Mục tiêu của việc sắp xếp lại các Ban QLDA thời gian tới theo Bộ GTVT trước hết là để nâng cao hoạt động của những đơn vị này, đồng thời quản lý chặt chẽ vốn đầu tư, chất lượng, tiến độ công trình, phù hợp với phân cấp quản lý đầu tư xây dựng, tránh được các khâu trung gian trong công tác quản lý. Cùng với đó, các Ban QLDA được sắp xếp lại phải có khả năng xây dựng dự án mới và kêu gọi vốn để thực hiện dự án, bảo đảm các dự án lớn, quan trọng, các dự án do Bộ làm chủ đầu tư phải do các Ban QLDA của Bộ quản lý.
|
Các ban QLDA cần chuyên nghiệp để nâng cao tiến độ chất lượng công trình |
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, đây là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng các chủ đầu tư, Ban QLDA- “mắt xích” được xem là quan trọng hàng đầu trong suốt quá trình triển khai các dự án. Đây là việc làm thể hiện sự quyết tâm lớn của ngành GTVT trong Năm kỷ cương, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình, để tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Cùng với việc sắp xếp lại các Ban QLDA thuộc Tổng cục, Cục chuyên ngành, với quyết tâm nâng cao kỷ cương, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình, Bộ GTVT cũng tiến hành xây dựng Đề án hoàn thiện cơ chế quản lý và công tác tổ chức quản lý tiến độ, chất lượng và giá thành xây dựng công trình giao thông. Việc để xảy ra tình trạng một số dự án xây dựng giao thông bị chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo và giá thành phải điều chỉnh, thay đổi lớn có nhiều nguyên nhân khách và chủ quan. Trong đó phải kể đến là tình trạng còn thiếu sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, sự phân cấp quản lý còn chưa khoa học, phù hợp, năng lực quản lý, điều hành của các chủ thể, trong đó có các chủ đầu tư, Ban QLDA. Từ những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án xây dựng giao thông về tiến độ thi công, chất lượng xây dựng và giá thành công trình, Đề án sẽ phân tích, đánh giá, tổng kết cụ thể và có pháp hữu hiệu để kiện toàn quá trình quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng các dự án trong ngành GTVT.
Bên cạnh đó, thời gian tới Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát, đánh giá để xếp loại một cách toàn diện đối các chủ đầu tư, Ban QLDA trong quá trình đầu tư xây dựng. Đây được xem là cách làm rất mới, trong bối cảnh các nguồn vốn ít dần, dự án đầu tư không nhiều mà các chủ đầu tư, ban QLDA lại quá nhiều thì đánh giá để xếp loại và có cơ sở bố trí dự án hợp lý là yêu cầu tất yếu. Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi về chất, khiến các ban QLDA phải hoàn thiện mình để nâng cao tính chuyên nghiệp và dần loại bỏ cách phân chia dự án theo kiểu bình quân chủ nghĩa.
Tất cả các yếu tố trên cho thấy, để thích nghi và đáp ứng được yêu cầu trong trình hình mới, điều tất yếu là các chủ đầu tư, Ban QLDA phải có sự thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hóa. Trong những năm qua, công tác XDCB giao thông vẫn ít nhiều tồn tại nếp làm ăn cũ, không phù hợp với cách quản lý mới. Do đó, đây là cơ hội tốt để các chủ đầu tư, Ban QLDA tự mình thay đổi, nếu không muốn bị đào thải ra khỏi quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Hà Thanh Oai- Báo điện tử Giao thông vận tải