Hiện đại hóa đường Hồ Chí Minh là ước vọng cháy bỏng trong tôi

6/8/2014

Sau chiến thắng lịch sử Mùa xuân 1975, non sông nối liền một dải, trong tôi nung nấu một ước vọng cháy bỏng là phải làm sao hiện đại hóa con đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn kéo dài từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) để phá thế độc đạo về trục dọc xuyên Việt, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước, đặc biệt là địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

 Không phá được thế độc đạo về giao thông, đó là thất sách

Trong thời kỳ làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Binh đoàn 559), tôi được Bác Hồ giao nhiệm vụ mở tuyến đường giao liên Bắc – Nam nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ chủ trương của Bác, năm 1969, tôi có họp bàn với Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Công binh quyết định mở tuyến đường từ Tân Kỳ (Nghệ An) kéo dài đến Lộc Ninh (Bình Phước) dài khoảng 1.000km lấy tên là đường Hồ Chí Minh.

  Nhiều người khi đó tìm đến tôi để hỏi vì sao lấy tên tuyến đường đó là đường Hồ Chí Minh? Sở dĩ có tên như vậy bởi Bác Hồ là người đầu tiên đề ra chủ trương mở đường chi viện Bắc – Nam, Bác là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, lấy tên là đường Hồ Chí Minh để các thế hệ mai sau luôn nhớ đến những công lao to lớn của Bác đã dành cho Tổ quốc và nhân dân.  

Trong chiến tranh phá thế độc đạo về giao thông là một quyết sách. Trong hòa bình cũng vậy, nếu không phá được thế độc đạo về giao thông thì đó là thất sách.  Thời gian khi còn phụ trách chỉ đạo Chương trình 327, tôi có điều kiện đi lại nhiều lần trên đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn. Có nhiều đoạn vẫn sử dụng tốt; nhiều quãng nằm trên đất Lào, nay thuộc quyền quản lý của bạn. Nhưng ruột gan như quặn thắt khi bắt gặp những đoạn đường hư h��ng nặng bởi thời tiết, thời gian. Nhiều quãng cây hoang dại dần che mất lối. Trong một lần trở lại Trường Sơn, gặp gỡ trò chuyện với bà con nơi đây, biết tôi là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, A Lăng Chinh, một cán bộ phụ nữ người Kơ Tu tâm sự: “Đường mà bộ đội của Bác làm ngày trước, có nhiều quãng cỏ cây lấn chen mất nhưng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh không bao giờ phai mờ trong lòng đồng bào dân tộc Kơ Tu”.

Bắt gặp những quãng đường sắp trở thành phế tích, nghe tiếng nói tâm tình của người dân, tôi như thấy mình có lỗi nhiều với anh Đặng Tính, Nguyễn Quang Bình, Nguyễn Xuân Yêm, nhạc sĩ Trịnh Quý… và biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã trộn xương máu xây kết lên con đường này. Lại nghĩ về đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Nguyên, miền Tây các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình - Trị - Thiên, một thời “xe chưa qua, nhà không tiếc”, hy sinh tất cả vì sự sống của con đường, nay vẫn chịu cảnh nghèo nàn, lạc hậu,… Ý tưởng hiện đại hóa con đường Hồ Chí Minh càng thêm hối thúc.

Điều may mắn là trong quá trình thực hiện chủ trương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt xây dựng đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam đi theo hành lang đường Đông Trường Sơn, các lực lượng tham gia thi công đã sử dụng nhiều quãng đường Hồ Chí Minh trước đây để chuyển tải nguyên vật liệu. Với trọng trách là “Tổng công trình sư” của đường dây 500KV Bắc-Nam, đương nhiên anh Võ Văn Kiệt đã nhiều lần đi kiểm tra công trình theo những con đường đó. Lùi lại thời đánh Mỹ, tôi còn nhớ vào cuối năm 1974 đầu năm 1975, anh Võ Văn Kiệt cũng đã theo đường Trường Sơn từ Nam Bộ ra Hà Nội dự hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bàn kế hoạch Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành là xương sống thứ 2 xuyên Việt, phá vỡ thế độc đạo của QL1, đảm bảo giao thông thông suốt khi QL1 gặp sự cố (bão lũ, ngập lụt...), đồng thời cũng tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông - Tây của đất nước. Tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông, nó còn góp phần tích cực vào công cuộc Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường này có vai trò quan trọng về mặt an ninh quốc phòng, có tác động rất lớn để kết nối với các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và đề xuất của Bộ GTVT, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, ngày 24.9.1997, Thủ tướng chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể dự án với tên gọi là Xa lộ Bắc Nam. Dự án có hướng tuyến chạy song song với QL1 về phía Tây. Sau đó, theo nguyện vọng của nhiều cán bộ Bộ đội Trường Sơn cũ, tôi tha thiết đề nghị anh Võ Văn Kiệt lấy tên là đường Hồ Chí Minh - bởi tên đó đã ăn sâu trong tâm khảm của nhân dân trong nước và bạn bè thế giới. Trong thế kỷ XX, đường Hồ Chí Minh thật sự là một kỳ tích của dân tộc ta trong công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia. Chính đối phương cũng thán phục mà gọi là đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Và cũng đã từ rất lâu cho đến tận bây giờ, trên sách báo, phim ảnh thế giới cũng đã thân thuộc với tên gọi đường Hồ Chí Minh. Do đó, đề nghị của chúng tôi đã được anh Võ Văn Kiệt và Chính phủ chấp nhận.

