Sinh ra quyền… phải có cơ chế giám sát
Nội dung xuyên suốt trong các cuộc họp là việc Bộ trưởng yêu cầu tất cả các Ban QLDA phải chuyển mô hình quản lý dự án từ chiều dọc sang chiều ngang để tăng tính minh bạch, có sự giám sát chéo lẫn nhau giữa các phòng, ban chuyên môn. “Các ban QLDA phải dứt khoát chuyển đổi sang mô hình quản lý theo chiều ngang. Tổ chức theo mô hình khép kín, dễ sinh ra các lợi ích cục bộ, tiêu cực. Muốn chấm dứt tình trạng này chỉ có cách công khai, minh bạch. Ban QLDA mà không khuất tất, chẳng có lý do gì không dám đuổi nhà thầu yếu, vi phạm hợp đồng. Đã sinh ra quyền lực thì phải có cơ chế giám sát quyền lực” - Bộ trưởng chỉ đạo.
"Tổ chức mô hình chiều ngang là phù hợp nhưng cũng cần phải tách bạch giữa phòng quản lý dự án chuyên lo về các thủ tục, chuẩn bị đầu tư với hệ thống điều hành dự án chỉ thực hiện chức năng quản lý thi công. Theo đó, khi phòng quản lý dự án chuẩn bị dự án xong sẽ chuyển sang ban điều hành dự án để thực hiện. Đây là mô hình mà các dự án quốc tế đang áp dụng”.
Ông Trần Xuân Sanh
Cục trưởng Cục QLCL&XDCTGT
|
Thực tế, tại các Ban QLDA hiện nay đang tồn tại cả hai mô hình quản lý dự án nêu trên. Mô hình chiều dọc là hình thức một dự án chỉ được giao cho một phòng điều hành (PID) quản lý toàn bộ, từ khi lập dự án đến khi kết thúc đầu tư. Cách làm khép kín này mặc dù có những ưu điểm nhất định nhưng dễ tạo ra lợi ích cục bộ, thiếu minh bạch, không có sự giám sát lẫn nhau, phát sinh tiêu cực. Trong khi cách quản lý chiều ngang theo hướng dự án được phân thành nhiều giai đoạn công việc như: Lập dự án đầu tư, chuẩn bị thực hiện, thực hiện thi công, quyết toán. Ở mỗi công đoạn sẽ được giao cho một bộ phận, hoặc nhiều bộ phận cùng tham gia đang được đánh giá là có thể hạn chế những nhược điểm trên.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Ban QLDA 6, đơn vị đang áp dụng cả hai phương thức quản lý. “Qua đánh giá, hình thức quản lý theo chiều dọc đòi hỏi phải có nhiều cán bộ trong một phòng dự án (từ 15 - 20 người) do phải có đầy đủ chuyên viên đảm nhận các khâu chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật và các nghiệp vụ khác. Trong khi nếu quản lý theo chiều ngang sẽ khai thác hết khả năng, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, chuyên viên do họ chỉ phải tập trung chuyên môn vào một lĩnh vực nhất định của mình. Có sự kiểm soát chéo, ít bị quá tải trong công việc đối với một bộ phận” - ông Tuấn Anh nói.
Hiện tại mô hình quản lý theo chiều ngang cũng được Ban QLDA 1, 2 và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh… bước đầu áp dụng cho một số dự án vốn trong nước.
Muốn thu nhập cao phải tinh gọn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, hầu hết lãnh đạo các Ban QLDA đều cho rằng mức thu nhập của CBCNV còn thấp, chưa tương xứng với trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các cục, vụ liên quan lại cho rằng, muốn có thu nhập cao, các Ban QLDA cần phải tổ chức lại bộ máy, điều chỉnh lại nhân sự một cách phù hợp.
Ông Trần Văn Lâm - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng: “Hiện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có tới 18 phòng, ban là quá nhiều nên cần làm gọn hơn nữa. Để có lương tăng thêm, số lượng lao động phải giảm đi hoặc nguồn thu tăng lên”.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính lấy ví dụ về Ban QLDA 2, với khối lượng dự án như hiện nay mà đơn vị này vẫn duy trì 4 phòng chức năng, 8 phòng quản lý dự án là nhiều nên cần nghiên cứu, sắp xếp lại đội ngũ lao động cho hợp lý.
Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, bộ máy của các Ban QLDA quá cồng kềnh nên cần phải sắp xếp lại. Cần phải tính toán lại định biên, tinh giản những vị trí không đáp ứng được năng lực. Tuy nhiên, nếu thấy cần thêm nhân lực có chất lượng, vẫn có thể bổ sung để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Riêng các văn phòng đại diện của các Ban QLDA tại miền Trung, miền Nam, Bộ trưởng cho rằng sự tồn tại là không cần thiết và phải giải thể.
Trong các buổi làm việc, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Ban QLDA đối với việc bảo đảm chất lượng dự án, trong đó trách nhiệm cao nhất phải thuộc về lãnh đạo các Ban QLDA. “Bộ đã giao quyền hạn và trách nhiệm cho các Ban QLDA mà đứng đầu là Tổng giám đốc nên phải gắn trách nhiệm với chất lượng và tiến độ dự án. Ban QLDA là nơi lập, phê duyệt dự án, lựa chọn, ký hợp đồng với tư vấn, nhà thầu, giám sát thi công nên để xảy ra vấn đề gì về chất lượng là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu Ban QLDA” - Bộ trưởng nói.
Tiến Mạnh
Theo Báo GTVT