Ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra, đốc thúc tiến độ, chất lượng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan
Đồng bộ tuyến QL1, hạ tầng giao thông đối ngoại của Đà Nẵng đang chờ đón công trình đường HCM đoạn La Sơn - Túy Loan hoàn thiện, kết nối các dự án cao tốc trên địa bàn, phát triển thông thương, rộng cửa đón làn sóng đầu tư…
Vượt khó, đẩy tiến độ
Mỗi ngày, gần 20 mũi thi công của nhà thầu Sơn Hải “dàn trận” triển khai dọc khắp các gói thầu 4, 5, 6 (phía Thừa Thiên - Huế) và 14, 16-17 (địa phận Đà Nẵng) dự án đường HCM đoạn La Sơn - Túy Loan. Hàng chục đầu trang thiết bị cùng hơn trăm CBCNV nhà thầu, tập trung các hạng mục nền đường, cầu cống… Theo ông Nguyễn Viết Trung, Giám đốc ĐHDA của nhà thầu Sơn Hải, giai đoạn 2 mở rộng được phê duyệt thiết kế, hướng tuyến, đơn vị tổ chức lực lượng triển khai song song công tác đắp nền, tăng tốc tiến độ.
Đặc thù dự án qua nhiều đoạn tuyến hiểm trở, vực sâu, núi cao khiến không ít mũi thi công bất lợi. Như gói 16-17 có những vị trí nhà thầu Sơn Hải phải mở đường công vụ “vượt núi” với độ dốc lên đến 17%. Tuy nhiên, với năng lực, giải pháp thi công hiệu quả, Sơn Hải là “điểm sáng” tiến độ tích cực nhất toàn tuyến. Không riêng dự án La Sơn - Túy Loan, những năm qua, Sơn Hải ghi dấu ấn trên hàng loạt các công trình dự án giao thông trọng điểm: QL1, QL14… với cam kết “bảo hành 5 năm” trong khi các nhà thầu khác chỉ tối đa 4 năm.
Ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng Ban ĐHDA La Sơn - Túy Loan đánh giá: Toàn dự án đạt 62% giá trị hợp đồng (giai đoạn 1), riêng các gói thầu Sơn Hải đạt hơn 65%, cao nhất tuyến. Đặc biệt, nhà thầu này tiên phong hoàn thiện 3/6 cầu và luôn đạt, vượt các mục tiêu tiến độ dự án đặt ra. Góp phần tạo đà thi công, đốc thúc các nhà thầu, nhà đầu tư khác cùng “thi đua” đẩy nhanh tiến độ.
Thực tế, thời gian qua, dự án gặp không ít bất lợi về thời tiết, mưa kéo dài 7-8 tháng liên tục, khó khăn nguồn vật liệu đất đắp, một số vướng mắc GPMB tồn đọng… ảnh hưởng không nhỏ công tác triển khai. Bằng nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa”, tiến độ triển khai công trình có những chuyển biến tích cực. Cùng Sơn Hải, nhiều đoạn tuyến của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu Sông Đà 10, Trường Thịnh… đang nỗ lực kiểm soát tiến độ, chất lượng triển khai. “Các gói thầu chậm, “rớt tiến độ”, Ban tiến hành điều chỉnh để đảm bảo tiến độ toàn tuyến”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Thống kê, hiện giai đoạn 1 dự án hoàn thành 51/56km nền đường, 30/58 cầu cán đích… Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM Nguyễn Vũ Quý cho hay: Với việc phê duyệt giai đoạn 2 dự án, các đơn vị chức năng tập trung trang thiết bị, nhân vật lực mở rộng nền đường nên quy mô rộng 24m, bổ sung 17 cầu mới trên tuyến. Dự kiến cao điểm thảm bê tông nhựa mặt đường vào cuối năm 2017, với phương án bề rộng mặt thảm 12m (phần nền đường còn lại lên cấp phối K95)...
