Tầm nhìn chiến lược
Tây Nguyên ở vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, với hơn 40 dân tộc anh em sinh sống. Vùng đất này có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia; có các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông-Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như: Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội. Từ những đặc điểm về địa lý, khu vực Tây Nguyên thực sự là “ngã ba vàng” để mở rộng giao thương, phát triển kinh tế.
Trước đây, Quốc lộ 14 đã được đầu tư nâng cấp, song do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá tải, nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến lái xe và hành khách luôn thường trực nỗi lo mất an toàn giao thông. Trung bình, một xe khách chạy tuyến từ Gia Lai đến TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài chưa tới 560km, nhưng phải mất gần 17 giờ đồng hồ. Đường bị cày nát, nham nhở “ổ gà”, “ổ voi” khiến các phương tiện tham gia giao thông bị hư hỏng, chạy chậm rì, nhiều đoạn bị ùn tắc giao thông… Được biết, trung bình, lưu lượng xe qua tuyến đường này hơn 4.000 chiếc/ngày-đêm, bình quân thời gian từ Gia Lai đến TP Hồ Chí Minh thường chậm 5 tiếng đồng hồ. Như vậy, thiệt hại về tiêu hao nhiên liệu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; các lãng phí khác hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Tính sơ bộ, sự lãng phí các khoản là hơn 3.000 tỷ đồng/năm.
Để Tây Nguyên phát triển bền vững, ngoài việc đầu tư vào các dự án kinh tế, xã hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đoạn ngoài đô thị theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, hai làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, đoạn qua khu vực đông dân cư, qua thị trấn, thị xã, thành phố theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/giờ. Hướng tuyến đường cơ bản bám theo Quốc lộ 14 hiện có và mở rộng hai bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn. Giải quyết vấn đề nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh trên vùng đất chiến lược của cả nước.
Thời điểm tháng 4-2014, dự án nâng cấp Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên) mới bắt đầu thi công, dự kiến tới cuối năm 2016 sẽ hoàn thành, nhưng với tinh thần thi đua “vượt nắng, thắng mưa”, các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thực hiện các công đoạn, nên đến nay Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc rút ngắn thời gian thi công, đưa dự án “về đích” sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu đã góp phần tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đó là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giao thông vận tải với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành, chủ đầu tư, các nhà thầu và các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực; giải quyết kịp thời các vướng mắc về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và nguồn cung vật liệu phục vụ thi công suốt gần hai năm qua.
Đại diện của một trong những công ty về đích sớm nhất, chất lượng cao nhất trong thực hiện dự án, được Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen, ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Quang Đức cho biết: “Công ty trúng thầu đoạn đường từ thị xã Buôn Hồ (Đắc Lắc) đến tiếp giáp TP Buôn Ma Thuột có chiều dài 25,46km. Để về đích trước một năm và có được con đường mà độ bằng phẳng, độ nhám mặt đường đều bảo đảm xe chạy an toàn với tốc độ theo thiết kế quy định, chúng tôi đã mua và đưa vào sử dụng hệ thống máy trải thảm bê tông nhựa và xe lu nhập từ Đức về. Đây là những thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới và mới được áp dụng tại Việt Nam, có thể tăng tốc độ thi công lên gấp 3-4 lần so với các thiết bị trước đó, nhưng chất lượng bảo đảm tốt. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi đã "vượt lên chính mình".
Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua TP Plei-cu, tỉnh Gia Lai.
Cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp
Với việc Đường Hồ Chí Minh được thi công hoàn thiện, sẽ kết nối vào Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, tạo ra hệ thống giao thông rộng khắp, vừa liên kết các tỉnh Tây Nguyên vừa nối với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông-Tây, tạo ra sức hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên. Tính từ năm 2013 đến nay, số vốn đăng ký đầu tư tại Tây Nguyên đạt hơn 66.000 nghìn tỷ đồng.
Thực tế trong những năm qua, khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, đặc biệt dự án nâng cấp, mở rộng Đường Hồ Chí Minh, cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của chính quyền các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính riêng ở Gia Lai, từ năm 2013 đến nay có 140 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận và chấp thuận chủ trương đầu tư. Có 52 dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất, với tổng vốn đăng ký 5.850 tỷ đồng, 57 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng vốn đăng ký 12.168 tỷ đồng… Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 200 triệu USD… Ở Đắc Nông chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, địa phương này đã thu hút rất nhiều dự án, trong đó có những dự án lớn với vốn đăng ký hàng trăm triệu USD và dự án của nước ngoài.
Trước thực tế các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Tây Nguyên tăng đột biến, nhiều doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc cũng “tranh thủ” trang bị thêm phương tiện mới, tăng chuyến phục vụ khách hàng, tăng doanh thu vì trước đây, đường xấu hạn chế người đi lại trao đổi hàng hóa. Tới đây, nhiều doanh nghiệp vận tải khách như: Hồng Hải, Thuận Tiến, Thuận Hưng… sẽ mở thêm tuyến chạy thẳng từ Quảng Trị vào TP Hồ Chí Minh đi theo lộ trình Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, vì tuyến đường này sẽ rút ngắn được gần 100km so với trước đây, mặt đường rộng, phẳng, tốn ít nhiên liệu, hạn chế việc hư hỏng xe, bảo đảm an toàn.
Có thể nói, Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên) là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng, rút ngắn 1/3 thời gian đi lại giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực phía Nam, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.