Điểm sáng từ Đảng bộ PMU đường Hồ Chí Minh

11/8/2020

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy BQL dự án đường Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cuối tháng 7/2020. Ảnh: Duy Lợi

Nổi bật nhất là việc đưa hàng trăm km đường Hồ Chí Minh vào khai thác, khởi công xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên theo mô hình kiểu mẫu, hoàn thành kế hoạch giải ngân hàng năm, sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức…

Hoàn thành, đưa vào khai thác 21 dự án dài 636km

Một sáng đầu tuần cuối tháng 7/2020, PV Báo Giao thông có dịp đến Ban QLDA đường Hồ Chí Minh liên hệ làm việc. Vừa bước vào trụ sở tại 106 Thái Thịnh (Hà Nội), những âm thanh rộn rã, hùng tráng trên nền nhạc của bài Tiến Quân Ca bỗng vang lên từ phía hội trường.

Ông Lâm Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh nói luôn: “Chẳng phải ngày lễ hay dịp đặc biệt gì của Ban đâu, đây chỉ là buổi chào cờ hàng tuần của chúng tôi”.

Theo ông Hoàng, chào cờ vào sáng Thứ 2 hàng tuần đã được đơn vị duy trì đều đặn nhiều năm qua nhằm khơi dậy lòng tự hào về Đảng, về Bác. Đây cũng là dịp để toàn thể đảng viên, viên chức và người lao động của PMU đường Hồ Chí Minh gặp mặt, trao đổi hai chiều giữa lãnh đạo với nhân viên.

Ngay sau lễ chào cờ, Đảng ủy Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phổ biến đầy đủ thông tin đến toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động về các hoạt động từ tổ chức, đời sống đến tình hình việc làm của Ban để mọi người cùng nắm bắt.

Những ai còn ý kiến thắc mắc đều sẽ được Đảng ủy, lãnh đạo Ban trực tiếp trao đổi, đối thoại giải quyết kịp thời, không để diễn biến tư tưởng xảy ra. “Nắm bắt và làm tốt công tác tư tưởng của đảng viên, viên chức, người lao động từ đó mới xây dựng được sự đoàn kết”, ông Hoàng chia sẻ.

Đoàn kết là gốc rễ, là tiền đề, là sức mạnh để PMU đường Hồ Chí Minh hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua. Điển hình, giai đoạn năm 2015 đến tháng 12/2019, đơn vị đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác 21 dự án thành phần (dài 636km) đường Hồ Chí Minh và các dự án khác ��ảm bảo tiến độ, chất lượng. Trong đó, riêng dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dài 341km (9 dự án) hoàn thành vào tháng 7/2015, vượt tiến độ 1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội.

Đồng thời, PMU đường Hồ Chí Minh hoàn thành hàng loạt công trình sử dụng vốn dư của dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để nối thông đường Hồ Chí Minh các đoạn khu vực phía Bắc từ Bắc Kạn sang Thái Nguyên, Tuyên Quang; khu vực phía Nam là đoạn Năm Căn - Đất Mũi, điểm cuối cùng của Tổ quốc.

Xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam kiểu mẫu

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai dự án cao tốc đầu tiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, nơi được đánh giá có điều kiện địa chất, khí hậu, địa hình khó khăn nhất trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ GTVT và nỗ lực không ngừng của PMU đường Hồ Chí Minh, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, dự kiến thông xe vào cuối năm 2020.

Trong các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ GTVT, tôi đánh giá Đảng bộ Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh luôn nằm trong tốp đầu. Trong giai đoạn 2015 - 2020, PMU đường Hồ Chí Minh đã đoàn kết, thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án được giao, hoàn thành đưa nhiều công trình vào khai thác đảm bảo tiến độ, chất lượng, đóng góp chung vào công cuộc phát triển hệ thống hạ tầng của Bộ GTVT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ


Tiếp đến, được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” giao triển khai hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn (đầu tư công) và Nha Trang - Cam Lâm (đầu tư PPP), trong hai năm qua, PMU đường Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu để đẩy nhanh quá trình triển khai xây dựng.

Đến nay, 11/11 gói thầu xây lắp của dự án Cam Lộ - La Sơn đã tổ chức thi công đồng loạt. Trong chuyến kiểm tra hiện trường dự án vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận nỗ lực rất lớn của dự án và đánh giá công trình trọng điểm này được PMU đường Hồ Chí Minh tổ chức rất bài bản, khoa học.

