Giao thông tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển

25/6/2015

Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh sau khi Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) hoàn thành chỉ còn 2/3 thời gian so với trước đây. Điều này đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp muốn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất các ngành nghề thế mạnh tại Tây Nguyên.

 Giao thông Tây Nguyên “mặc áo mới”
 
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2011 - 2015, hơn 30.000 tỷ đồng đã được huy động để đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ QL tại Tây Nguyên. Kế hoạch năm 2016 - 2020, dự kiến cần thêm khoảng 65.000 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ các QL: 14C, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 29, 55, 28B, 40, 40B và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông Tây Nguyên.
 
Vận tải đường bộ hiện đóng vai trò quan trọng tại Tây Nguyên, với tổng chiều dài khoảng 32.220 km. Trong đó, QL khoảng 2.100 km, gồm hai trục dọc đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ), QL14C chạy dọc biên giới và các trục ngang, gồm các QL: 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B, 55; tỉnh lộ khoảng 2.030 km. Còn lại là đường giao thông nông thôn khoảng 25.600 km. Tây Nguyên hiện có ba cảng hàng không lớn là Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên phân bổ tương đối hợp lý.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua các đô thị từ tỉnh Kon Tum đến Pleiku (Gia Lai) đã hoàn thành.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu: Giai đoạn từ năm 2011- 2015, ưu tiên đầu tư toàn bộ trục dọc số 1 đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên dài 663 km, đi qua Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kéo dài đến Bình Phước. Trong đó, giai đoạn I đã hoàn thành 110 km, giai đoạn II dài 553 km, với tổng mức đầu tư 16.828 tỷ đồng theo hình thức Trái phiếu Chính phủ và BOT sẽ hoàn thành trong tháng 6/2015, vượt tiến độ trước một năm so với mục tiêu.
 
Hiện nay, QL20 dài 268 km là trục giao thông chính nối Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ đã hoàn thành khoảng 149 km, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2016. Ngoài ra, hết năm 2015, khoảng 320 km các QL14C, 19, 24, 25, 27, 28, với tổng mức đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng cũng sẽ hoàn thành...
 
Như vậy, trong tháng 6/2015, QL14 hoàn thành đưa vào khai thác, góp phần kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực này với TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, hai tuyến chính là QL14 và QL20 sẽ kết nối với ba cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) và các cảng biển lớn. Mạng lưới giao thông này tạo điều kiện cho người dân Tây Nguyên giao thương thuận lợi với hai nước Lào và Campuchia qua hai cửa khẩu lớn Bờ Y và Lệ Thanh.
 
Thu hút đầu tư
 
Trước năm 2014, QL14 nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến các lái xe “sợ khiếp vía” mỗi khi phải đi qua đây. Trung bình, một xe khách chạy từ Buôn Ma Thuột đến TP Hồ Chí Minh dài 350 km phải mất gần 12 giờ. Nhiều chủ hiệu ga - ra ô tô trên tuyến cho biết, năm 2013, nhiều xe vào sửa chữa chủ yếu vì hỏng gầm, gãy nhíp, nổ lốp…
 
Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách Thu Đức chạy tuyến Buôn Mê Thuột - TP Hồ Chí Minh chia sẻ: QL14 đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khách tăng chuyến, tăng doanh thu, vì trước đây, đường xấu, mỗi ngày các doanh nghiệp chỉ chạy được một chuyến. Hiện nay, tuyến đường rút ngắn chỉ còn hơn 200 km, nhiều doanh nghiệp sẽ tăng chuyến. Không ít doanh nghiệp vận tải khách còn cho biết sẽ mở thêm tuyến chạy thẳng từ Quảng Trị vào TP Hồ Chí Minh đi qua QL14. Đồng quan điểm này, Giám đốc doanh nghiệp nông sản Đắk Lắk, Nguyễn Thành Trung cho biết: “Trước kia, mỗi tháng, doanh nghiệp chỉ chạy được 10 chuyến, nếu QL14 đưa vào khai thác, đường tốt hơn, doanh nghiệp có thể chạy 15 chuyến, vừa giảm chi phí đầu tư cho vận tải, vừa tăng giá nông sản cho bà con”.
 
Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Quang Đức cho biết: “QL14 hoàn thành, doanh nghiệp ông đã có thêm nhiều đối tác đến hợp tác đầu tư hơn. Các doanh nghiệp tính toán thời gian họ vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh nhanh hơn trước, nên tiết kiệm kinh phí không hề nhỏ”.
 
Nhờ có giao thông phát triển, tỉnh Lâm Đồng đã ký kết với Lienvietpostbank và Him Lam thỏa thuận phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên thành cây chiến lược mới ở Lâm Đồng. Theo đó, các bên sẽ quy hoạch chi tiết việc phát triển mắc ca ở địa phương, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nguồn giống - quy trình trồng - chăm sóc; chế biến và phát triển thị trường.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự kiến, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ xây dựng thêm tuyến đường cao tốc Liên Khương (Lâm Đồng) - Dầu Giây (Đồng Nai). Tuyến đường này hoàn thành tiếp tục bổ sung cho mạng lưới giao thông Tây Nguyên một con đường huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ lên Tây Nguyên.
 
Còn Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Huấn, người gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của vùng đất Tây Nguyên trong nhiều năm chia sẻ: “Tác động rõ nhất cả tuyến đường khi đưa vào khai thác chính là việc thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh mẽ và giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân trong khu vực. Giờ đây, được chứng kiến cảnh tượng bà con hai bên đường xây dựng, sửa sang lại nhà cửa, lượng xe lưu thông tăng vọt, đồng bào Tây Nguyên đều cảm nhận rõ rệt sự thay đổi, lột xác về kinh tế của vùng đất.
 
Tiến Hiếu - Báo Tin Tức
Thống kê truy cập