Dự án Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Vượt giới hạn giải ngân

11/8/2020

Chính thức khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 9/2019, nhưng đến đầu quý II/2020, toàn bộ 11 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới được triển khai đồng loạt.

.
Đến giữa tháng 7/2020, Dự án đã giải ngân được 900 tỷ đồng, có khả năng rất cao hoàn thành mục tiêu giải ngân được Bộ Giao thông - Vận tải ấn định.

Từ khoảng 3 tháng nay - khi đợt giãn cách xã hội vì Covid - 19 vừa kết thúc, trừ một bộ phận nhỏ nhân sự ở lại Hà Nội làm công tác nội nghiệp, phần lớn cán bộ, kỹ sư tinh nhuệ nhất đã được lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đưa vào Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nơi công trường Dự án Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai để trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc, thúc tiến độ công trình.

Chính thức khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 9/2019, nhưng cũng phải đến đầu quý II/2020, toàn bộ 11 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách, mới được triển khai đồng loạt.

Như thông lệ, đây là quãng thời gian chạy rốt đa, cả chủ đầu tư và nhà thầu vẫn thường nhẩn nha hoàn thiện thủ tục và huy động máy móc, nhân sự đến công trường. Tuy nhiên, chấp hành nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khởi công, Dự án đã tăng tốc ngay từ giai đoạn đầu với mục tiêu dài hạn là hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2022 và mục tiêu trước mắt là phải giải ngân tối thiểu 1.500 tỷ đồng trong năm 2020.

Đến giữa tháng 7/2020, sau khi kiên trì bám địa phương để sớm có công địa sạch; thúc nhà thầu dồn sức thi công liên tục 3 ca; yêu cầu tư vấn rút ngắn trình tự thanh toán để đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn… Dự án đã giải ngân được 900 tỷ đồng, có khả năng rất cao hoàn thành mục tiêu giải ngân được Bộ Giao thông - Vận tải ấn định, dù công trường chỉ còn thi công rầm rộ thêm 1- 2 tháng nữa trước khi mùa mưa bão đến miền Trung.

Với cách làm tương tự, nhưng ở một số công trình khác, trong năm 2020, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh hy vọng có thể giải ngân được khoảng 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, vượt một chút kế hoạch được giao hồi đầu năm.

Điều đáng nói, kết quả giải ngân nói trên chưa phải là khối lượng vốn giải ngân cao nhất mà Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh từng đạt được, thậm chí nó chỉ ở mức trung bình so với giai đoạn cao điểm 2010 - 2014.  Dù đã dồn rất nhiều nguồn lực và phải chịu rất nhiều sức ép bởi nếu không hoàn thành mục tiêu giải ngân, thì lãnh đạo Ban có thể phải chịu chế tài kỷ luật của Bộ Giao thông - Vận tải, nhưng trong giai đoạn hiện nay, kết quả giải ngân này vẫn là giới hạn khó vượt qua đối với Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh - đơn vị chủ đầu tư được đánh giá là chuyên nghiệp bậc nhất trong ngành giao thông - vận tải.

Kết quả giải ngân đã chạm giới hạn của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cũng đang là một trong những vấn đề lớn của toàn ngành giao thông - vận tải cho dù giải ngân vốn nhanh sẽ giúp mang lại công ăn việc làm, thu nhập tốt cho người lao động, cho cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công. Trên thực tế, cho đến hết tháng 7/2020, bằng rất nhiều giải pháp quyết liệt, bám sát công trường, Bộ Giao thông - Vận tải (với tư cách là một trong những đầu tàu giải ngân lớn nhất cả nước) mới giải ngân được 42% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, nằm trong top 10 bộ, ngành và địa phương có kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm tốt nhất cả nước.

Song, ngay cả khi hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2020 (39.700 tỷ đồng), nhiều chuyên gia cho rằng, đây chưa phải là kết quả phản ánh đúng năng lực hấp thụ vốn của các chủ thể trong ngành, nhất là chưa khai thác hết dư địa phần vốn ngân sách đã được bố trí.

Cần phải nói thêm, chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công mà Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải dựa trên năng lực và nhu cầu vốn tại từng dự án được chính các chủ đầu tư trong ngành đăng ký trước đó. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục bám sát công trường để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn năm 2020, ngay từ lúc này, các chủ đầu tư trong ngành cần sớm nhận diện, sớm xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mang tính gốc rễ đang làm hẹp năng lực hấp thụ vốn; khiến các dự án đầu tư công triển khai chậm so với các dự án sử dụng vốn tư nhân…

Đây cũng là yêu cầu cấp bách, đặt ra không chỉ với ngành giao thông, mà còn với những bộ, ngành, địa phương khác đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đầu tư công luôn được coi là đòn bẩy, được kỳ vọng sẽ mang lại sức lan tỏa lớn hơn cho cả nền kinh tế hiện chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ Covid - 19.

Báo Đầu tư
Thống kê truy cập