Đường Hồ Chí Minh ngày ấy bây giờ

16/10/2013

Nói đến đường Hồ Chí Minh, có thể không phải ai cũng biết được rằng trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, trên đất nước ta có đến 5 con đường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nói đến đường Hồ Chí Minh, có thể không phải ai cũng biết được rằng trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, trên đất  nước ta có đến 5 con đường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thứ nhất là đường Trường Sơn, thứ hai là đường ống xăng dầu, thứ ba là đường trên biển, thứ tư là đường vận chuyển quá cảnh và thứ năm là con đường chuyển ngân. Những con đường này đã làm thành một tuyến chi viện lớn về sức người, sức của góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc Việt Nam: Hòa bình và đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói một trong 5 con đường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mọi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế biết đến nhiều nhất là đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Con đường huyền thoại này có tổng chiều dài khoảng 20.000 km, do các lực lượng Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến ngày đêm đi mở đường dưới mưa bom bão đạn. Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh gắn liền với những chiến công hiển hách của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại.

Vậy thì một câu hỏi được đặt ra là “Đường Trường sơn - Đường Hồ Chí Minh” trong chiến tranh và “Đường Hồ Chí Minh” hiện nay là như thế nào? Vì sao lại có tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh”? Nguyên nhân vì đâu mà có các tên gọi như thế?

Trở về quá khứ cách đây 54 năm về trước, trước yêu cầu bức thiết của cách mạng, ngày 19/5/1959 Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở con đường chiến lược với tên gọi đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là một quyết định lịch sử thể hiện quyết tâm cao độ và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lòng dũng cảm phi thường, trí thông minh sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh, đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn trở thành tuyến vận tải chiến lược vĩ đại như một huyền thoại, một kỳ tích của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Tuy nhiên tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh” không phải ngay từ đầu đã có. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, cái tên “Đường mòn Hồ Chí Minh” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1961 trong báo cáo của tướng Taylor gửi Tổng thống Mỹ Kenedy. Taylor đã gọi tuyến giao liên vận tải của ta là “Ho Chi Minh trail” (Đường mòn Hồ Chí Minh). Dù vậy, cái tên đó thực sự được cả thế giới biết đến trước hết là nhờ cuốn sách nổi tiếng “La piste Ho Chi Minh” (Đường mòn Hồ Chí Minh) của nhà báo người Bỉ Jean Pierre Van Geirt viết bằng tiếng Pháp được xuất bản năm 1971. Cũng trong năm này, ở nước ta xuất hiện cuốn tiểu thuyết “Con đường mòn ấy” của Nhà văn Đào Vũ. Từ đó tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh” mới được lan tuyền phổ biến cả ở trong nước và trên thế giới. Như vậy cái tên “Đường mòn Hồ Chí Minh” hiểu cho đúng là tên gọi của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gắn với một thời kỳ kháng chiến oanh liệt để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

 

Sau khi chiến tranh kết thúc, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai (sau Quốc lộ 1A) ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam”. Trong quá trình nghiên cứu, hoạch định và xây dựng đề án, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ nguyện vọng được đặt tên cho công trình Xa lộ Bắc Nam là Đường Hồ Chí Minh”. Vì theo những người tâm huyết, đường Hồ Chí Minh không những từ lâu đã có tên gọi rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng từng biết đến con đường này thông qua cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Việc lấy tên một vị Lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới để đặt cho một công trình lớn chạy suốt chiều dài đất nước là điều vô cùng xứng đáng. Hơn nữa đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc còn thể hiện ý chí của Bác “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Chính vì vậy, công trình Xa lộ Bắc Nam đã được Đảng và Chính phủ đổi tên thành công trình “Đường Hồ Chí Minh”.

Mục tiêu của việc xây dựng đường Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước xác định là tạo sự liên thông, khai thác và phát triển vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng kinh tế ở phía Tây tổ quốc; hình thành trục xuyên Việt thứ hai để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt Bắc - Trung - Nam; góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịnh sử của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, nhằm giáo dục phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước cho con cháu các thế hệ mai sau. Công trình đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH 11 ngày 3/12/2004 về chủ trương là công trình quan trọng quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 và Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012. Theo đó phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố và được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.183 Km. Điểm đầu của tuyến đường là địa danh Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là địa danh Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau. Ngày 5/4/2000 đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng. Đến nay, sau hơn 13 năm triển khai, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc đưa vào sử dụng, khai thác một tuyến đường dài hơn 1.350 Km từ Hoà Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum và được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao về chất lượng công trình. Giai đoạn 2 của Dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng một số đoạn tuyến tại Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Cà Mau ... Những kết quả này của giai đoạn 2 cùng với việc hoàn thành giai đoạn 1, công trình đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng; hỗ trợ Quốc lộ 1A khi giao thông bị ách tắc trong mùa mưa lũ; đảm bảo an ninh quốc phòng; góp phần thắng lợi vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo và thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nhiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

Như vậy tên gọi “Đường Hồ Chí Minh” hiện nay là con đường gắn với thời kỳ công nhiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là con đường của ý Đảng lòng dân và nếu nhìn về ý nghĩa thời đại thì “Đường Hồ Chí Minh” bây giờ chính là sự tiếp nối của “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong thời kỳ chiến tranh. Vì vậy chúng ta cần gọi cho đúng tên của con đường là Đường Hồ Chí Minh.

 

Phạm Hồng Sơn

    Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh

 

Thống kê truy cập