) đã cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
- Bộ đã phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông; Đề án Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe; kế hoạch thực hiện các đề án đã được triển khai đến các Sở GTVT của 63 tỉnh thành và toàn bộ các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc.
- Tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban ATGT Quốc gia đi làm việc với các địa phương có tình hình TNGT phức tạp, tăng cao để cùng phối hợp làm rõ nguyên nhân và kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục.
- Tổ chức các cuộc họp giao ban ATHH bàn về các giải pháp giảm thiểu tai nạn hàng hải và lưu giữ tầu biển PSC...
Về tình hình tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm 2012:
+ Tính cả 5 tháng đầu năm: cả nước đã xảy ra 4.528 vụ TNGT làm 3.950 người chết, làm 3.323 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, tai nạn giao thông giảm 1.185 vụ (-20,74%), giảm 843 người chết (-17,59%), giảm 1.089 người bị thương (-24,68%).
+ Số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tiếp tục tăng nhanh, trong tháng 5 năm 2012, ôtô đăng ký mới là 10.035 chiếc; môtô là 190.604 chiếc. Tổng số phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành tính đến hết tháng 5 năm 2012 là 36.811.247 chiếc (trong đó: ôtô là 1.932.787 chiếc và môtô là 34.878.460 chiếc).
+ Tỷ lệ tai nạn giao thông đường bộ trên 10.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong 5 tháng đầu năm 2012 là: 1,16 vụ; 1,03 người chết và 0,87 người bị thương. So với 5 tháng đầu năm 2011 giảm 0,41 về số vụ, giảm 0,31 về số người chết và giảm 0,36 về số người bị thương.
Nhìn chung, trong 5 tháng đầu năm tình hình trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người; ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
5. Công nghiệp giao thông vận tải
- Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 3.343 tỷ đồng - đạt 22,6% KH năm, giảm 49,7% so cùng kỳ năm 2011; doanh thu 2020,8 tỷ - đạt 14,2% KH năm, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm trước.
- Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp ngành GTVT ước thực hiện 3.632 tỷ đồng, bằng 27% KH năm, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2011; doanh thu ước tính 2.416 tỷ đồng bằng 17% KH năm và giảm 44% so với cùng kỳ năm 2011.
Giá trị sản xuất công nghiệp GTVT giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2012, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu do nhu cầu vận tải biển sụt giảm dẫn đến nhiều hợp đồng đóng tàu bị hủy bỏ, cũng như những khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng tàu.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012
- Tổ chức chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khoá XI) về công tác xây dựng Đảng và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ nhằn đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đặc biệt chỉ đạo việc xây dựng bảo đảm tiến độ chất lượng hiệu quả của các công trình hạ tầng giao thông.
- Tập trung cao độ công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2012 trên tất cả các lĩnh vực.
- Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch và các đề án khác, bảo đảm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ đã đăng ký. Rà soát, bổ sung những đề án cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành; đưa ra khỏi Chương trình công tác những đề án chưa thực sự cần thiết.
- Tiếp tục rà soát lại kế hoạch đối với các công trình, dự án đầu tư, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để có sự bổ sung, điều chỉnh hợp lý. Yêu cầu các Chủ đầu tư, các Ban QLDA phải căn cứ vào thực tế các dự án được giao quản lý để lập kế hoạch chi tiết đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn được bố trí. Tổ chức quản lý và thực hiện đối với các công trình, dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã Quyết định phân bổ vốn NSNN, TPCP, đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành trong 2012, các dự án khắc phục bão lũ, các dự án bảo đảm ATGT và một số dự án quan trọng, cấp bách.
- Tiếp tục huy động vốn ngoài ngân sách để triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp thiết. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải, thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống của nước ngoài và các tổ chức quốc tế như JICA, ADB, WB… để thu hút vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nhưng ít ảnh hưởng đến nợ Quốc gia.
- Đẩy mạnh triển khai công tác sử dụng xi măng trong kết cấu hạ tầng giao thông: Ban hành tiêu chuẩn thi công và quy trình nghiệm thu đường bê tông xi măng; triển khai thực hiện thi công thí điểm và đánh giá công nghệ xây dựng mặt đường bê tông xi măng để nhân rộng thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý vận tải; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải, xếp dỡ; đẩy mạnh vận tải đa phương thức, vận tải khách công cộng ở các thành phố và vận tải khách liên tỉnh.
- Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ và văn bản số 1702/TTg-KTN ngày 24 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động "Năm an toàn giao thông - 2012" số 455/KH-UBATGTQG của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Kế hoạch của Bộ thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động "Năm An toàn giao thông".
- Tăng cường công tác an toàn lao động, an toàn thi công các công trình xây dựng. Tổ chức kiểm tra toàn diện công tác an toàn lao động; bổ sung hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về an toàn lao động. Không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố công trình nghiêm trọng, chết người.
- Hoàn thiện đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh, tập trung chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa theo Thông tư số 202/2011-TT-BTC ngày 30/12/2011 và Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về bán cổ phần, xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/02/2012.
- Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành giao thông vận tải. Triển khai các dự án đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với lĩnh vực giao thông vận tải; xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp giao thông vận tải...
Theo trang điện tử của Bộ GTVT