Đoạn BOT qua Bình Phước đẹp như tranh vẽ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM, cho biết: “Đến nay, đường Hồ Chí Minh qua Bình Phước cơ bản đã hoàn thành thảm bê tông nhựa. Đặc biệt, trong tháng này có thể nghiệm thu bàn giao dự án BOT do Đức Thành Gia Lai đầu tư”.
Trước kia, đường HCM qua Bình Phước là đoạn đường phức tạp nhất. Ban QLDA đường HCM khi tiếp nhận quản lý điều hành đã gặp phải những khó khăn gì ?
Sau khi dự án được chuyển giao từ UBND tỉnh Bình Phước về Bộ GTVT (tháng 10/2013), thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục và chính thức triển khai thi công toàn tuyến qua Bình Phước từ tháng 4/2014.
Như mọi năm, đến khoảng cuối tháng 5 mới bắt đầu vào mùa mưa, tuy nhiên mùa mưa năm 2014 đến sớm và kết thúc muộn hơn, nên việc đẩy nhanh tiến độ gặp phải nhiều khó khăn. Nếu như các tỉnh Tây Nguyên tháng 10 đã hết mùa mưa thì riêng Bình Phước đến giữa tháng 12 mới hết mưa. Khó khăn do thời tiết bất lợi khiến các dự án này không thể thảm bê tông nhựa sớm được. Nhiều đoạn chuyển giao từ hình thức đầu tư BOT sang vốn trái phiếu Chính phủ khi kiểm đếm thì chất lượng lớp cấp phối đá dăm vẫn tốt, nhưng qua mùa mưa bị hỏng nên phải bóc hết đi rải đá cấp phối lại, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Một khó khăn nữa là việc cung cấp vật liệu đá. Tại thời điểm bắt đầu thi công, nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã hết hạn khai thác hoặc công suất khai thác nhỏ, việc làm thủ tục gia hạn khai thác nhanh nhất cũng mất từ 4-6 tháng. Đặc biệt tại đoạn Cây Chanh - Cầu 38, trên địa bàn chỉ có 1 mỏ đá, nhưng công suất thấp và sắp hết thời hạn khai thác, đá chỉ đảm bảo chất lượng để thi công lớp subase.
Ông Dương Hồ Minh báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về tiến độ đường HCM qua Bình Phước
Ban QLDA đường HCM đã có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường HCM qua Bình Phước, thưa ông?
Để có đủ đá cho thi công ngay sau khi mùa mưa kết thúc, Ban HCM đã chỉ đạo các nhà thầu lập tiến độ tập kết vật liệu đá trong mùa mưa. Ban QLDA chỉ đạo tư vấn giám sát, bộ phận điều hành dự án thực hiện việc kiểm điểm tiến độ tập kết theo tuần một, tháng để làm cơ sở nghiệm thu và làm thủ tục cho nhà thầu ứng tối đa 80% kinh phí để thanh toán cho các chủ mỏ đá.
Đối với các mỏ đá đã hết thời hạn khai thác hoặc phải làm thủ tục tăng công suất, Ban QLDA đã đề xuất Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các mỏ đá trong quá trình đợi được cấp phép khai thác vẫn được khai thác với mục đích cung cấp vật liệu đẩy nhanh tiến độ đường HCM. Đoạn giáp với tỉnh Đắk Nông, Bộ GTVT đã chấp thuận các nhà thầu sang các mỏ đá tại Đắk Nông để mua đá. Thậm chí có thời gian cao điểm có nhà thầu còn xuống các mỏ của Đồng Nai để mua đá.
Khi mùa mưa kết thúc, Ban QLDA đường HCM chỉ đạo các nhà thầu thi công bổ sung thêm thiết bị so với yêu cầu, tổ chức thi công 3 ca để bù lại tiến độ đã bị chậm. Khi ấy, anh em Ban QLDA đường HCM cũng thường trực bám sát hiện trường cùng tư vấn giám sát và nhà thầu để thúc đẩy tiến độ, rà soát lại những điểm hư hỏng để khắc phục ngay lập tức, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng quy định.
Đối với các nhà thầu nguy cơ cao chậm tiến độ, Ban đã kịp thời tăng cường nhà thầu nhằm đảm bảo hoàn thành đồng bộ các gói thầu theo đúng tiến độ yêu cầu
Dự án BOT do Đức Thành Gia Lai làm chủ đầu tư đã hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu bàn giao, những giải pháp gì đã giúp dự án này có được "cú cán đích" ngoài dự kiến, thưa ông?
Những khó khăn dự án BOT này gặp phải cũng là khó khăn chung của toàn tuyến đường HCM qua Bình Phước. Khi tiếp nhận dự án Ban QLDA đường HCM thấy dự án quá ngổn ngang, bề bộn. Ngay lập tức, Ban đã rà soát lại tổng thể dự án. Tuy nhiên đến mùa mưa năm 2014, Ban QLDA vẫn lo dự án BOT do Đức Thành Gia Lai đầu tư sẽ chậm tiến độ. Khi ấy, anh em Ban QLDA đường HCM phải cùng với Đức Thành thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, rà soát lại những điểm hư hỏng để khắc phục ngay lập tức, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng quy định.
Điều đáng ghi nhận là ngay khi sau khi mùa mưa kết thúc, nhà đầu tư đã chỉ đạo cho các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Ban QLDA đường HCM đã yêu cầu tư vấn giám sát phải bố trí cán bộ bám sát hiện trường cùng nhà đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công đạt chất lượng tốt nhất, đặc biệt tại các mũi thi công trong đêm phải đảm bảo đủ ánh sáng, tăng cường hệ thống đảm bảo giao thông, an toàn lao động…
Đến ngày 21/3/2015, dự án này thảm xong bê tông nhựa. Trong tháng 4, Ban QLDA đường HCM cùng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã tiến hành kiểm tra tổng thể toàn bộ dự án. Xét về tổng thể dự án BOT đoạn Cầu 38 - Đồng Xoài của nhà đầu tư Đức Thành đã hoàn thiện cơ bản đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu. Một số tồn tại cần được khắc phục, hoàn thiện đúng kỹ thuật trước khi thực hiện công tác nghiệm thu toàn dự án.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Báo Giao thông