Hai dự án trọng điểm đường HCM đoạn La Sơn-Túy Loan, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi qua địa bàn hiện đang bước vào cao điểm thi công, hoàn thiện nền đường, chuẩn bị công tác thảm bê tông nhựa (BTN). Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư các dự án: áp lực vướng mắc mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu tiến độ.
Sau nhiều lần liên tục trễ hẹn thời gian bàn giao mặt bằng sạch, các vướng mắc tồn đọng cơ bản vẫn "dậm chân tại chỗ" do thành phố chưa thể hoàn thành khu tái định cư (TĐC), di chuyển mồ mả. Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM, toàn tuyến dự án đường HCM đoạn La Sơn-Túy Loan qua Đà Nẵng vẫn còn 1,1km/gần 31km vướng mắc mặt bằng.
Tại buổi làm việc mới đây nhất về GPMB (tháng 4/2016), lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng "chốt" với Bộ GTVT chậm nhất cuối tháng 6/2016 sẽ xây dựng xong khu nghĩa trang và 2 khu TĐC để bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến ngày 22/7, khu nghĩa trang mới đang được triển khai thi công, riêng 2 khu TĐC Hòa Bắc, Tà Lang-Giàn Bí chưa có đủ mặt bằng, thủ tục để khởi công.
Đại diện chủ đầu tư dự án đề nghị Đà Nẵng làm rõ cơ sở pháp lý, hạn mức, suất đầu tư/lô TĐC trước tình trạng các khu TĐC bị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư rất lớn. Thống kê, trong khi T.T-Huế giảm 55 tỷ đồng triển khai TĐC dự án La Sơn-Túy Loan qua địa bàn, Đà Nẵng lại điều chỉnh tăng gần 260 tỷ đồng (453/194 tỷ đồng), diện tích TĐC có lô lên đến 300-500m2.
Tương tự, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP ĐTPT đường cao tốc VN (VEC, nhà đầu tư), toàn tuyến qua Đà Nẵng có 559 hộ cần TĐC với gần 800 lô, nhưng 3 khu TĐC cho dự án (TĐC Hòa Nhơn, Hòa Thọ, Lệ Sơn 1) được quy hoạch lên hơn 1.000 lô, vượt 27% so với nhu cầu, khiến Đà Nẵng và VEC rất khó xác định số tiền suất TĐC cho từng lô.
Thực trạng này làm nút giao Túy Loan DA cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi còn vướng mắc gần 200 hộ, chủ yếu chờ TĐC. Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng: khác với thành phố, ở huyện nếu không xong TĐC thì dân không thể di dời sớm vì không thể áp dụng chính sách thuê phòng trọ. Trong khi các khu TĐC hiện vẫn còn trong giai đoạn thi công dang dở.
Đồng chủ trì buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: cần rà soát lại tổng thể, thống nhất tổng mức đầu tư, suất đầu tư các lô TĐC. Riêng đặc thù khu TĐC Tà Lang-Giàn Bí cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cần tính đến bài toán canh tác khiến diện tích lô TĐC cho các hộ này tăng cao...
Trao đổi cơ sở pháp lý, kinh nghiệm TĐC dự án, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: cơ chế chính sách TĐC Đà Nẵng là địa phương quyết định, chủ đầu tư dự án chi trả kinh phí GPMB. Cần xác định nguyên tắc TĐC tập trung trên cơ sở quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để ra từng suất đầu tư cho mỗi lô cụ thể. Trên cơ sở này, dự án có bao nhiêu lô cần TĐC sẽ tiến hành giải ngân chi phí GPMB bấy nhiêu.
Lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP.Đà Nẵng "chốt" chậm nhất 15/8 tới, 2 khu TĐC cho dự án đường HCM phải được khởi công. Theo Thứ trưởng Lê Định Thọ, muốn nhanh, thành phố cần triển khai song song các công tác lập bảng vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu, khi thi công cần xác định vị trí nào ưu tiên bố trí lô TĐC để làm trước...
Sau nhiều lần trễ hẹn, Đà Nẵng mới cơ bản gỡ "nút thắt" khởi công khu TĐC cho các hộ di dời, giải tỏa dự án đường HCM đoạn La Sơn-Túy Loan.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Đà Nẵng giaoSở GTVT thành phố rà soát, tính toán lại đường dân sinh; thống nhất với kiến nghị của UBND TP.Đà Nẵng về cơ chế hoàn tiền cho thành phố, chủ động hoàn trả các tuyến đường dân sinh theo quy hoạch.
Riêng vấn đề dân cản trở thi công tại Km 5+731, lãnh đạo Bộ yêu cầu VEC phối hợp địa phương rà soát lại các kiến nghị. Trường hợp cơ chế chính sách đã áp dụng tối đa, cần có biện pháp bảo vệ thi công, phối hợp phương án thi công cụ thể.
baogiaothong.vn