Đánh giá về mạng lưới giao thông Đắk Nông, ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông cho biết: Tỉnh Đắk Nông có hai quốc lộ lớn kết nối với các tỉnh đồng bằng. Đường Hồ Chí Minh thông thoáng nối dọc các tỉnh Tây Nguyên qua Đắk Nông xuống Bình Phước nối với miền Nam, QL28 nối với các tỉnh Nam Trung bộ. QL28 là trục ngang đi từ Đông sang Tây kết nối giữa QL1 và đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông, tuyến có chiều dài 151km. Năm 2007, khi có chủ trương xây dựng Thủy điện Đồng Nai 3, 4 thì QL28 có tới 21,9km bị ngập trong lòng hồ thủy điện. Sau đó, các đơn vị chức năng đã khảo sát tuyến mới với chiều dài 37,7km, nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa từ Bình Thuận qua Lâm Đồng và Đắk Nông. Đặc biệt, mới đây, Bộ GTVT đã chấp thuận chuyển đổi tuyến tỉnh lộ 4 (đường tỉnh 684) từ hệ thống tỉnh lộ thành quốc lộ, kết nối với QL28 hiện hữu thành tuyến QL28 nối dài.
Tuy nhiên, Bí thư tỉnh Đắk Nông, ông Lê Diễn cho biết: Mạng lưới giao thông Đắk Nông đang ngày càng chật chội, chưa đáp ứng với vị trí một tỉnh cửa ngõ Tây Nguyên, nhất là sau khi dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông đi vào hoạt động. Với quan điểm chú trọng đầu tư, phát triển lĩnh vực GTVT, tạo tiền đề phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực khác, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT quan tâm giải quyết sớm các dự án đầu tư kết cấuhạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, triển khai đầu tư tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành thuộc dự án đường sắt đa dụng Tây Nguyên kết nối vùng trọng điểm công nghiệp khai khoáng bô-xít với các cảng biển vùng Đông Nam và Nam Trung bộ; lập Quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư Sân bay Nhân Cơ; triển khai xây dựng các tuyến đường hoàn trả phục vụ thi công xây dựng hai tuyến QL14, 28 đoạn qua địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Bộ GTVT cho chủ trương sử dụng nguồn kinh phí kết dư còn lại của Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để đầu tư xây dựng tuyến tránh đô thị Đắk Mil; triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh thuộc Dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Ngoài ra, giao địa phương làm chủ đầu tư hai dự án (dự án cải tạo, nâng cấp QL14C giai đoạn II; dự án nâng cấp QL28 đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê).
Trong tháng 7/2016, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cơ bản đồng ý với những kiến nghị của tỉnh Đắk Nông. Bộ trưởng cho rằng, việc tiếp tục đầu tư xây dựng QL14C có ý nghĩa quan trọng cho đời sống người dân các vùng biên giới và công tác an ninh, quốc phòng. Đối với các dự án như QL14C và QL28 đã được đưa vào vốn trung hạn, tỉnh cần đưa vào dự án cấp bách để sớm bố trí nguồn vốn triển khai. Bộ GTVT cũng thống nhất xem xét xây dựng QL28B phục vụ vận chuyển vật liệu cho Nhà máy Nhôm Nhân Cơ vì đây là vấn đề cấp bách. Đến cuối năm 2017 đầu 2018, Nhà máy Nhôm Nhân Cơ bắt đầu sản xuất. Trước mắt, nên đầu tư mạng lưới đường bộ hiện có kết nối đường sắt, còn đường cao tốc sẽ đưa vào đầu tư dài hạn. Việc xây dựng đường sắt, các tỉnh Tây Nguyên đều đề nghị nhưng cần vốn rất lớn, Đắk Nông giáp với các tỉnh miền Nam, nối với TP.HCM nên Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ cho đầu tư xây dựng trước. Tuy nhiên, xây dựng dự án đường sắt và đường cao tốc cần xem xét và lựa chọn một trong hai giải pháp. Với đường sắt, kinh phí đầu tư rất tốn kém, cần kêu gọi xã hội hóa. Bộ GTVT nhất trí với đề xuất xây dựng Sân bay Nhân Cơ nhưng phải do Bộ Quốc phòng chỉ đạo và tỉnh cần tìm nhà đầu tư khả thi nhất.
Báo Giao thông