Ông Nghiêm cho hay: Ban ĐHDA tăng cường công tác quản lý, điều hành, triển khai dự án thành công trường mẫu cả về tiến độ và chất lượng. Ngoài lực lượng tư vấn giám sát dự án, công trình có sự giám sát của các đơn vị độc lập. Khó khăn ở chỗ nguồn vật liệu đất đắt, đá bê tông nhựa khan hiếm. Qua khảo sát, các mỏ đá bê tông nhựa ở Huế phần lớn không đáp ứng yêu cầu về độ bám dính, trong khi đó tại Đà Nẵng chỉ có mỏ Hố Chồn đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật. Ban tính tới giải pháp lấy vật liệu đá từ mỏ Đầu Mầu (Quảng Trị) nhưng bất lợi về cự ly vận chuyển xa, chi phí…
Thênh thang cửa ngõ Đà Nẵng
Theo lãnh đạo Ban ĐHDA, phương án 2 mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan đang tính toán trên lưu lượng phương tiện, khả năng phân lưu và nguồn vốn huy động… Riêng đoạn Hòa Liên (Hòa Vang) đến nút giao Túy Loan (Km66 - Km 78+300), kẹp với đường tránh Nam hầm Hải Vân (hiện hữu) sẽ được mở rộng lên quy mô cao tốc, để khớp đồng bộ với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng cho biết: Không giống với việc thi công nhiều tuyến cao tốc khác, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan có quy mô cao tốc nhưng triển khai địa hình, địa thế rất khó khăn, khắc nghiệt. Công địa không bằng phẳng, liên hoàn, các đơn vị thi công phải bạt núi, định tuyến giữa đèo cao, vực thẳm nên khối lượng triển khai rất lớn, và phức tạp. “Toàn dự án nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, chất lượng để sớm hoàn thành công trình trọng điểm này vào năm 2018, kết nối tuyến cao tốc trên địa bàn. Qua đó, phát triển mạng lưới liên hoàn các tuyến giao thông đối ngoại huyết mạch đi và đến Đà Nẵng”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trực tiếp kiểm tra công trường thi công, GPMB dự án La Sơn - Túy Loan. Ông Thơ ghi nhận, biểu dương nỗ lực triển khai dự án, đốc thúc công tác xử lý dứt điểm vướng mắc mặt bằng giai đoạn 1, sớm GPMB giai đoạn 2. Theo ông Thơ, công trình có vai trò đặc biệt quan trọng, khi hoàn thành xóa “điểm nghẽn” lưu thông tuyến đường tránh, kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc, tạo thành mạng lưới liên hoàn, phân lưu cho QL1, đánh thức các vùng kinh tế phía Tây của thành phố. Còn nhớ, đương thời, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng trăn trở: Phải sớm hình thành trục cao tốc Bắc - Nam để tránh “phương tiện đối đầu” trên QL1, phát triển thông thương. Và giờ, “tầm nhìn” giao thông chiến lược này đang được hình hài qua Đà Nẵng, miền Trung.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Hạ tầng giao thông Đà Nẵng đang giai đoạn khởi sắc, phát triển đồng bộ nhất: QL1 được đầu tư, mở rộng, hầm Hải Vân được khởi động thông ống hầm lánh nạn thành đường hầm giao thông, tuyến cao tốc hình hài… Các cửa ngõ đi - đến Đà Nẵng thêm thênh thang, tạo thành các trục di chuyển với tốc độ cao, sẽ sớm góp phần tạo đà cho Đà Nẵng - thành phố động lực miền Trung, vững bước phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng cho hay: Đường tránh Nam hầm Hải Vân từng là “điểm đen” về TNGT, với việc mở rộng, khớp nối dự án La Sơn - Túy Loan, không chỉ đồng bộ quy mô đường cao tốc, phát triển lưu thông mà còn kéo giảm TNGT, đảm bảo trật tự ATGT.
Theo lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Km66 - Km 78+300 là đoạn tuyến mở rộng trên đường cũ, có nhiều hộ dân sinh sống nên khối lượng GPMB lớn, phức tạp. Do vậy, Đà Nẵng cần có cơ chế GPMB đặc biệt, như tăng cường nhân lực, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác GPMB của dự án, phối hợp các bên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Các địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cần sớm bàn giao mặt bằng giai đoạn 2 chậm nhất trong tháng 5/2017, dự án mới có thể đảm bảo thời hạn hoàn thành cuối năm 2018.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đánh giá: Khu kinh tế này gồm 5 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thì Đà Nẵng được đánh giá là hạt nhân để kích thích cho toàn vùng phát triển. Muốn làm tốt sứ mệnh này, điều tiên quyết Đà Nẵng và vùng phải phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Thời gian qua, Hầm Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên - Huế), mở rộng QL1 đưa vào khai thác đã giải quyết được hạ tầng giữa Huế và Đà Nẵng. Nhưng trên tổng thể, chúng ta cần phải có sự kết nối đồng bộ và liên hoàn hơn. Chẳng hạn nếu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tiếp đó La Sơn - Túy Loan sớm triển khai, hoàn thiện thì vai trò trung tâm của Đà Nẵng sẽ đạt được kỳ vọng.
Yên Trang (Ghi)
|