* Bộ GTVT có văn bản đề nghị Cục An ninh kinh tế tổng hợp - Bộ Công an kiểm tra, làm rõ để xử lý.
Dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 qua tỉnh Đắc Lắc gồm 25,46km (từ km 1738+148 - km 1763+610) theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 - 80km/h do liên danh Cty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Cty CP Đông Hưng Gia Lai và Cty CP Sê San 4A làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 9.2013, dự kiến hoàn thành tháng 10.2014.
Nhưng quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã chèn ép các đơn vị thi công, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án là Cty CP BOT Quang Đức. Để triển khai dự án, Cty CP BOT Quang Đức lại ký hợp đồng thuê chính Cty Quang Đức làm đại diện liên danh nhà thầu.
Đại diện liên danh nhà thầu được ủy quyền nhận tiền từ chủ đầu tư, sau đó chuyển khoản cho các đơn vị thi công. Ngoài thủ tục thanh toán lòng vòng, các nhà thầu còn bị giữ lại 20% giá trị hợp đồng (gồm 5% giá trị chờ quyết toán, 5% để bảo hành, 10% phần nền đường cho đến khi thảm nhựa xong) và không tạm ứng. Do vậy, quá trình thi công, các nhà thầu xây lắp đã lâm cảnh khốn đốn vì không có vốn mua vật liệu, nhiên liệu và chi trả nhân công.
|
Các nhà thầu đồng loạt đình công để phản đối nhà đầu tư. |
Đặc biệt, nhà đầu tư này còn yêu cầu các nhà thầu xây lắp "chiết giảm" đến 30% giá trị mỗi gói thầu, chỉ được nhận 70% giá trị được phê duyệt, quyết toán. Việc bắt nhà thầu xây lắp "lại quả" 30% được tính toán trước, khi Cty CP BOT Quang Đức không trực tiếp ký hợp đồng thi công với nhà thầu, mà chỉ ký với Cty Quang Đức. Để được Cty Quang Đức ký hợp đồng thi công, ngày 17.3, Cty TNHH Gia Huy (TPHCM) có thư đề xuất nhận thầu với điều kiện: "Chiết giảm 30% giá trị của gói thầu theo hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt. Chúng tôi chỉ nhận thanh toán thực tế bằng 70% giá trị ký kết trong hợp đồng giao nhận thầu".
Mặc dù chỉ nhận 70%, nhưng nhà thầu này vẫn cam kết: "Chịu trách nhiệm xuất hóa đơn VAT và lập hồ sơ thanh toán theo đúng giá trị ghi trong hợp đồng". Quá trình thanh toán các gói thầu số 9, 10 cũng cho thấy, Cty Quang Đức mới chuyển hơn 1,7/2,4 tỉ đồng, nhưng Cty Gia Huy phải nộp lại cho Thái Nữ Kiều Trang - kế toán trưởng, con gái TGĐ Cty Quang Đức - hơn 579,4 triệu đồng, tương đương 30%. Với việc "chặt chém" như vậy, rõ ràng các nhà thầu xây lắp không thể có lãi. Từ đó, dư luận đặt câu hỏi về chất lượng quốc lộ 14, vốn không phải tài sản riêng của nhà đầu tư.
Do sự chèn ép trên, từ ngày 1.6, các nhà thầu xây lắp đã đồng loạt dừng thi công để phản đối, khiến dự án giẫm chân tại chỗ. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã liên tục đôn đốc giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, song các biện pháp khắc phục của nhà đầu tư không hiệu quả. Đến nay, dự án mới thi công được khoảng 40/662 tỉ đồng - đạt 8% giá trị hợp đồng, bằng 30,5% tiến độ được phê duyệt. Liên quan đến các sai phạm của nhà đầu tư này, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Cục An ninh kinh tế tổng hợp - Bộ Công an kiểm tra, làm rõ để xử lý.