Với tỷ lệ tán thành 93,98% của các Đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 (Nghị quyết 66) về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11.
Đây là Nghị quyết thứ hai sau 9 năm kể từ khi Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 tại kỳ họp thứ 6. Với những quyết sách, yêu cầu trong Nghị quyết 66 cũng như tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối của các vị Đại biểu Quốc hội một lần nữa khẳng định tầm quan trọng và sứ mệnh của tuyến đường đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các nội dung chính được thể hiện trong Nghị quyết 66 bao gồm: điều chỉnh một số nội dung về tổng chiều dài tuyến đường, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; Về phân kỳ đầu tư: đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ Pác Bó - Đất Mũi. Sau năm 2020, nâng cấp các đọa tuyến theo tiêu chuẩn cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam; Nguồn vốn, tiến độ của các dự án thành phần để thông tuyến được xác định cụ thể phù hợp với khả năng huy động nguồn lực của đất nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng đưa ra một số giải pháp để thực hiện và phát huy hiệu quả tổng hợp của công trình. Đồng thời, yêu cầu tổng kết đánh giá việc thực hiện dự án sau khi hoàn thành nối thông và báo cáo tổng mức đầu tư và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn sau năm 2020 để Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11
tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ
về điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Đối với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Nghị quyết 66 đã mở ra những cơ hội và thách thức mới. Có thể nói, chúng ta sẽ không phải lo tìm kiếm công việc ít nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, với khối lượng công việc tương đối nhiều, giá trị giải ngân lớn, được triển khai bằng nhiều nguồn vốn (vốn TPCP, vốn nước ngoài) và hình thức đầu tư khác nhau (BT, BOT, PPP) cũng như để Ban có thể duy trì xếp hạng A trong các năm tiếp theo đòi hỏi tập thể lãnh đạo và mỗi cán bộ viên chức của Ban phải nỗ lực vượt bậc hơn nữa, tận tụy hơn nữa, không ngừng học tập, tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
Với những thành quả đã đạt được trong 15 năm xây dựng và phát triển, sẽ là tiền đề để tập thể cán bộ viên chức Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục chung sức, đồng lòng và quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý, đầu tư xây dựng con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong các giai đoạn tiếp theo.
Dương Hồ Minh - PTGĐ
http://dhcm.vn/image/2013-10-14%20UBTVQH%20nghe%20to%20trinh%20ve%20dieu%20chinh%20NQ38%20(2).JPG