Công trình xuyên thế kỷ

Khi hoàn thành, đường Hồ Chí Minh chạy suốt một dải hành lang phía Tây Tổ quốc, xuất phát điểm đầu là Pắc Bó (Cao Bằng, điểm cuối cùng là Đất Mũi – Cà Mau, ôm trọn từng tấc đất của Tổ Quốc. Là một “công trình xuyên thế kỷ”, dự án đường Hồ Chí Minh sẽ được tiến hành qua nhiều giai đoạn.

Ngày 20.1.1999, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 về tên đường, hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT quy hoạch tổng thể toàn tuyến theo dự kiến trên để trình Quốc hội, quyết định lập Ban chỉ đạo Nhà nước chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh do Phó Thủ Tướng Trần Đức Lương làm Trưởng ban và đại diện một số Bộ có liên quan là thành viên. Tôi vinh dự được Thủ tướng mời tham gia thành viên Ban chỉ đạo.

Ngày 3.2.2000, đúng ngày Đảng ta tròn 70 tuổi, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định số 18/QĐ-CP cho khởi công giai đoạn 1, thi công đoạn từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (KomTum). Nhánh phía Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ ( Quảng Nam), theo đường Hồ Chí Minh cũ và một số tuyến đường ngang, tổng chiều dài 1.220km. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện phương thức chọn đơn vị có điều kiện, năng lực các mặt để chỉ định thầu. Thời gian thi công 3 năm, bắt đầu từ mùa khô 2000 đến mùa khô 2003 xong đồng bộ.

Ngày 5.4.2000, lễ khởi công công trình đường Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại bến phà Xuân Sơn- Bố Trạch, Quảng Bình – một di tích lịch sử thời đánh Mỹ, gần di sản thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, là ngã ba đường 20- Quyết Thắng và đường Hồ Chí Minh trước đây. Chủ trì lễ khởi công là Thủ Tướng Phan Văn Khải - một vị Thủ Tướng có tầm chiến lược, có phong cách làm việc gần gũi, được mọi người quý mến. Đặc biệt, cũng như Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, anh Phan Văn Khải rất coi trọng đường Hồ Chí Minh.

Tại lễ khởi công, tất cả các đơn vị thi công toàn tuyến, bao gồm cả nhánh Đông và nhánh Tây cùng đồng loạt ra quân, gồm 62 tổng công ty và công ty lớn nhỏ thuộc các ngành giao thông, xây dựng và quân đội làm kinh tế.

Sau hơn một năm thi công giai đoạn Hà Tĩnh – Kom Tum, ngày 13/11/2001 Thủ tưởng Chính phủ quyết định cho khởi công tiếp đoạn Thanh Hóa – Nghệ An, bằng phương thức đấu thầu; theo đó có 35 tổng công ty và công ty trúng thầu, trong đó có cả công ty thương mại, cơ khí, viện nghiên cứu,…

Ngày 19.5.2003, chính thức khởi công đoạn qua Hà Tây (cũ)-Hòa Bình, theo phương thức chỉ định thầu. Riêng đoạn qua khu vực rừng quốc gia Cúc Phương  khởi công ngày 8.6.2004, nhưng sau gần 2 năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, gây cản trở cho thi công, kéo dài thời gian, tốn kém, lãng phí quá lớn. Ở quãng này, chủ yếu dựa theo đường cũ, đi qua đồng ruộng, làng bản, không ảnh hưởng tới rừng, thế nhưng giữa ngành Tài nguyên Môi trường với ngành Giao thông vận tải phải bàn thảo gay gắt gần 4 năm mới triển khai được.

Về quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh, từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), tôi đã cùng nhiều đoàn khảo sát của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng trực tiếp thị sát toàn tuyến hai lần; có đoạn đi tới bốn lần. Về cơ bản, tôi nhất trí với hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối, các điểm khống chế, như phương án của Bộ GTVT trình Chính phủ, tiếp đó Chính phủ trình Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 26.9.2003 và được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI thông qua. Riêng đoạn từ Tuyên Quang về Hòa Bình, từ quá trình chuẩn bị cho đến nay và cả mai sau, tôi vẫn giữ ý kiến đi theo phương án 2 như đã báo cáo Bộ Chính trị ngày 26.9.2003.

