Báo cáo từ đơn vị quản lý dự án cho biết, tuyến cuối Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi có chiều dài 7,4 km, được chia làm năm gói thầu. Đến nay, các gói thầu xây lắp đường, xây lắp cầu Rạch Bầu Nhỏ và cầu Xóm Mũi đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2018. Riêng gói thầu xây dựng cầu Rạch Tàu và cầu Rạch Vàm (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), do gặp trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng (đường điện, cáp viễn thông, mồ mả…) nên hiện tại, khối lượng công trình mới đạt hơn 5,1%.
Qua kiểm tra, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh yêu cầu nhà thầu, các đơn vị thi công phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sở tại để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 4-2018 để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình chậm nhất vào cuối tháng 12 năm nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT.
Trước đó vào sáng cùng ngày, Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác quyết toán, bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đoạn 7,4 km cuối tuyến Dự án đường Hồ Chí Minh nêu trên. Đại diện UBND tỉnh Cà Mau cam kết sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 4 năm nay, tạo điều kiện để các đơn vị thi công đẩy nhanh và hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau là đoạn cuối của Dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý là BQLDA đường Hồ Chí Minh. Dự án có điểm đầu tại cầu Ông Tình (huyện Năm Căn) và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) tỉnh Cà Mau. Toàn tuyến có tổng chiều dài hơn 58 km, quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Đến đầu tháng 1-2016, Dự án đã được đầu tư và cơ bản hoàn thành 51,3 km, còn 7,4 km cuối tuyến hoàn tất thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán và lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng vào cuối năm 2016.
Đây là dự án, công trình hết sức ý nghĩa, bởi sau khi hoàn thành, ngoài xóa thế “ốc đảo” biệt lập của huyện Ngọc Hiển (điểm cuối cùng của đất nước chưa có đường ô-tô đến trung tâm), giúp nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện… con đường còn tạo nên đột phá lớn về kinh tế, xã hội, du lịch cho vùng đất cuối cùng cực nam đất nước nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.