Ông Hoàng cho biết, Cam Lộ - La Sơn là dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên xây dựng với mô hình kiểu mẫu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. Ngoài việc bố trí các hạng mục phụ trợ bài bản, khoa học, một số gói thầu dự án đã áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.

Hệ thống camera giám sát được lắp ở một số vị trí trên dọc tuyến, khu vực tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông, vừa đảm bảo ANTT, vừa theo dõi giám sát quá trình tổ chức thực hiện nhằm giảm bớt sự can thiệp của con người.

“Dự án trang bị hệ thống flycam định kỳ bay dọc tuyến để giám sát thi công. Dù ở bất cứ đâu, chúng tôi chỉ cần vào mạng internet là biết ngay từng gói thầu đang triển khai thi công thế nào, nhà thầu có thi công không, mặt bằng vướng ở đâu, bãi đổ thải có đảm bảo vệ sinh môi trường không để đưa ra những giải pháp chấn chỉnh kịp thời”, ông Hoàng nói và cho biết, theo yêu cầu từ lãnh đạo Bộ GTVT, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn áp dụng mô hình quản lý giống như các dự án sử dụng vốn ODA.

“Ngoài ra để hạn chế các tiêu cực, chúng tôi còn công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Ban, tư vấn giám sát, nhà thầu trên khắp công trường để người dân có vấn đề gì sẽ nhắn tin, gọi điện trực tiếp phản ánh”, ông Hoàng chia sẻ thêm.

Đoàn kết là gốc rễ của thành công

Kết quả giải ngân là thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động các Ban quản lý dự án. Đối với PMU đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2019, hàng năm đơn vị đều hoàn thành giải ngân kế hoạch được giao và luôn nằm trong tốp đầu của Bộ GTVT.

Tính từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã giải ngân được hơn 27.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, PMU đường Hồ Chí Minh được Bộ GTVT giao 3.800 tỷ đồng, qua 7 tháng đầu năm đã giải ngân được 60%, cao hơn mức bình quân của Bộ GTVT (41,5%).

“Đến hết năm 2020, chúng tôi sẽ giải ngân toàn bộ nguồn vốn kế hoạch được giao. Hiện nay, Ban đang xin bổ sung thêm 400 tỷ đồng để giải ngân cho hai dự án cao tốc Bắc - Nam, dự kiến cả năm giải ngân đạt 112% kế hoạch yêu cầu”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, các thành tích đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của PMU đường Hồ Chí Minh có vai trò rất lớn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và cụ thể của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ GTVT và Đảng ủy Bộ GTVT, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện của Đảng ủy Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. “Nếu các cấp ủy đảng không quyết tâm, không vào cuộc thì không thể có được các thành quả như thời gian qua”.

Hàng tuần, hàng tháng, Đảng ủy Ban đều họp bàn với các chi ủy, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của các phòng, ban tham gia vào các công trình trọng điểm để đưa ra các giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân giải quyết để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Đảng ủy Ban cũng phân công từng đồng chí đảng ủy viên xuống dự cùng các chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đảng viên từ đó kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm làm tốt công tác tư tưởng. “Khi tư tưởng đã thông, mọi người cùng đoàn kết thì khó khăn mấy cũng vượt qua”, ông Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh làm tốt công tác tư tưởng, Đảng ủy PMU đường Hồ Chí Minh xác định việc duy trì nguồn công ăn việc làm, thu nhập ổn định và đảm bảo công bằng cho người lao động là mục tiêu chính trị quan trọng xuyên suốt cả nhiệm kỳ qua.

Ngoài ra, công tác cán bộ cũng được PMU đường Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Trong 5 năm qua, đơn vị đã sắp xếp tinh gọn từ 19 phòng xuống còn 10 phòng, sắp tới giảm tiếp xuống còn 9 phòng để phù hợp với tình hình mới. “Mọi thứ đều được làm trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch vì sự nghiệp chung, kết hợp làm tốt công tác tư tưởng nên đến nay không có bất cứ đơn thư, khiếu nại nào”, ông Hoàng chia sẻ.

 
 
 
 

 

Báo GT
Thống kê truy cập