Về phần tôi, với chức năng Đặc phái viên giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra phát hiện những vấn đề lớn liên quan đến tiến độ, chất lượng công trình; đồng thời chủ trì các cuộc họp liên tịch giữa các Bộ, các tỉnh để phối hợp công việc, tạo sự hoạt động đồng bộ giữa các mảng trong quá trình thi công tuyến đường. Nói chung, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Thương mại, Bộ Bưu điện, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài Nguyên Môi trường và các tỉnh đều phối hợp tương đối tốt. Bộ GTVT đã khẳng định được chức năng chủ thể phối hợp. Bộ Xây dựng đã quy hoạch tổng thể các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo đường Hồ Chí Minh. Bộ Bưu Điện (nay là Bưu chính viễn thông) lắp đặt đường cáp quang toàn tuyến bảo đảm thông tin liên lạc. Bộ Thương mại xây dựng  bước đầu hệ thống trạm dịch vụ bảo đảm xăng dầu. Bộ Nông nghiệp quy hoạch trồng cây hai bên đường, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Bộ GTVT quản lý hành lang lộ giới, giải phóng mặt bằng…

  Đường Hồ Chí Minh sẽ được phát triển lên một tầm thế mới – nỗi ước mong, hằn sâu trong suy nghĩ, tình cảm của tôi từ những ngày cầm quân “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đang trở thành hữu hiệu. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc lớn lao trong những năm tháng tuổi già của tôi. 
Với nhiệm vụ giúp Thủ tướng kiểm tra công tác thi công, trong hơn 3 năm (từ năm 2000 đến năm 2004) mỗi năm tôi dùng thời gian đi hiện trường từ ba đến bốn lần. Lúc đầu nhiều đoạn phải xắn quần đi bộ, về sau, đi xe hai cầu. Tới đầu năm 2004 thì đi xe du lịch từ Thạch Quảng (Thanh Hóa) đến Ngọc Hồi (Kom Tum), nếu chỉ đi (không làm việc) mất hai ngày. Một con đường hiện đại đã định hình khi thì chạy qua thôn làng, bình nguyên khá bằng phẳng; khi thì như dải lụa vắt qua núi đồi. Cảnh quan thiên nhiên núi rừng tô đẹp thêm con đường mang tên Bác.

Trở lại với con đường, trở lại với những cánh rừng Trường Sơn, trong tôi lại hiển hiện quá khứ một thời lửa đạn một thời chiến tranh khốc liệt; phấn khởi tự hào đất nước đang từng ngày đổi sắc thay da; từ đường Trường Sơn như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” ngày nào, giờ đây ta đang hướng tới một đại lộ Hồ Chí Minh và cũng từ đáy lòng dạ bùi ngùi, man mác nhớ thương đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, để hôm nay chúng ta có được con đường vừa hoành tráng, vừa thơ mộng như tranh.

Cũng như đường Trường Sơn của thời đánh Mỹ, có được đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, trước hết là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương có con đường đi qua; các Bộ, ngành có liên quan, chủ lực là Bộ GTVT. Bên cạnh đó là công sức của đơn vị khảo sát, rà phá bom mìn, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát Cu Ba và Việt Nam; các ban quản lý từ cấp bộ đến tỉnh, các ban giải phóng mặt bằng, các đơn vị tham gia thi công cầu, đường, đơn vị sản xuất vật liệu ...cùng với các Cục, Vụ, Viện thuộc các Bộ có liên quan trong việc nghiên cứu khoa học, phê duyệt thiết kế, giải ngân, thanh quyết toán…Đặc biệt là sự góp sức của tập thể Lãnh đạo và cán bộ viên chức Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, những người trực tiếp điều hành quản lý dự án . Từ những ngày đầu chỉ có khoảng 10 người, đến nay, Ban đã trưởng thành và lớn mạnh với đội ngũ 175 người. Với sự nỗ lực và cố gắng không ngừng, tập thể Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng đường Hồ Chí Minh từ con đường mòn đứt đoạn thành đường Hồ Chí Minh khang trang, rộng lớn, đúng với ý Đảng, lòng dân.

Có thể nói, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa là một công trình thi công tương đối đồng bộ, chất lượng cao, cả đường, cầu, đường cáp quang, hệ thống trạm xăng dầu, quy hoạch dân cư, làng thanh niên lập nghiệp; hệ thống quản lý, vận hành đường… Tuy nhiên, so với tiến độ quy trình ban đầu thì có đoạn chậm.

 Một con đường hiện đại đã định hình khi thì chạy qua thôn làng, bình nguyên khá bằng phẳng; khi thì như dải lụa vắt qua núi đồi. Cảnh quan thiên nhiên núi rừng tô đẹp thêm con đường mang tên Bác. 
 

Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương và các tổng công ty căn cứ theo các khả năng đầu tư, hiện đang triển khai xây dựng từng đoạn và những đoạn tuyến này đang phát huy tác dụng cả về kinh tế lẫn quốc phòng, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi. Khi tuyến đường này hoàn thành kéo dài từ Pắc Bó đến Đất Mũi sẽ là tuyến đường dài nhất của đất nước, nó sẽ ôm gọn vào lòng tất cả đất đai theo chiều dài của Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, tôi muốn với các đồng chí rằng, khó khăn phía trước còn nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Đất nước gặp khó khăn chung, tôi mong các đồng chí không dừng bước, nỗ lực hết mình hoàn thành đường Hồ Chí Minh đúng chất lượng, tiến độ trước năm 2020 như yêu cầu trong Nghị quyết 66 của Quốc Hội. Tôi chúc các đồng chí mạnh khỏe, công tác tốt.

Thống kê truy cập